An toàn của học sinh đã có nhà xe chịu trách nhiệm?

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở GTVT TPHCM
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở GTVT TPHCM
TP - “TPHCM hiện nay có 123 trường học hợp đồng đưa rước học sinh với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (trung tâm) và được ký bởi ba bên (trung tâm, nhà trường, đơn vị vận tải), quy định rõ trách nhiệm các bên”, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải cho Tiền Phong biết.

Ông Hải nói: Các đơn vị vận tải khi ký kết hợp đồng phải đảm bảo tất cả các yêu cầu theo quy định về chất lượng, điều kiện an toàn của phương tiện, đội ngũ lái xe… Và quan trọng nhất trong hợp đồng có một điều khoản phải đảm bảo an toàn khi tham gia đưa rước học sinh (HS).

Tuy nhiên, có một số trường học trực tiếp ký hợp đồng với các đơn vị vận tải, nhà xe để đưa rước HS, không ký qua trung tâm. Chất lượng của phương tiện thì đúng là có một số xe đã có niên hạn hoạt động trên 10 năm. Tuy nhiên, loại xe Daihatsu 12 chỗ (xe tải nhỏ-PV)) hiện nay không còn được sử dụng để đưa rước HS.  

Qua ghi nhận, thực tế tại rất nhiều trường quốc tế, xe đưa đón HS không đưa vào trường mà đỗ tràn lan ngoài đường, như thế có đảm bảo an toàn?

Các trường học được phép ký hợp đồng với các đơn vị vận tải, không ký với trung tâm. Tuy nhiên, việc dừng đỗ, gây ùn tắc giao thông chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương cùng với Thanh tra Sở GTVT thường xuyên rà soát và chấn chỉnh, xử lý tình trạng dừng đỗ sai quy định, gây ùn tắc giao thông. Trong chương trình phối hợp, chúng tôi cũng đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu các trường học phải chấn chỉnh tình trạng này.

Ngoài chống ùn tắc giao thông, vấn đề người dân quan tâm là việc dừng đỗ xe ngoài đường, không có ai giám sát thì các cháu liệu có an toàn nếu bị bỏ quên trên xe như trường hợp vừa qua và sắp tới, Sở GTVT sẽ có biện pháp gì để ngăn ngừa?

Như tôi đã trao đổi, chúng tôi đã có văn bản gửi trung tâm, phòng giáo dục các quận huyện; các đơn vị vận tải để chấn chỉnh hoạt động đưa đón HS, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở để đảm bảo an toàn cho các cháu.

Theo quy định, thẩm quyền, trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách nói chung và cho HS nói riêng là của đơn vị vận tải, nhà xe, lái xe. Trách nhiệm của nhà xe, tài xế là phải kiểm tra và thông báo cho hành khách khi xe đến nơi.

Nói như vậy, phải chăng quy định hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở vì công tác quản lý nhà nước đối với loại hình xe hợp đồng nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn?

Loại hình xe hợp đồng đã được quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Các tập thể, cá nhân được phép ký hợp đồng với nhà xe để đưa đón theo đúng các điểm đã giao kết trong hợp đồng vận chuyển. Việc này pháp luật không cấm. Các trường học có toàn quyền ký hợp đồng với đơn vị vận tải để đưa rước HS.

Giao phó hết sự an toàn, tính mạng của các cháu cho nhà xe, lái xe vậy làm thế nào kiểm soát, đảm bảo chất lượng, điều kiện an toàn của các phương tiện xe hợp đồng khi tham gia đưa đón HS?

Kiểm soát trên hai phương diện. Một là niên hạn xe. Niên hạn được quy định tại Nghị định 95 của Chính phủ, như loại xe đưa đón hành khách thì niên hạn như thế nào, xe vận tải hàng hóa thì niên hạn ra sao... Và, các phương tiện phải được kiểm định thường xuyên, định kỳ nhằm đảm bảo an toàn.

Ngoài quy định an toàn của phương tiện, các tài xế phải đảm bảo một số điều kiện bắt buộc như phải được khám sức khỏe, có đầy đủ bằng cấp và phải đảm bảo các điều kiện an toàn khi tham gia giao thông. Trong trường hợp Thanh tra Sở GTVT hay cơ quan công an phát hiện vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định.

Trong 7 tháng đầu năm, TPHCM đã phát hiện bao nhiêu trường hợp xe đưa rước HS vi phạm và có bao nhiêu trường hợp đã bị lập biên bản xử lý?

Con số cụ thể chúng tôi sẽ cung cấp sau. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý là hoạt động thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông và Thanh tra Sở GTVT.

MỚI - NÓNG