Ngày làm việc thứ 16, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI:

An toàn vệ sinh thực phẩm gây bức xúc cho toàn xã hội

An toàn vệ sinh thực phẩm gây bức xúc cho toàn xã hội
TPCN - Hôm qua (4/11), Quốc hội đã làm việc tại Hội trường về dự án Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình; dự án Luật các vùng biển Việt Nam...

... dự án Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; dự án Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật tương trợ tư pháp; và dự án Luật thuế thu nhập cá nhân.

An toàn vệ sinh thực phẩm: chế tài chưa đủ mạnh, kém tác dụng răn đe, phòng ngừa

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá, thừa nhận, vấn đề không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng các công trình giao thông, xây dựng..., đang gây bức xúc cho toàn xã hội.

Trong khi đó, các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng lại chưa đủ mạnh, kém tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Bên cạnh đó, ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của QH cho rằng bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước về chất lượng hiện nay rất phân tán, cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập, vấn đề kiểm tra liên ngành không có hiệu quả.

Do vậy dự án Luật này cần quy định một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về chất lượng trong phạm vi cả nước...

Nguyên nhân sâu xa của bạo lực trong gia đình

Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trong gia đình (BLTGĐ), trong đó 60% nguyên nhân trực tiếp là do say rượu và mượn rượu, bên cạnh đó là nguyên nhân do kinh tế khó khăn, ngoại tình, thiếu hiểu biết pháp luật…

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này, là do trong xã hội còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới và tư tưởng gia trưởng (tự cho mình có quyền “dạy bảo” các thành viên yếu thế trong gia đình bằng vũ lực hoặc nhục mạ).

Theo báo cáo của Bộ Công an, trên toàn quốc cứ khoảng 2-3 ngày có 1 người bị giết có liên quan đến BLTGĐ. Báo cáo của một số cơ sở y tế cho thấy một tỷ lệ khá lớn bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình...

Một trong những quan điểm xây dựng dự án Luật phòng, chống BLTGĐ là bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người già, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của nạn nhân…

Theo đó, về các hành vi bạo lực gia đình, điều 3 của dự thảo Luật quy định cả hành vi bạo lực về tình dục (cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc có hành vi khác xâm phạm đến đời sống tình dục).

Bởi vì kết quả khảo sát thực tế cho thấy có nhiều bức xúc về vấn đề này hơn cả chuyện đánh đập, chửi mắng và nó gây tổn thương về sức khỏe, tình cảm vợ, chồng. ủy ban các vấn đề xã hội của QH khẳng định trong quá trình xây dựng dự án Luật, đa số ý kiến tán thành với việc quy định trên.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác, cho rằng hành vi bạo lực tình dục trong gia đình ở nước ta tuy có xảy ra nhưng lại được coi là chuyện riêng trong mỗi gia đình, do đó cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cũng không thể biết được để xem xét, xử lý. Hơn nữa rất khó thu thập căn cứ để xác định một người có hành vi bạo lực tình dục trong gia đình.

Hàng năm có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cho biết, ở nước ta, bệnh truyền nhiễm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu bệnh tật.

Hàng năm có khoảng 3,5 triệu người mắc và hàng nghìn trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm, chiếm khoảng 55% tổng số các trường hợp mắc bệnh.

Các bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất cũng là các bệnh truyền nhiễm (cúm, sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, thương hàn, lao, HIV/AIDS) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng dự án Luật này có nội dung phong phú, nhiều quy định tương đối chi tiết, tuy nhiên, nhìn chung dự thảo Luật được xây dựng với nhiều quy định về kỹ thuật chuyên môn y tế, tính quy phạm pháp luật chưa cao.

MỚI - NÓNG