Vỉa hè bằng đá cam kết bền 70 năm vừa dùng đã vỡ

Ẩn số về chất lượng, nguồn gốc đá

Công nhân đang lát đá tự nhiên tại phố Hòa Mã (ngày 2/12)
Công nhân đang lát đá tự nhiên tại phố Hòa Mã (ngày 2/12)
TP - Vỉa hè nhiều tuyến phố mới được lát đá tự nhiên độ bền 70 năm nhưng đã bị nứt vỡ, nhiều đoạn hư hỏng. Theo các chuyên gia xây dựng, nguyên nhân không chỉ do thi công, mà còn do chất lượng đá.

Ðá vỡ vụn ở nhiều nơi

Khảo sát của phóng viên tại một số tuyến phố trọng điểm như Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân), Quang Trung (Hai Bà Trưng)… cho thấy, đá lát vỉa hè đều có hiện tượng nứt vỡ. Thậm chí, trên vỉa hè có đoạn bị sụt, vỡ từng mảng. Ngoài ra, đá tự nhiên lát tại các tuyến phố được thiết kế với màu sắc, kích cỡ, độ dày các lớp kết cấu bê tông không thống nhất.

Tuyến đường Trần Phú (đoạn từ Cầu Trắng tới nút giao đường Chiến Thắng) là tuyến huyết mạch của quận Hà Đông, ô tô bị hạn chế dừng đỗ. Người dân ở đây cho biết, hầu như không có việc ô tô đỗ trên vỉa hè vì lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý, nhưng đá lát vỉa hè vẫn vỡ. Ngay nút giao đường Chiến Thắng, nhiều viên đã vỡ vụn, ngay cả khối đá làm bó vỉa cũng bị nứt vỡ.

Ẩn số về chất lượng, nguồn gốc đá ảnh 1 Vỉa hè phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân)

Vỉa hè đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ nút giao Hoàng Văn Thái - Trần Điền thuộc quận Thanh Xuân) có đoạn bị sụt lún, lớp đá bị xô lệch. Nhiều đoạn là lối vào các ngõ, lối lên xuống có lớp đá mới lát bung ra, vỡ thành từng mảng. Trên đường Quang Trung, đoạn giao phố Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) gần bãi đỗ xe máy, lối lên xuống của ngân hàng, có một số vị trí đá lát bị bung, có hiện tượng nứt vỡ.

Phóng viên cũng ghi nhận hiện trạng tại một số tuyến phố khác như Hòa Mã, Thi Sách, Yên Bái 2… đang thi công lát vỉa hè bằng đá tự nhiên. Một tiểu thương ở phố Yên Bái 2 phản ảnh, đơn vị thi công đào vỉa hè từ mấy ngày trước rồi để đó đi làm nơi khác. Nhiều ngày sau mới quay lại đổ bê tông lót nền rồi lại đi, đến nay vẫn bừa bãi vật liệu xây dựng, ảnh hưởng việc kinh doanh nhiều ngày qua.

Thanh tra thành phố Hà Nội từng chỉ ra tại 35 dự án lát đá được triển khai tại các quận, trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, hồ sơ dự thầu của đơn vị trúng thầu thiếu thông tin về chỉ tiêu nhóm đá, chỉ tiêu đá lát hè, nguồn gốc đá; không thực hiện đúng yêu cầu về quy cách vật liệu lát hè, thiếu kiểm tra đá lát tại nơi sản xuất. Một số mẫu đá lát hè không đảm bảo (theo thiết kế là 40mm). Một số mẫu cá biệt đá lát có thớ đá phân tách tự nhiên thì độ bền uốn không đạt yêu cầu, các mẫu này mắt thường không phân biệt được thớ đá, chỉ khi đưa vào máy uốn mới phát hiện.

Theo quan sát của phóng viên, đơn vị thi công đã cào hết lớp vỉa hè cũ đi, trải một lớp giấy dầu để đổ bê tông lót nền rồi mới lát đá. Đá lát vỉa hè đã được thiết kế lại theo cỡ 30x30cm, độ dày dao động từ 4-5cm. Trên một số tuyến phố lớn như đường Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm), đá lát vỉa hè có bề dày khoảng 7cm. Sau khi quan sát đá lát vỉa hè được đưa tới, một người dân trên phố Hòa Mã  tỏ vẻ lo lắng về độ bền đá 50-70 năm khi nhìn thấy nhiều viên đá mới được vận chuyển đến đã bị sứt, vỡ hoặc có dấu hiệu rạn, nứt.

Như Tiền Phong đã phản ánh, từ 2017, chỉ riêng đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), việc lát đá vỉa hè và các hạng mục khác tốn hơn 100 tỷ đồng tiền ngân sách. Thời điểm đó, theo Ban quản lý dự án quận Thanh Xuân, ưu điểm của loại đá lát vỉa hè này so với vật liệu khác là độ bền, độ cứng, độ chống thấm, độ chịu nước. Tuổi thọ của đá tự nhiên là từ 50-70 năm, bền màu theo thời gian. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, từ năm 2017 đến nay, vỉa hè tuyến đường này xuống cấp, vỡ nát.

Theo khảo sát của phóng viên, dọc vỉa hè hướng từ Ngã Tư Sở về chợ Phùng Khoang, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, nhiều viên đá vỡ nát, nhiều khu vực bong tróc cả mảng, thậm chí không còn đá. Cụ thể, khu vực vỉa hè gần giao với phố Cự Lộc, một đoạn dài vỉa hè sát với lòng đường bị sụt lún, đá vỡ. Khu vực gần cổng phụ Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cũng xuất hiện tình trạng đá bong tróc, vỡ nát. Khu vực gần cổng Cục Sở hữu trí tuệ… cũng có nhiều viên đá vỡ nát. Nhiều khu vực trước cửa các công trình sửa chữa, xây dựng nhà ở của người dân, hầu hết các viên đá đều nát vụn.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Ban Quản lý dự án quận Thanh Xuân xác nhận, có tình trạng đá lát vỉa hè tuyến đường Nguyễn Trãi xuống cấp, hư hỏng; Ban cùng với các đơn vị đã đi khảo sát sau khi báo chí phản ảnh, có chụp lại hình ảnh, xác định nguyên nhân cụ thể từng vị trí.

Theo đại diện Ban, việc hư hỏng của vỉa hè đường Nguyễn Trãi có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do người dân bên đường thi công, sửa chữa nhà cửa, vận chuyển vật liệu trên vỉa hè bằng xe vận tải nặng. Thứ hai, các cửa hàng buôn bán bên đường, trong đó có các mặt hàng nặng như két sắt, giường tủ, vật liệu xây dựng thường tập kết vào ban đêm, lùi xe lên hẳn vỉa hè. Thứ ba, do hay ùn tắc giao thông, lượng xe máy đi trên vỉa hè rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng vỉa hè. Đó là chưa kể việc người dân bên đường tự ý can thiệp như khoan cắt để đặt tấm sắt cho xe leo lên vỉa hè, dùng máy cắt để làm nhám bề mặt, thuận tiện cho xe lên xuống… 

Tiết lộ hậu trường nguồn gốc đá

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một chuyên gia vật liệu đá tự nhiên (đề nghị giấu tên) nói rằng, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng nứt vỡ đá vỉa hè là do chất lượng đá không đảm bảo, sản xuất không đúng quy trình. “Mỗi loại đá trước khi đưa vào sử dụng đều phải được đánh giá cường độ kháng nén, độ uốn, hóa, lý tính. Việc này, các chủ đầu tư nhà thầu thi công phải kiểm tra đầu vào, sử dụng phương pháp khoa học để nghiệm thu vật liệu trước khi đưa vào thi công”, vị chuyên gia nói.

Theo vị chuyên gia này, ở các nước trên thế giới, đá lát vỉa hè được thiết kế lớn nhất có kích cỡ 20x20x7cm đối với các phố đi bộ, để bàn chân người đi không lọt, gây trượt ngã vì đá tự nhiên rất trơn. Đối với con đường hay các nơi ô tô có thể vào thì đá được thiết kế hình rubik kích thước 10x10x10cm.

“Nhưng đá được khai thác ở một số nơi tại nước ta nếu cắt nhỏ như vậy sẽ bị vỡ vụn, không thể dùng được. Bởi vì, tại các mỏ đá ở nước ta chủ yếu dùng mìn phá đá để khai thác vật liệu xây dựng thông thường. Những thớ đá được khai thác dễ dàng nhưng sau khi nổ mìn, đá bị om, các liên kết, phân tử trong đá vị đứt gãy mất liên kết, giòn, dễ vỡ. Chỉ cần bỏ viên đá vào chậu nước sẽ thấy rõ vết rạn nứt, đứt gãy này”, vị chuyên gia cho hay.

