Hà Nội: Cấp phép trông xe ngay trên phố cấm

Hà Nội: Cấp phép trông xe ngay trên phố cấm
Văn bản 796 của Thành phố về việc cấm trông giữ phương tiện trên 262 tuyến phố từng được coi là quyết tâm lớn của Thủ đô trong việc dành vỉa hè, lòng đường cho người tham gia giao thông. Sẽ không có gì đáng nói nếu như chính cơ quan quản lý chuyên ngành GTVT của Thành phố không hiểu vô tình hay cố ý lại đang vi phạm những quy định tại Văn bản này.

Cách đây hơn 5 tháng, UBND TP.Hà Nội bất ngờ ra Văn bản 796 công bố danh mục 262 tuyến phố không được dừng đỗ xe trên lòng đường vỉa hè. Khi đó đã xuất hiện 2 luồng quan điểm khác nhau. Bên ủng hộ thì cho rằng đây là chủ trương đúng của Thành phố trong việc dành lòng đường, vỉa hè cho người tham gia giao thông. Phía phản đối lại cho rằng cấm như thế là chưa phù hợp trong bối cảnh hệ thống giao tĩnh của Thủ đô mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu dừng, đỗ xe của người dân.

Trên thực tế, diện tích giao thông tĩnh của Thủ đô hiện nay hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nên việc thu hồi giấy phép trông giữ xe tại 262 tuyến phố và bố trí mới các điểm đỗ xe khác trong thành phố thật sự là bài toán nan giải, khiến Hà Nội càng thiếu trầm trọng điểm trông giữ xe. Toàn Thành phố hiện có khoảng 3,8 triệu xe máy, 370.000 ô tô. Một loạt điểm đỗ xe của Thành phố như Ngọc Khánh, Dịch Vọng, Nam Thăng Long... được xây dựng theo quy hoạch phục vụ mục đích đỗ xe cũng chỉ tiếp nhận được chưa đến 3.000 ô tô. Chưa kể, nhiều dự án nhà cao tầng, mặc dù đã có quy định phải đảm bảo nhu cầu đỗ xe, song các công trình này hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% số phương tiện, số còn lại vẫn tràn ra lòng đường, vỉa hè.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng đã thẳng thắn nêu quan điểm: Nhu cầu đỗ xe của nhân dân là chính đáng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, giao thông tĩnh của Thủ đô vẫn chưa đáp ứng được. Do đó, trước hết chúng ta phải ưu tiên lòng đường, vỉa hè phục vụ cho giao thông. Ông Hùng nhấn mạnh: “Chúng tôi có xem xét một số tuyến phố, điểm mà ùn tắc giao thông có mức độ xem xét để báo cáo Thành phố sắp xếp cho phương tiện đỗ, giải quyết nhu cầu của người dân. Về lâu dài, chúng tôi cũng đã có Đề án quy hoạch điểm đỗ xe trên địa bàn Thành phố, trình thành phố xem xét”.

... đến chuyện cấm cứ cấm

Không thể phủ nhận rằng sau hơn 5 tháng Thành phố triển khai Văn bản 796, đường phố đã thông thoáng hơn. Tại một số tuyến phố gần trung tâm như Hàng Bông, Hàng Gai, Lương Văn Can, Điện Biên Phủ..., tình trạng xe máy, xe đạp để lộn xộn trên vỉa hè hay lòng đường đã được cải thiện đáng kể. Các điểm trông giữ xe vốn gây bức xúc trong nhân dân thời gian qua như trước cổng Bệnh viện mắt T.Ư, hay đoạn vỉa hè xung quanh Trung tâm thương mại Vincom đều đã được giải tỏa...

Trông giữ xe tại vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng
Trông giữ xe tại vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng.

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện cơ quan quản lý chuyên ngành trên địa bàn mà cụ thể ở đây là Sở GTVT Hà Nội - đơn vị đảm nhiệm việc triển khai Văn bản 796 của Thành phố lại vi phạm chính Văn bản này. Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Hà Nội Bốn mùa được sử dụng 200m2 lòng đường phố Đinh Tiên Hoàng trông giữ xe ô tô có thu phí hay các điểm trông giữ xe dưới lòng đường Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật (đối diện Bệnh viện 108); Điểm dừng, đỗ xe dưới lòng đường từ số 34-38 phố Hai Bà Trưng của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Thậm chí, có trường hợp, Sở GTVT Hà Nội còn cấp phép không đúng quy tắc giao thông như việc cho phép Công ty Khai thác điểm đỗ được trông giữ ô tô dưới lòng đường từ số 3 đến số 13 phố Lê Đại Hành với diện tích trông giữ xe nằm trong nút giao Lê Đại Hành-Mai Hắc Đế, phía bên trái chiều xe chạy.

