An toàn đường sắt đến đâu?

An toàn đường sắt đến đâu?
“Tôi thấy tàu đang chạy rất nhanh thì tự nhiên toa 1, 2 cùng đầu máy đứt rời ra, chạy thẳng hơn 500m mới chịu dừng. Các toa sau lật nhào xuống, sau tiếng nổ lớn là tiếng la hét, tiếng kêu cứu vang cả một vùng đầm phá”.
An toàn đường sắt đến đâu? ảnh 1
Lực lượng cứu hộ đưa người vào bờ để cấp cứu

8 toa giữa trong số 13 toa của đoàn tàu bị văng nhào trên các mỏm đá, gần sát vực của phá Lăng Cô, trong đó có toa số 7 bị đứt lìa. Tai nạn thương tâm làm 13 người chết (theo thông báo của UB quốc gia Tìm kiếm cứu nạn ngày hôm qua, 13/3), và gần trăm người bị thương.  

Hiện trường thảm khốc và toa số 7 định mệnh

Lực lượng cứu hộ cứu nạn, CSGT, cảnh sát cơ động cùng hàng ngàn người dân khắp nơi từ Huế và Đà Nẵng đổ về thị trấn Lăng Cô gây nên cảnh tượng náo loạn một vùng là ghi nhận của chúng tôi khi có mặt bên quốc lộ 1A, ngay dưới chân cầu Lăng Cô.

Để đến được hiện trường, ngoài cách đi bộ gần 7km trên đường ray từ ga Lăng Cô, thì đi thuyền 5km qua phá Lăng Cô là lựa chọn duy nhất…

Người đầu tiên chứng kiến toàn bộ sự việc là anh Thành, một ngư dân đang thả lưới ở phá Lăng Cô kể lại: “Tôi thấy tàu đang chạy rất nhanh thì tự nhiên toa 1,2 cùng đầu máy đứt rời ra, chạy thẳng hơn 500m mới chịu dừng. Các toa sau lật nhào xuống, sau tiếng nổ lớn là tiếng la hét , tiếng kêu cứu, vang cả một vùng đầm phá”.

Toa số 7 chính là toa tàu “định mệnh”, bởi hầu hết những hành khách tử nạn đều ở toa này. Đó là 3 thầy cô giáo Thái Hoàng Nguyên, Mai Hải, cô Nguyễn Thị Ngân Thảo (đều thuộc đoàn giáo viên Đà Nẵng đi coi thi học sinh giỏi ở Vĩnh Phúc), cặp vợ chồng sắp cưới Nguyễn Đức Quân - Nguyễn Thị Hồng và một cháu bé khoảng 6 tuổi...

Anh Hoàng Đức Lợi – đi từ Hà Nội - Đà Nẵng tại toa số 7 không nén nổi bàng hoàng: “Lúc đó khoảng 11h49 phút, vừa ăn cơm trưa trên tàu xong, tôi đang ngủ thấy tàu đang chạy rất nhanh, chợt rung mạnh, đồ đạc, hành lý, hành khách va đập vào nhau. Tôi chỉ kịp chứng kiến toa tàu lật nhào xuống vực, sau đó bất tỉnh ...”.

Lê Anh Cường, 47 tuổi, đạo diễn thuộc Hãng phim TH TP. HCM cùng đồng nghiệp Vũ Đình Hiển đang điều trị vết thương tại BV TW Huế, cho biết, ngồi cùng buồng số 6 toa số 7 của anh có 6 người, thì đã 3 người thiệt mạng. “Tàu chạy nhanh quá - anh Cường bức xúc – và chúng tôi nhập viện ở Huế được mấy tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa thấy người của ngành đường sắt đến xem xét tình hình các nạn nhân”. 

Nghĩa tình trong hoạn nạn

Anh Thành, ngư dân ở phá Lăng Cô, không chỉ là người chứng kiến toàn bộ sự việc mà còn là người tích cực nhất trong số các ngư dân tham gia cứu nạn. Mải miết đưa từng lượt người qua phá Lăng Cô, vừa lái thuyền, vừa ăn vội gói mỳ tôm sống, anh kể: “Bây giờ tôi cũng không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến sang bên kia thì làm sao nhớ hết được số nạn nhân, nói chung là nhiều lắm, riêng tôi đã chở gần năm chục người”.

Anh Bin, ngư dân trên phá Lăng Cô, vận chuyển hành lý, đồ đạc từ trưa đến chiều tối không mệt mỏi và còn nộp lại 2 chỉ vàng còn sót lại trên một cánh tay của nạn nhân khi anh lôi được từ dưới gầm tàu...

Trong cơn hoạn nạn mới thấy được nghĩa tình của người dân thị trấn Lăng Cô, nhất là các ngư dân vùng Hói Dừa, Hói Mít (địa phận Đá Bàng). Hơn 300 người dân đã tự nguyện tham gia cứu người suốt từ trưa đến chiều tối. Ngư dân phá Lăng Cô đã huy động hết tất cả các thuyền máy tự có để làm công tác cấp cứu nạn nhân trong thời gian nhanh nhất. Đây là lực lượng gần như quan trọng nhất trong quá trình tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Một lãnh đạo của Tỉnh uỷ TT- Huế thừa nhận,  nếu không có các ngư dân thì hậu quả tiếp theo sẽ không thể lường hết được. Ông Võ Thanh Tâm, chủ nhà hàng, cơ sở du lịch Thanh Tâm huy động chiếc canô cùng toàn bộ người nhà, nhân viên nhà hàng du lịch tham gia cứu trợ có hiệu quả nhất.

Cùng với 2 canô của ĐBP 236, canô của ông Tâm thuộc loại lớn, mỗi chuyến gần 20 người, trong khi canô của biên phòng chỉ chở được 5 người.  

Trao đổi với PV tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Mễ – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh TT-Huế cho biết: “Tỉnh đã huy động 30 xe cấp cứu khẩn cùng nhiều phương tiện đến ngay hiện trường khi vụ tai nạn xảy ra để kịp thời đưa các nạn nhân lên Bệnh viện TW Huế”.

Tại BV TW Huế, nơi tiếp nhận hơn một nửa số nạn nhân, đã cấp tốc tăng cường thêm 100 cán bộ y tế, để cùng với 300 cán bộ của BV tham gia cấp cứu kịp thời nạn nhân. Tại BV Đà Nẵng, tất cả các ca cấp cứu đưa đến đều được chăm sóc đặc biệt, bất kể có thân nhân hay không.

Bệnh viện cũng huy động 1 máy thở ACOMA 1000, 25 đơn vị máu, 40 y, bác sĩ giỏi cùng mọi phương tiện hiện đại nhất để cứu người ... Đặc biệt, khi Hội trại của Đoàn khối Doanh nghiệp  Đà Nẵng dang diễn ra tại Công viên Nước, nghe tin tai nạn, lập tức 50 ĐV-TN đã tình nguyện đến Bệnh viện Đà Nẵng để hiến máu cho các nạn nhân, và 36 đơn vị máu đã đuợc tiếp nhận...

MỚI - NÓNG