Theo chuyên gia, đá khai thác tại các mỏ đá được chia thành 4 cấp độ: đá hộc, vật liệu xây dựng thông thường, bột đá, đá block (đá khối để xẻ ra lát đường, sân) và đá ốp lát (loại đá đánh bóng sẽ lên hoa văn, dùng để ốp tường, sàn nhà). Đá ốp lát phải được khai thác, chế tác bằng công nghệ cao.

“Đá ốp lát phải được khai thác bằng công nghệ khoan, cắt bằng dây kim cương, lấy khối, rồi sau đó pha ra từng khối nguyên khai nhỏ hơn theo vệt nứt. Các khối nguyên khai nhỏ hơn này lại được cắt vuông thành sắc cạnh theo đơn đặt hàng. Đá này được chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng, được công nhận hiệu chuẩn của phòng Vilas (Văn phòng Công nhận Chất lượng Việt Nam). Đá được sản xuất đúng quy trình trên mới đảm bảo chất lượng”, vị chuyên gia về đá cho hay.

Trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền cơ sở

Về việc đảm bảo độ bền 50-70 năm của đá lát vỉa hè, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án quận Thanh Xuân cho rằng, phải trong điều kiện tiêu chuẩn. “Hạ tầng phải đồng bộ, không còn hiện tượng xe cộ (ô tô, xe máy...) đi lên vỉa hè”, vị này nói. Tuyến đường Nguyễn Trãi thường xuyên ách tắc, người dân di chuyển xe máy trên vỉa hè nhiều, ảnh hưởng đến việc quản lý. “Hiện tại, quận có chủ trương chuyển sang lát gạch giả đá, bê tông vân đá cho phù hợp với thực tế hạ tầng của quận”, vị này thông tin

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, đánh giá, chủ trương lát đá vỉa hè để làm sạch đẹp, hiện đại cho bộ mặt đô thị là cần thiết. Tuy nhiên, việc nhiều vỉa hè lát đá đang xuống cấp nghiêm trọng là một sự lãng phí lớn.

Ông Nghiêm cho rằng, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên là việc vỉa hè mỗi nơi có tính chất khác nhau, nhưng đều áp dụng một tiêu chuẩn xây dựng, dẫn tới không bền vững. Thứ hai, vỉa hè là không gian kết nối đường giao thông với không gian kiến trúc bên đường, người dân có nhiều sinh hoạt trên vỉa hè, nên thiết kế nói trên không phù hợp cho tất cả các hoạt động. Thứ nữa, kỹ thuật thi công có nhiều vấn đề, thiếu sự giám sát, ảnh hưởng đến chất lượng lát đá như chất lượng đá không đảm bảo, lớp vữa nền không đủ độ dày… “Trách nhiệm để xảy ra tình trạng này là chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền cơ sở. Rõ ràng là không đảm bảo tính bền vững 50-70 năm”, ông Nghiêm nhận định.

Ông Nghiêm không đồng tình với cách lý giải nguyên nhân cho rằng, xe cộ đi lại trên vỉa hè ảnh hưởng đến độ bền của vỉa hè lát đá. Theo ông Nghiêm, nếu thi công đúng kỹ thuật, các vỉa hè lát đá có thể bền vững thời gian dài. Ông cũng cho rằng, không nên quy định giải pháp đại trà cho lát đá vỉa hè. “Hiện nay đang làm theo đại trà, quy định một khung tiêu chuẩn chung. Không nên có giải pháp đại trà cho các tuyến phố, bởi mỗi tuyến phố có một chức năng khác nhau. Phải điều tra cụ thể về phương tiện giao thông và chức năng của từng tuyến phố, chứ không thể đưa ra một phương án kỹ thuật duy nhất cho tất cả các loại tuyến phố. Ví dụ một tuyến đường A ở quận B phải do đơn vị của quận khảo sát, đưa ra tiêu chuẩn riêng theo tính chất của tuyến phố đó, chất lượng đá thế nào, thi công cụ thể ra sao thì mới đảm bảo bền vững trong thời gian dài. Như bây giờ, chỗ vỉa hè có cây cổ thụ cũng thi công như chỗ bình thường, chỗ có cống ngầm thì làm sao đảm bảo được”, ông Nghiêm nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.