Đó là chưa kể đến việc Sở GTVT Hà Nội không ít lần cấp phép trông giữ xe trái quy định. Cụ thể, Sở này đã từng cấp cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được quyền trông xe dưới lòng đường phố Đào Tấn tại phần diện tích cách nút giao có 10m; hay giấy phép được phép trông giữ xe ô tô dưới lòng đường phố Đội Cung, Cao Đạt khi lòng đường tối thiểu không đủ 10,5m2. CTCP Đồng Xuân cũng được cấp phép trông giữ ô tô dưới lòng đường trên các phố Ngõ Gạch, Hàng Bút, Gia Ngư trong khi lòng đường tại những con phố này đều chưa được 6m. Tương tự với các điểm trông giữ, dừng, đỗ xe của CTCP Mặt trời mọc; Công ty TNHH Anh Du, Công ty TNHH Đệ Nhất, Công ty Khai thác điểm đỗ dưới lòng đường các phố Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tuệ Tĩnh khi lòng đường tối thiểu cũng không đủ 10,5m...

Vẫn biết, cơ quan quản lý đang phải đau đầu để hài hòa bài toán thông thoáng giao thông với đáp ứng nhu cầu dừng, đỗ của người dân. Tuy nhiên, quy định là quy định. Người dân có trách nhiệm phải tuân thủ thì không lý gì cơ quan nhà nước lại có quyền vi phạm. Nếu quy định chưa phù hợp thì phải sửa. Trong khi chưa thể sửa thì nên chăng, việc tuân theo quy định cũng phải ở cả 2 phía, người dân và nhà quản lý.

Phải sửa quy định sử dụng vỉa hè, lòng đường

Ông Nguyễn Xuân Hào - Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết dự kiến ngày 25-7-2012, Thanh tra Bộ GTVT sẽ công bố toàn bộ kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố ở Hà Nội. Đợt thanh tra này có sự tham gia của lực lượng Công an, Bộ Xây dựng, Tài chính, Vụ ATGT và Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT).

Theo kết luận Thanh tra, việc sử dụng lòng đường vỉa hè làm điểm trông xe tại các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm có nhiều vi phạm. Đặc biệt là vấn đề nghĩa vụ nộp phí. UBND TP Hà Nội đã áp dụng không thống nhất mức thu phí sử dụng lòng đường vỉa hè với các đối tượng khác nhau đã dẫn đến sự thiếu công bằng về nghĩa vụ nộp phí giữa các đơn vị. Phí sử dụng lòng đường vỉa hè với Công ty Khai thác điểm đỗ xe được tính bằng 2% doanh thu hàng năm trong khi các đơn vị còn lại nộp từ 10.000 đồng/m2/tháng đến 45.000 đồng/m2/tháng (tùy theo tuyến phố).

Tính ra mức phí nộp năm 2011 bình quân của công ty Khai thác Điểm đỗ xe chỉ khoảng 1.000 đồng/m2/tháng, chênh tới 30 lần so với các đơn vị khác (hầu hết các công ty khác phải nộp trên 30.000đồng/m2/tháng). Chính sự chênh lệch này đã dẫn tới tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên chi phí của khoản phí sử dụng lòng đường, vỉa hè của Công ty Khai thác điểm đỗ lên tới 50,2% trong khi các đơn vị còn lại chỉ khoảng 10%.

Cũng từ quy định cho phép Công ty Khai thác điểm đỗ xe nộp theo 2% doanh thu, Thanh tra Bộ GTVT ước tính ngân sách nhà nước thất thu mỗi năm ít nhất từ 20 tỷ đồng trở lên. Thanh tra Bộ cũng phát hiện hệ thống văn bản giữa các cơ quan thiếu sự thống nhất, sai phạm trong việc tổ chức thực hiện của từng cơ quan đơn vị trong quy hoạch sử dụng lòng đường, hè phố; một số lực lượng được giao nhiệm vụ, chức năng xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Với các vi phạm về cấp phép sai quy định; đoàn thanh tra yêu cầu Sở GTVT Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng sớm thu hồi các giấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố không phục vụ mục đích giao thông; khắc phục ngay các tồn tại và báo cáo Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội trước ngày 15/8. Bên cạnh các kiến nghị trên, các đơn vị thuộc Bộ cũng sẽ chủ trì phối hợp với các bên liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2012/NĐ-CP về quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ theo hướng ưu tiên dành quỹ đất xây dựng bãi đỗ xe công cộng và hạ tầng kỹ thuật đô thị; quy định chi tiết về sử dụng lòng đường, vỉa hè không phục vụ mục đích giao thông cho phù hợp với Luật GTĐB…

Theo GTVT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG