Ăn uống, tắm giặt từ nguồn nước thải phân heo!

Ăn uống, tắm giặt từ nguồn nước thải phân heo!
Phân heo trôi lều bều trên sông, phân hủy trong nguồn nước và bốc lên mùi tanh hôi nồng nặc. Vậy mà hơn năm năm qua người dân ấp Thới Hòa A, B, xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ vẫn phải ăn uống, tắm giặt, nấu nướng...
Ăn uống, tắm giặt từ nguồn nước thải phân heo! ảnh 1
Bà Trần Thị Đành ngày nào cũng vo gạo nấu cơm bằng nguồn nước ngầu đục bị nhiễm bẩn như thế này

Theo chân người dân ra tận đầu doi của ấp Thới Hòa B, nơi tiếp giáp với các ống dẫn nước thải to tướng của Xí nghiệp chăn nuôi heo miền Tây, chúng tôi thấy nước thải đang đổ ào ào ra sông. Mùi phân heo hôi hám từ dưới sông hắt lên nồng nặc.“Chẳng ai dám xuống sông vì sợ ngứa ngáy”- một người dân nói. 

Nhìn dòng nước xanh rờn lợn cợn bã phân heo đổ ra từ các miệng cống, ông Lê Văn Be - một người dân trong ấp Thới Hòa B -ngán ngẩm: “Nước ròng là thế! Nước lớn kéo phân heo dội ngược trở lại trôi lều bều trên sông và phân hủy trong nguồn nước. Vậy mà ngày nào chúng tôi cũng phải múc nước lên để dùng”.

Vừa múc nước đổ vào lu, bà Phan Thị Thảo - người nhà ông Be - thở dài: “Không uống nước từ sông này thì biết uống nước gì bây giờ! Chúng tôi đều là dân nghèo sống nhờ mấy công ruộng, làm thuê, không đủ tiền xịt thuốc, rải phân cho lúa lo cho cái ăn thì lấy tiền đâu mà khoan cây nước tốn bạc triệu. Biết là nước bẩn nhưng vẫn phải bấm bụng mà uống, nấu nướng, tắm giặt”.

Lấy tay khuấy nhẹ lu nước được lóng phèn kỹ lưỡng của nhà ông Be, chúng tôi nhìn thấy lớp cặn bên dưới lợn cợn nổi lên kèm theo mùi tanh xộc vào mũi.

Anh Lê Văn Tèo - một người dân ở đây - cho biết thêm: “Mấy đứa nhỏ lén xuống sông tắm hay bị cảm sốt, đau mắt. Biết là nước bẩn nên chúng tôi đun sôi nhiều lần mới dám uống, nhưng nhiều người vẫn bị đau bụng, tiêu chảy. Nước nấu chín để cách đêm là có mùi thối. Khách xa đến đây mời họ ly nước thấy ngượng vô cùng”. Đã vậy, do môi trường bị ô nhiễm nên ruồi, muỗi phát sinh ngày một nhiều.

Kêu hoài... vẫn vậy! 

Nước bẩn do Xí nghiệp chăn nuôi heo miền Tây (trực thuộc Công ty Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ) tuồn thẳng nước thải xuống sông.

Bức xúc chuyện nước bẩn, nhiều lần người dân nơi đây đã “gõ cửa” xí nghiệp yêu cầu phải quan tâm đến đời sống của họ bằng việc khoan cây nước sạch cho người dân sử dụng nhưng kêu hoài mà vẫn chưa được giải quyết. Bà Trần Thị Hàng (62 tuổi) nói: “Mấy năm trước xí nghiệp có quan tâm đến đời sống chúng tôi bằng việc hỗ trợ 50.000đ và 100.000đ/hộ, được hai lần rồi thôi”.

“Dân chúng tôi tuy nghèo nhưng khát nước sạch hơn “khát” tiền. Không biết mấy năm nay chính quyền có hiểu nỗi khổ của dân nghèo thấp cổ bé miệng hay không mà vẫn làm thinh?”- nhiều người dân bức xúc.

Vậy mà khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thiện - chủ tịch UBND xã Thới Thạnh - cho biết: “Chúng tôi  sẽ góp ý với xí nghiệp để tìm giải pháp khắc phục cho dân. Trước mắt chúng tôi sẽ vận động người dân khoan cây nước cá nhân, đồng thời hỗ trợ người dân những dụng cụ chứa nước mưa”. 

Còn ông Lê Quang Minh - trưởng Phòng quản lý môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường TP Cần Thơ) - khẳng định: “ Chúng tôi sẽ trực tiếp xuống địa bàn này kiểm tra trong thời gian sớm nhất. Nếu đúng như dân phản ánh, sở sẽ kiên quyết xử lý".

Vậy là câu hỏi “bao giờ người dân không còn phải sử dụng nước bẩn?” vẫn còn bỏ ngỏ!

Theo Thanh Xuân
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG