An lành

An lành
TP - Năm mới, ít thấy ai chúc nhau rõ ràng hai chữ An lành. Dù An khang, trong khái niệm chung đã bao hàm vào đó sự yên ổn khỏe mạnh. Nhưng cái từ “lành” thuần Việt, có vẻ bị khuất lấp sau những lời chúc tụng rổn rảng hoa mỹ khác giữa thời đại đang lắm nỗi ngổn ngang.

Ấm áp, và cũng là điểm sáng trong trẻo hiếm hoi trong mùa lễ hội đầu xuân Giáp Ngọ này, có thể nói là tại Vũng Chùa – Quảng Trạch, Quảng Bình. Hàng vạn lượt người đang mỗi ngày lần lượt nối nhau lên viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong trật tự, trang nghiêm và thành kính.

Khác hẳn với sự nháo nhác hỗn loạn ở nhiều điểm lễ hội tâm linh hiện nay. Với người dân, theo thời gian, cảm giác mất mát tiếc thương cụ thể đối với một bậc khai quốc công thần như cụ Võ có lẽ đã vợi bớt. Thay vào đó là sự thành kính trước uy linh. Và tìm đến một chỗ dựa tinh thần, với những lời nguyện xin an lành.

Nơi ấy, khách hành hương được ban tổ chức, là những người lính áo xanh đón tiếp thậm tình. Chỉ với ít thẻ hương tự nguyện. Còn hoa quả trái cây dâng cúng, sau khi bày biện dâng hương sẽ được phổ biến để bà con tự giác cầm về. Không “đao to búa lớn” cùng tiền lẻ tiền chẵn được rải ra, nhưng mỗi người ghé ngang thắp nén tâm hương nơi đây, đều mang theo về một sự thanh sạch, an lành.

Cứ mỗi độ sau Tết, với nhiều người bây giờ, không hiểu sao có cảm giác, rằng chùa chiền, thần Phật sẽ "bay biến" đi ngay nếu không kịp ùa nhau về dâng lễ lạt?! Sự quá tải xô bồ không cần thiết đương nhiên xảy ra. Dù sau những lễ vật nhỏ to, những nén tâm hương, thường lại chỉ rước về đôi sự bực mình. Lễ hội ăn theo Tết nguyên đán nhiều nơi đã đến mức “bội thực”, cơ quan quản lý cũng đã biết, nhưng chưa thể tiết giảm. Có lẽ cũng là để “chiều” theo tâm linh tự phát của một bộ phận người dân, theo suy nghĩ cứ có lễ, có hội là có “lành” ?!

Nhiều ý kiến gần đây “phản biện” về cách ăn Tết ta của người Việt. Cho rằng đó cơ bản là sự phí phạm, nghèo giàu không biết, chỉ đua nhau sắm “mâm cao cỗ đầy” để cuối cùng đổ bỏ, no dồn đói góp.

Nhưng thiết nghĩ, ngoài thiết chế văn hoá cơ sở đang là từ phổ biến hiện nay, thì “thiết chế” tâm linh cũng đang có vấn đề. Khi sự đua chen, giành giật, thậm chí chà đạp nhau trong lễ lạt, cúng bái đền chùa mùa lễ hội trở thành thời thượng. Mà ít ai chịu nín nhường, chọn những thời khắc, những nơi chốn thanh tịnh, vắng lặng, vào nhiều thời điểm khác, như dịp nghỉ cuối tuần chẳng hạn, để cùng gia đình dâng nén tâm hương lên chốn linh thiêng, giãi bày tâm nguyện.

Cầu xin an lành hay an khang, phúc lộc bằng và với kiểu cách xô bồ, ô tạp, tự thân hành vi đó đã cho thấy sự “bất hạnh” đáng kể cho mỗi con người. Chưa kể điều đó linh nghiệm đến đâu. Và ai nghĩ, thế giới tâm linh mà họ đang cầu khẩn hướng tới, có thiết tha gì với sự cầu cúng hỗn tạp ấy?

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).