“Ăn mày” lột xác

“Ăn mày” lột xác
Giả dạng là những người đang bị các căn bệnh hiểm nghèo cần tiền để chữa trị, nhiều người đã đến các khu chợ tại TP.HCM kêu than thảm thiết và chấp nhận “lăn, lê, bò, toài” để được những người tốt bụng cho tiền. Sau “vở diễn” đầy quằn quại, thảm thương giả tạo, họ hiện nguyên hình là những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp.

“Vở diễn” rất thảm thương lúc 7g30 ngày 17 - 7 tại chợ Thảo Điền (quận 2, TPHCM). Giữa khu chợ đông nghẹt người mua bán, bất ngờ xuất hiện một phụ nữ mặc bộ đồ màu đen, bịt khăn che nửa mặt, đầu đội chiếc nón lá rách tả tơi kéo lê một người đàn ông đi van xin mọi người “rủ lòng thương”.

Kéo lê người đàn ông được một vòng, người phụ nữ ghé mua dây buộc tóc để tạo lòng tin và không quên kể lể xin tiền. Trong ảnh: không ít người đã bị hai đối tượng này lợi dụng, lừa tiền
Kéo lê người đàn ông được một vòng, người phụ nữ ghé mua dây buộc tóc để tạo lòng tin và không quên kể lể xin tiền. Trong ảnh: không ít người đã bị hai đối tượng này lợi dụng, lừa tiền. Ảnh: Tuổi Trẻ

Người đàn ông nằm co quắp, bất động trên chiếc xe kéo tự chế, toàn thân được quấn bởi một tấm vải hoa kín mít. Trên xe kéo để một chiếc túi lớn đựng một số dụng cụ “hành nghề”, gồm một xấp giấy tờ bệnh án, phim chụp X-quang, bên cạnh là một chiếc xô màu đỏ để... đựng tiền. Hai người này xưng là “vợ chồng”.

Trong suốt hành trình xin tiền, chiếc máy cassette giấu kín trong túi liên tục phát ra đoạn âm thanh (giọng nữ) kể lể thảm thiết về bệnh tật: “chồng tôi bị bệnh tai biến mạch máu não, bị tê liệt, không cử động được phải bài tiết trong quần, xin hãy rủ lòng thương cứu vớt cuộc đời chồng tôi...”.

Hai đối tượng lột xác và đếm tiền cách khu chợ chưa đầy 100m
Hai đối tượng lột xác và đếm tiền cách khu chợ chưa đầy 100m. Ảnh: Tuổi Trẻ

Cứ như thế, người phụ nữ liên tục kéo lê người đàn ông đi lại bốn vòng quanh khu chợ. Qua mỗi vòng, người phụ nữ lại vơ trái cây, ly nước nhựa vứt vương vãi bên đường để “chứng minh”, tạo “khổ nhục kế” lấy lòng tin mọi người.

Để người xung quanh tin hơn, chị ta còn tự tay thực hiện các bước tiểu tiện cho người đàn ông nằm bất động. Lấy khăn lau mặt cho người đàn ông và xuýt xoa với bộ dạng khổ sở.

Mất gần một giờ giả vờ làm “người khốn khổ” sẵn sàng ăn những thức ăn dơ bẩn, uống những lọ nước gợn màu vứt ở góc chợ..., cặp “vợ chồng” này đã thu được vài trăm ngàn đồng từ những người tốt bụng mua bán ở chợ.

Bộ dạng thảm thương để xin tiền
Bộ dạng thảm thương để xin tiền.

Xong “vai diễn”, người phụ nữ nhanh chóng kéo lê người đàn ông ngược theo xa lộ Hà Nội, hướng về quận 9. Đến một chỗ vắng vẻ tại địa chỉ 784 xa lộ Hà Nội, chị ta kéo người đàn ông vào mái hiên để thay đồ và đếm tiền.

Lúc này, người đàn ông từ bộ dạng thoi thóp, nằm bất động bỗng nhiên đứng bật dậy, tự tháo tấm mền quấn quanh thân và tỏ ra nhanh nhẹn khác thường. Móc từ trong túi quần ra một gói thuốc lá, ông ta thản nhiên châm và hút phì phèo.

Người phụ nữ với bộ đồ đen bịt mặt, nón lá rách tả tơi sau khi lột xác thì mặt mũi được đánh phấn, tô son, kẻ lông mi đậm rất “tân thời”. “Lột xác” xong, hai đối tượng băng qua đường tới trạm xe buýt trên xa lộ Hà Nội (gần ngã ba Cát Lái, quận 2). Người phụ nữ ngồi vắt chân vô tư đếm tiền và đợi xe buýt.

Sau một lúc nấn ná, cả hai nhảy tót lên xe số 12 (tuyến Bến Thành - Giang Điền) và tiếp tục “hành trình” lừa đảo ở những địa điểm khác.

Người đàn ông nằm bất động lúc này đã trở thành người hoàn toàn khỏe mạnh sau khi kết thúc “vai diễn”
Người đàn ông nằm bất động lúc này đã trở thành người hoàn toàn khỏe mạnh sau khi kết thúc “vai diễn”. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trước đó, sau gần hai tháng theo dõi, chúng tôi đã bắt gặp “vở diễn” của hai “vợ chồng” này tổng cộng bốn lần, chủ yếu vào những ngày thứ bảy, chủ nhật. Chỉ trong bốn lần vào vai, mỗi lần mất gần một giờ, nhẩm tính họ thu vào vài triệu đồng.

Ngoài hai đối tượng tự xưng “vợ chồng” này còn có thêm hai đối tượng khác cũng tự xưng “anh em” và thường xuyên hoạt động tại khu chợ cùng với “chiêu thức” giả vờ bệnh huyết thanh cần tiền gấp để chạy chữa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những đối tượng này đóng đủ loại “vai diễn”, từ giả vờ bị bệnh tật hiểm nghèo, tự khoét chân, tay cho rỉ máu... Địa điểm thường lui tới “hành nghề” là những khu chợ, siêu thị, công viên...

Những nhóm lừa đảo này thường từ hai người trở lên, đóng nhiều vai diễn như cha con, vợ chồng, anh em, bà cháu..., luôn có một người khỏe mạnh dẫn đường và chuyển địa bàn hoạt động thường xuyên.

Khi bị phát hiện, một số đối tượng lừa đảo trên không bỏ chạy mà sẵn sàng tấn công như chửi bới, hành hung... người tố giác.

Theo HOÀNG LỘC
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG