Ăn gì cũng sợ

Ăn gì cũng sợ
TP - Kết quả khảo sát do Viện Pasteur TPHCM (Bộ Y tế) thực hiện từ tháng 4 - 8/2017 cho thấy, 150/150 mẫu (100%) thịt gà, vịt, heo tươi bán ở chợ ở TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước nhiễm vi khuẩn E. coli vượt giới hạn cho phép.

Chiều 12/12, phóng viên báo Tiền Phong khảo sát tại một số chợ đông công nhân. Tại chợ Bình Triệu (Q. Thủ Đức), nhiều tiểu thương bán gà, vịt đã cắt tiết, nhổ lông sẵn, đồ lòng cũng được làm sẵn, “phơi” mình giữa khói bụi và ruồi nhặng. Thế nhưng, vẫn có nhiều công nhân chọn mua.

Tại chợ tự phát trên đường Đào Cam Mộc (Q.8), những rổ cá bày ngay dưới lòng đường, khách mua sẽ được sơ chế tại chỗ. Chỉ một thau nước nhưng dùng cả ngày, chị Thìn (bán cá) xua tay: “Ôi bẩn gì đâu cô, về cô cũng rửa lại chứ có để vậy rồi nấu ăn đâu mà lo”.

Thịt heo cũng trong tình trạng “tắm nắng” cả ngày. Thịt bày hẳn trên bàn, lót vài tờ giấy báo, người bán chỉ dùng một chiếc chổi nhỏ phe phẩy khi có khách ngang qua. Chị Thanh (bán thịt ở chợ Phạm Văn Hai, Q. Tân Bình) bỏ nhỏ: “Muốn ngon thì mua thịt buổi sáng cho nó mới. Heo này đến chiều tối không bán hết, tôi giao rẻ cho các quán cơm, quán bún. Thịt cứ tẩm ướp, chế biến cho ngon thì có người mua hết”.

Bà Nguyễn Thị Bé (50 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) hết sức lo lắng: “Gần chỗ tui, hải sản bày trên các xe ba-gác, phơi nắng mưa giữa đường thì hỏi làm sao không nhiễm khuẩn được. Thịt cá có ai bảo quản lạnh gì đâu, họ ướp đủ thứ cho tươi ngon, không ôi thiu. Mặc dù nghe cơ quan chức năng bảo thịt ra chợ có nguồn gốc, có dán tem nhưng tui chưa bao giờ truy xuất được miếng thịt có tem nào ở chợ lẻ hết”.

Ông TSàn A Sìn - Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) khẳng định, thực phẩm tại chợ không nhiễm khuẩn này. “Để xác định thực phẩm nhiễm hay không nhiễm thì còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Ví dụ như thịt về tại chợ Bình Điền đều theo quy trình bảo quản lạnh, khi xuất chợ cũng theo quy trình này, được Ban ATTP thành phố kiểm soát. Nhưng khi thực phẩm đến các chợ lẻ, thịt được bảo quản như thế nào thì tôi không biết. Bởi từ môi trường lạnh mà chuyển sang môi trường nóng là điều kiện rất thuận lợi cho khuẩn E.coli phát triển. Tương tự, hải sản ở chợ đa số là hải sản tươi sống, nếu là hàng biển thì đều cấp đông hoặc ướp đá. Nhưng ra chợ lẻ thì gần như tiểu thương không bảo quản gì mà phơi nắng cả ngày, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao” – ông Sìn nói.

Theo ông Trần Ngọc Hổ - Phó giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM: “Nếu nói thực phẩm nhiễm E. coli thì không chỉ khâu sản xuất mà còn là khâu giết mổ, phân phối, tiêu dùng. Ngay cả tấm thớt, nguồn nước rửa không sạch thì thực phẩm cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn này”.

MỚI - NÓNG