An sinh xã hội VN: Giàu hưởng nhiều, nghèo hưởng ít

An sinh xã hội VN: Giàu hưởng nhiều, nghèo hưởng ít
Báo cáo về an sinh xã hội (ASXH) VN được Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố hôm qua tại Hà Nội đã cho thấy bức tranh nghịch chiều trong hệ thống ASXH của VN.
An sinh xã hội VN: Giàu hưởng nhiều, nghèo hưởng ít ảnh 1
Khám, chữa bệnh mắt cho bệnh nhân nghèo ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - Ảnh: N.C.T.

Tiến sĩ Martin Evans - lãnh đạo nhóm nghiên cứu, cho biết nhóm giàu nhất (20% hộ giàu nhất VN) nhận được 47% lương hưu, trong khi nhóm nghèo nhất chỉ nhận được 2%, tỉ lệ này với trợ giúp y tế lần lượt là 45% và 7%, trợ giúp giáo dục là 35% và 15%.

Tiến sĩ Evans cho biết có hai nguyên nhân. Thứ nhất, do phần lớn các chính sách ASXH của VN như lương hưu, trợ cấp thương binh dành cho đối tượng là công chức từ trước thời kỳ đổi mới đã về hưu và thương binh, gia đình liệt sĩ (những hộ gia đình này thường không thuộc nhóm có thu nhập thấp nhất).

Thứ hai, lợi ích ASXH phụ thuộc mức thu nhập của từng người, từng hộ gia đình khác nhau theo tỉ lệ thuận do ai có thu nhập cao hơn có thể tham gia nhiều hơn vào các chương trình ASXH như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...

Trước thực trạng này, ông Johnathan Pincus - chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại VN, cho biết tuy Chính phủ nhận thức rõ rằng giáo dục, cũng như y tế, phải dựa một phần vào thu phí nhưng nhìn rộng hơn, Chính phủ phải thận trọng vì “nếu cho tiền (trợ cấp) rồi bên kia (tức các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...) lấy lại tiền thì kết quả có thể là con số 0 hoặc thậm chí âm. Tóm lại là chính sách ASXH hiện nay của VN có giúp giảm nghèo nhưng không nhiều".

Ông Pincus khẳng định việc điều chỉnh hệ thống ASXH là một quyết định chính trị mà VN phải đưa ra trên cơ sở tư vấn rộng rãi và công khai các bên khác nhau, gồm người lao động, công đoàn, doanh nghiệp, chính quyền các cấp, xã hội dân sự, dân chúng nói chung.

“Không có một hệ thống nào đó để VN có thể áp dụng tuyệt đối. Mỗi nước có một lịch sử riêng và đặc điểm kinh tế, xã hội riêng. Chính phủ phải tạo ra hệ thống riêng của mình để có được những chính sách ASXH khả thi và hiện đại”, ông Pincus phân tích.

Một điểm quan trọng trong hệ thống đó, theo ông Pincus, là nó phải mang tính bao trùm để ai cũng có thể đóng góp và đồng thời thu lợi từ hệ thống ASXH. Nếu hệ thống đó chỉ dành cho người nghèo thì nó chỉ có tác dụng đối với riêng người nghèo và sẽ không thể thu hút sự hỗ trợ từ các thành phần khác trong xã hội, và theo thời gian hệ thống đó sẽ có nguy cơ thất bại.

ASXH công bằng giúp hội nhập quốc tế thành công

Nghiên cứu được thực hiện phối hợp giữa nhóm chuyên gia từ Trường ĐH Bath (Anh) với UNDP, Viện Khoa học xã hội VN và Bộ LĐ-TB&XH, dựa trên khảo sát mức sống hộ gia đình VN năm 2004 của Cục Thống kê.

Ông John Hendra, điều phối viên thường trú của LHQ, cho biết tài liệu mới nhất này của UNDP là bước đi đầu tiên trong quá trình hợp tác để xây dựng đề cương về hệ thống ASXH tổng thể cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ VN giai đoạn 2011-2020.

“Chúng tôi tin rằng các phân tích kỹ lưỡng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách xã hội của VN xác định được các vấn đề ưu tiên cho cải cách ASXH, giảm bất bình đẳng về kinh tế và hỗ trợ quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế thành cộng”, ông Hendra giải thích.

Ông khẳng định VN nên thiết kế lại hệ thống ASXH vì những quốc gia hội nhập quốc tế thành công thường chi nhiều hơn cho các chương trình ASXH.

Theo Hương Giang
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.