Án 'treo' tham nhũng nhiều do đâu?

Án 'treo' tham nhũng nhiều do đâu?
TPO– Sáng 14/06, vấn đề “phát hiện và xử lý vụ án tham nhũng, kinh tế chưa tốt, án treo nhiều” được đại biểu đặt ra ngay tại câu hỏi đầu tiên cho Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Khởi tố, xét xử các vụ tham nhũng lớn từ quý 2/2013

Chánh án TANDTC nói về 'chạy' án tham nhũng

Đây cũng là lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội đầu tiên của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Đây cũng là lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội đầu tiên của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình..

“Đúng là tỉ lệ có cao hơn”

Trước thực trạng gây bức xúc này, Viện trưởng cho biết theo thống kê, tỷ lệ án treo trong án kinh tế, án tham nhũng chiếm 30%, cao hơn các loại án khác 21%.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình thừa nhận “Đúng là tỉ lệ có cao hơn, tạo ra suy nghĩ là chưa quyết tâm chống tội phạm kinh tế”. Lý giải về hiện tượng này, ông Bình cho biết với án Kinh tế, chính sách hình sự là chú trọng giải quyết hậu quả kinh tế. Vì vậy, khi hậu quả kinh tế đã được giải quyết hoặc có phương án giải quyết thì hình phạt tù không phải là mục tiêu chính.

Đối với tiến độ nhiều vụ án tham nhũng và kinh tế chậm trễ, Viện trưởng Bình cho biết đây là loại án “phức tạp, thủ đoạn tinh vi” và việc điều tra, kết luận phụ thuôc vào giám định tài chính, công trình xây dựng… mà việc đó thì rất khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng đề cập nguyên nhân tiến độ án tham nhũng, kinh tế kéo dài, bởi lẽ đối tượng có chức vụ quyền hạn có nhiều thủ đoạn che giấu, xóa chứng cứ. Bên cạnh việc phát hiện chậm nên khó khăn trong thu thập chứng cứ, thì giám định cũng kéo dài và chi phí khá lớn, trong khi một số cơ quan trưng cầu giám định cũng có biểu hiện né tránh.

Sẽ kháng nghị nếu án treo có vấn đề

Về giải pháp cho tình trạng này, Viện trưởng cho biết sẽ lưu ý quá trình xây dựng cáo trạng. Trong trường hợp tòa tuyên án treo, nếu không hợp lý sẽ tiếp tục kháng nghị lên cấp trên. “Với án tham nhũng, quả thực đến giờ này, mặc dù số lượng cao, nhưng chúng tôi cũng thống nhất khẳng định của đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là tất cả các vụ xử án treo là đã vận dụng đúng pháp luật. Tuy nhiên, cũng có vụ chúng tôi có kháng nghị. Trong kỳ chúng tôi kháng nghị 39 trường hợp, Tòa cấp trên xem xét 26 trường hợp”, ông nói. Ông Bình thông tin thêm.

Ông Bình cũng cho biết theo quy định của luật thì án tham nhũng có nhiều tình tiết có thể vận dụng xử nhẹ dưới khung. Nhưng, “chúng tôi chỉ đạo hai tình tiết không được vận dụng là có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu. Với tham nhũng thì không có trường hợp tham nhũng rồi phạm tội lại tiếp tục làm lãnh đạo để tham nhũng tiếp nên không vận dụng tình tiết phạm tội lần đầu”.

Án tử hình sẽ vừa xử bắn, vừa tiêm

Liên quan đến hình thức thi hành án tử hình, Viện trưởng Bình cho biết sẽ đề nghị sửa luật theo hướng cho phép hai hình thức song song: vừa xử bắn, vừa tiêm.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nêu khó khăn của việc chưa thực hiện được án tử hình bằng tiêm thuốc độc là chưa có thuốc độc để thi hành án vì phải nhập ở nước ngoài. Bộ đã kiến nghị Chính phủ quyết định thay thuốc sản xuất trong nước sẽ có hiệu lực từ ngày 27/6/2013, sau đó sẽ tiến hành ngay việc thi hành bằng tiêm thuốc độc.

Phó Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn

Chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn. Sau đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phần cuối chương trình làm việc chiều nay, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo Viết
MỚI - NÓNG