An toàn thực phẩm: Kiến nghị giao một cơ quan giữ vai trò nhạc trưởng

Đoàn cơ quan chức năng kiểm tra thực phẩm tại chợ Trương Định, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đoàn cơ quan chức năng kiểm tra thực phẩm tại chợ Trương Định, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngày 5/6, Quốc hội (QH) thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016. ĐB Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội kiến nghị cần có một cơ quan giữ vai trò nhạc trưởng để điều hành, phối hợp.

Không phân định rõ trách nhiệm

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), hiện nay nguyên liệu, bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm Bộ NN&PTNT, còn sản phẩm, tinh bột thuộc về Bộ Công Thương, rồi sản phẩm bún bán trên thị trường, nếu có chứa chất gây ngộ độc thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế, nên 3 bộ cùng quản lý.

Theo ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ), một số mặt hàng, sản phẩm giao thoa giữa các bộ đang có sự đan xen, không phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm dẫn đến việc buông lỏng quản lý. Bà Yến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu theo hướng tập trung thống nhất cơ quan quản lý ATTP về một đầu mối duy nhất, không nên để ba bộ đều quản lý như hiện nay. Đồng thời ĐB Yến tán thành việc ban hành một nghị quyết của QH sau giám sát nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP giai đoạn 2016 –2020.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, quản lý nhà nước về ATTP còn nhiều hạn chế, trong đó việc thực hiện quản lý còn cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Nhiều khoảng trống chưa được xử lý hiệu quả, dẫn đến thực phẩm không an toàn, người dân chịu hậu quả. Ông Mai kiến nghị, phòng chống thực phẩm không an toàn cần có một cơ quan thực sự giữ vai trò nhạc trưởng để điều hành, phối hợp với các cơ quan có liên quan.

“Đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế”

Bức xúc trước thực trạng vi phạm ATTP, nhiều ĐB cho rằng, những gì chúng ta biết và xử lý được các trường hợp vi phạm ATTP chỉ là phần nổi của tảng băng, trong khi mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Bằng chứng là hàng loạt vụ bắt giữ thực phẩm quá hạn không nguồn gốc, nội tạng hôi thối. Rồi gần đây nhất, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 45 tấn tóp mỡ bốc mùi đang trên đường tiêu thụ...

Từ thực tế chứng minh, ĐB Nguyễn Hoàng Mai khẳng định, ít nhất hàng năm có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm nhưng người dân tự xử lý, không được các cơ sở y tế ghi nhận. Theo ông Mai, trong bối cảnh chung sống với thực phẩm không an toàn, một bộ phận dân cứ có điều kiện thì tự trồng rau, nuôi heo, nuôi gà theo kiểu tự cung, tự cấp, còn đa số phó mặc sức khoẻ tính mạng cho may rủi, số phận.

“Chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thế nhưng những gì chúng ta nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí; chi phối dẫn đến hành động thiếu lương chi của họ. Chúng ta đã chờ đợi đủ lâu để cùng nhau giải bài toán quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả như mong đợi. Một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn, lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật”, ĐB Phạm Trọng Nhân bày tỏ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, quản lý an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của cả hệ thống, nhưng những bộ có trách nhiệm quản lý trực tiếp sẽ cố gắng hơn nữa. Ông Cường cho biết, sau khi QH ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình giám sát, sẽ bám vào đó để xây dựng kế hoạch chi tiết để trình Chính phủ. Mặt khác sẽ rà soát các cơ quan, tổ chức để thực thi pháp luật, đồng thời tăng cường sự phối hợp liên ngành nhằm thực hiện tốt nhất trách nhiệm được phân công quản lý.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hành lang các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP khá đầy đủ, đồng bộ, vấn đề còn lại là thực thi, kiểm tra, xử phạt. Theo bà Tiến, tới đây sẽ sửa ngay một số nghị định, trong đó có nghị định về xử phạt vi phạm hành chính vì còn quá nhẹ và bổ sung trong Bộ luật Hình sự, để xử phạt vi phạm hình sự trong lĩnh vực ATTP. 

“Tại sao văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ mà các vụ ngộ độc, vi phạm ATTP càng ngày càng xảy ra? Đương nhiên đó là một thực tiễn do sản xuất, hội nhập, ý thức của người dân... Chúng ta nói rất nhiều đến trách nhiệm quản lý nhà nước, nhưng mặt nữa phải kể đến là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường sức khỏe của người dân, chưa thực hiện nghiêm các quy định về ATTP. Chính vì thế chúng ta mới thấy có hai luống rau, hai chuồng lợn, người sản xuất vì lợi nhuận mà làm trái pháp luật, trong khi đó việc xử lý vi phạm còn nhẹ, không đảm bảo răn đe”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, chưa phân rõ trách nhiệm quản lý giữa các bộ ngành. Nhiều ĐB cho rằng, vi phạm về ATTP là một tội ác, cần xử lý nghiêm minh, đề nghị cần sửa đổi quy định hình sự về lĩnh vực này, đồng thời cần ban hành nghị quyết mới của QH để quản lý tốt vấn đề này trong thời gian tới.

“Chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thế nhưng những gì chúng ta nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận… Một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn, lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật”.

ĐB Phạm Trọng Nhân 

MỚI - NÓNG