An toàn vệ sinh thực phẩm: Như chuyện đùa!

An toàn vệ sinh thực phẩm: Như chuyện đùa!
Nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm có qui mô vừa và nhỏ dùng nguyên liệu chất lượng kém như thịt, cá hư để sản xuất giò, chả  hay để chế biến suất ăn công nghiệp... nhưng an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều chuyện đùa...
An toàn vệ sinh thực phẩm: Như chuyện đùa! ảnh 1
Buôn bán thực phẩm tươi sống ngay cạnh đống rác - thật khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Thả nổi chất lượng

Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, văn phòng phía Nam - cho biết, Có cơ sở dùng axit HCl và xút công nghiệp trong công nghệ sản xuất nước tương, nhưng chưa có ai bị xử lý.

Thậm chí trong sản xuất bánh mì, bánh bông lan, bánh ngọt… người ta dùng cả các hóa chất tạo xốp, tạo nở trong chế biến cao su. Đây chính là nguồn gốc của ngộ độc thực phẩm mãn tính và hậu quả là người tiêu dùng sẽ bị ung thư, bệnh mãn tính về sau mà chưa có số liệu nào thống kê được.

Riêng việc kinh doanh thực phẩm thì phổ biến là không tuân thủ các qui định về ATVSTP, quán ăn, nhà hàng có hơn chục ngàn cái; hàng rong không thống kê được vì không phải xin phép. Các cơ quan quản lý bỏ qua hoàn toàn loại hình kinh doanh này …

Cả thành phố - một thanh tra viên

Ông Võ Văn Sen - đại biểu HĐND TP.HCM - bức xúc: “Một thanh tra viên ATVSTP cho cả một TP bảy, tám triệu dân, như là chuyện đùa có thật của TP năm 2005! Tôi cho rằng Sở Y tế TP.HCM không thấy hết trách nhiệm của mình. Tại sao để xảy ra chuyện này cả hàng chục năm qua?”.

Ông đề nghị Sở Y tế phải xem lại các văn bản qui định kiểm tra, chế tài, xử phạt và tham mưu vấn đề này cho UBND TP. Ông cho rằng  điều cơ bản là biện pháp quản lý lâu dài, chứ không phải đi kiểm tra một năm vài lần hay phát động chiến dịch, tháng hành động là xong. 

Bác sĩ Ký cho rằng nguyên nhân của các tồn tại trên là do ta chưa có hệ thống quản lý về chất lượng ATVSTP thống nhất từ T.Ư đến địa phương, mỗi bộ quản lý một mảng, trong mỗi bộ thì cũng chưa thống nhất cách quản lý ở từng địa phương. Chưa có hệ thống thanh tra chuyên ngành mà còn kiêm nhiệm; cán bộ làm công tác thanh tra thực phẩm quá mỏng mà lại chưa được đào tạo chuyên ngành.

Nhìn ở góc độ khác, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM -cho rằng mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân là hàng đầu nhưng mục tiêu ổn định xã hội, cải thiện sản xuất để phát triển đất nước cũng không kém phần quan trọng. Vừa qua, một số cơ quan truyền thông đại chúng đã thông tin một vài vụ việc hơi quá mức, khiến người dân hoang mang, lo sợ.

Người tiêu dùng làm thanh tra

Để tháo gỡ các bất cập, bác sĩ Ký đề nghị phải thống nhất cơ chế quản lý từ T.Ư đến địa phương, tới cấp phường xã; xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên ngành về ATVSTP; xã hội hóa công tác ATVSTP: mỗi người tiêu dùng là một thanh tra thực phẩm.

GS Chu Phạm Ngọc Sơn (Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP) nói thêm: “ATVSTP là vấn đề tổng hợp nên nhà sản xuất, người kiểm nghiệm và nhà quản lý phải kết hợp chặt chẽ với nhau mới thực hiện được”. Ông cho rằng quản lý ATVSTP hiện nay vừa chặt chẽ, vừa lỏng lẻo. Bộ nào cũng tham gia quản lý nhưng khi có chuyện gì xảy ra thì ai cũng bảo không phải trách nhiệm của mình.

Phát biểu cuối cùng, TS Lê Trường Giang - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM -  không chối bỏ trách nhiệm quản lý của mình còn yếu kém và nói việc xử lý các vi phạm về ATVSTP không kiên quyết, “như giỡn chơi”, có nơi còn cả nể, nhưng cũng có những việc muốn xử lý nhưng không thể  được vì luật không có qui định thì căn cứ vào đâu để xử.

Ông nói thêm:  “Vì vậy vừa rồi chúng tôi phải vội vàng ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở sản xuất nước tương trong vòng một tháng phải công bố chất lượng. Để sau này còn có cơ sở xử lý nếu họ vi phạm”.

TS Trường Giang cho biết UBND TP rất quan tâm đến công tác ATVSTP và đã cấp 1,8ha đất để xây dựng trung tâm xét nghiệm dự phòng; và theo yêu cầu của UBND TP, Sở Y tế cũng đang nghiên cứu, đề xuất thành lập lực lượng chuyên ngành về ATVSTP.  

MỚI - NÓNG