Đề nghị tăng giá vé xe buýt từ 40 - 80%

Đề nghị tăng giá vé xe buýt từ 40 - 80%
Tổng Cty Vận tải Hà Nội vừa chính thức có văn bản gửi Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị về việc điều chỉnh giá vé xe buýt, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đề nghị tăng giá vé xe buýt từ 40 - 80% ảnh 1

Theo đó, đơn vị này đề nghị tăng vé xe buýt từ 40 - 80% so với giá hiện đang áp dụng. Mức giá này được áp dụng tuỳ theo cự ly tuyến.

Sức chứa của xe buýt có tuyến lên gần 200%

Về điều chỉnh giá vé, Tổng Cty Vận tải HN đề nghị tăng từ 40 - 80%. Cụ thể, đối với vé lượt, cự ly tuyến dưới hoặc bằng 25km là 5.000 đồng (tăng 66%); cự ly 25-30km là 7.000 đồng (tăng 75%); cự ly trên 30km là 7.000 đồng (tăng 40%). Đối với vé tháng, đối tượng là học sinh, sinh viên là 45.000 đồng/1 tuyến (tăng 80%); 90.000 đồng/liên tuyến (tăng 80%); đối tượng không ưu tiên là 90.000 đồng/1 tuyến (tăng 80%); 145.000 đồng/tháng/liên tuyến (tăng 80%).

Ông Nguyễn Phi Thường - Tổng Giám đốc TCty Vận tải HN - cho biết, giá vé xe buýt ở Hà Nội hiện nay vẫn đang thực hiện theo Quyết định số 35/2005/QĐ-UB ngày 15.5.2005. Cụ thể, đối với vé lượt đồng hạng 3, áp dụng mức phí 3.000 - 5.000 đồng/vé đối với các tuyến có cự ly tuyến bằng hoặc dưới 25-30km; vé tháng 1 tuyến áp dụng 25.000-50.000 đồng/tháng; vé tháng liên tuyến là 50.000-80.000 đồng/tháng.

Cũng theo ông Thường, từ năm 2005 đến nay, Hà Nội chưa điều chỉnh giá vé xe buýt trong khi giá đầu vào tăng cao. Trong khi chi phí vận hành bình quân cho 1km của xe buýt tăng 312%, dẫn đến trợ giá hàng năm của TP cho xe buýt cũng tăng cao. Đơn cử, giá xe buýt lớn từ 800 triệu đồng lên 2,5 tỉ đồng; nhiên liệu từ 4.850 đồng lên 21.600 đồng/lít; tiền lương tối thiểu từ 350.000 lên 1.050.000 đồng.

Bên cạnh đó, công suất khai thác đạt hiệu quả cao và đã đến giới hạn. Năm 2001, bình quân 1 xe buýt chỉ vận chuyển 119 khách/ngày, thì năm 2011 là 1.152 khách/ngày và đã chạm ngưỡng tối đa. Hệ số sử dụng sức chứa bình quân toàn mạng đạt 80%, đây là mức rất cao. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, hệ số sử dụng sức chứa của xe buýt càng cao hơn với mức bình quân 140%, các tuyến trục hành lang lên gần 200%. Vì vậy, theo đơn vị này, muốn tăng cường xe buýt phải tăng tần suất và giải quyết tốt tình trạng khách quá tải giờ cao điểm và ưu tiên hạ tầng cho xe buýt được lưu thoát hơn.

Từ những viện dẫn trên, Tổng Cty Vận tải HN kiến nghị, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt là cần thiết để đảm bảo trợ giá cho xe buýt của TP ở mức hợp lý, đồng thời và có điều kiện mở rộng vùng phục vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt.

Sẽ giảm được trợ giá trên 280 tỉ đồng/năm

Theo ông Nguyễn Phi Thường, sau khi điều chỉnh tăng giá vé, nếu lượng khách đi xe buýt không bị giảm, sẽ giảm được trợ giá trên 280 tỉ đồng/năm. Trường hợp từ 1-3 tháng đầu, nếu khách đi xe buýt có bị giảm và sau đó ổn định trở lại, thì tối thiểu trợ giá của TP cũng sẽ giảm được trên 224 tỉ đồng/năm.

Đề nghị tăng giá vé xe buýt từ 40 - 80% ảnh 2

Cùng với việc kiến nghị TP sớm phê duyệt phương án tăng giá vé, Tổng Cty Vận tải HN cũng kiến nghị TP cần tiếp tục mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, để đạt được mục tiêu hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Đồng thời, cải tạo hạ tầng, tạo thuận lợi cho vận hành xe buýt. Tiếp tục nâng cao năng lực vận chuyển của xe buýt với mục tiêu theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, không có trung tâm, đơn vị hành chính (quận, huyện) trắng xe buýt; giai đoạn 2, không có trung tâm thị trấn, khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm liên xã trắng xe buýt; giai đoạn 3, đưa xe buýt về tận trung tâm các xã, các điểm thu hút hành khách lớn.

Đơn vị này cũng kiến nghị TP có cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay để đầu tư đổi mới phương tiện, ứng dụng công nghệ quản lý điều hành tiên tiến và đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất của DN xe buýt.

Về các giải pháp lâu dài, Tổng Cty Vận tải HN kiến nghị, bổ sung các tiêu chuẩn, quy định về dành hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng trong các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng các khu đô thị mới. Tập trung đầu tư, sớm đưa các tuyến giao thông công cộng nhanh, khối lớn như BRT, metro... vào hoạt động, vì năng lực của xe buýt chỉ có giới hạn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Thường cũng thừa nhận những hạn chế, yếu kém của xe buýt hiện nay. Đó là mạng lưới giao thông quá tải, thời gian chuyến đi bị kéo dài, chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng, nhất là trong giờ cao điểm (thường bị muộn từ 15-30 phút). Ngoài ra, nạn trộm cắp, móc túi ở các điểm trung chuyển và trên xe giờ cao điểm, hiện tượng xe bỏ điểm dừng và thái độ phục vụ kém của một số lái xe, phụ xe gây bức xúc cho khách...

Theo Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG