'An toàn thực phẩm đã đến mức báo động'

TPO - Đoàn giám sát Quốc hội khẳng định, tình trạng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) khá phổ biến trong nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia và nước giải khát.

Sáng 5/6, báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016, đoàn giám sát cho biết: Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở giết mổ vi phạm.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng, tình trạng chung được đoàn giám sát chỉ ra là các cơ sở này không khai báo, không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, giết mổ, pha lóc, làm sạch phủ tạng trực tiếp trên sàn, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường và mất ATTP.

Điều đáng lưu ý là, nhiều cơ sở giết mổ nằm ngay trong khu dân cư nên gây ô nhiễm nghiêm trọng về tiếng ồn, không khí, chất thải lỏng, chất thải rắn. Vi phạm trong quá trình vận chuyển, bày bán thịt gia súc, gia cầm vẫn diễn ra khá phổ biến.

Cũng theo đoàn giám sát, tình trạng vi phạm quy định về ATTP khá phổ biến trong nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia và nước giải khát.

“Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai chưa bảo đảm vệ sinh, chất lượng nguồn nước chưa được kiểm soát tốt; đa phần các cơ sở nấu rượu thủ công, dụng cụ thô sơ không bảo đảm ATTP, tình trạng bán rượu không đăng ký chất lượng, không nhãn mác, nguồn gốc vẫn tràn lan tại nhiều địa phương gây ngộ độc thực phẩm cấp tính và mãn tính cho người tiêu dùng”, đoàn giám sát chỉ rõ.

“ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo đoàn giám sát, số cơ sở vi phạm các quy định về ATTP trong giai đoạn 2011- 2016 chiếm 20,3% số cơ sở tiến hành thanh tra, kiểm tra; số cơ sở vi phạm khi thanh tra đột xuất, chiếm 28,6% lớn hơn so với thanh tra báo trước theo kế hoạch.

Kết quả thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 05 quận/huyện và 10 xã/phường/thị trấn của thành phố Hà Nội và TPHCM cho thấy số lượng vi phạm lớn hơn nhiều. Điển hình tại thành phố Hà Nội, tiến hành thanh tra 786 cơ sở, đã phát hiện 355 cơ sở vi phạm (chiếm 45%).

“Đây là một tỷ lệ vi phạm rất cao, song cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về ATTP trong thực tế”, đoàn giám sát kết luận.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương tỷ lệ xử lý vi phạm ATTP thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan; công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP hiệu quả chưa cao do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự.

“Việc thực thi pháp luật còn hình thức, dàn trải, việc công khai thông tin chưa tốt, xử lý chưa nghiêm các vụ việc vi phạm cũng như chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Việc thanh tra, kiểm tra tuy có tăng theo hằng năm nhưng chưa bao quát đối với tất cả loại hình sản xuất, chế biến thực phẩm (chỉ đạt khoảng 40% năm). Việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, chưa quyết liệt, chủ yếu là xử phạt hành chính, khắc phục lỗi…”, đoàn giám sát chỉ rõ.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.