Anh bán hủ tiếu và kho tư liệu về Bác Hồ

Anh bán hủ tiếu và kho tư liệu về Bác Hồ
Mãi cho đến ngày đất nước giải phóng, Nhung mới hiểu người trong hình ngoại cầm năm xưa chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, anh đã dành tất cả sự kính yêu, tôn kính của mình đối với Người bằng việc thực hiện ý nguyện- sưu tầm ảnh Bác.

Nhớ hồi 12 tuổi, trong một lần về quê ngoại ở ấp An Lợi, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, nửa đêm anh chợt nghe tiếng khóc nghẹn ngào của ngoại. Khi đến bên, anh thấy ngoại đang cầm một tấm hình của Bác Hồ Chí Minh. Ngoại nói trong nước mắt: “Người đã mất rồi!”

Lúc đó tôi chưa đủ hiểu Bác là ai và hình ảnh ngoại khóc trong đêm đó cũng thoáng qua mau. Mãi đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, các chú bộ đội trở về làng quê của Nhung đóng quân, bảo vệ cho ngày tiếp quản. Một lần Nhung thấy một chú bộ đội vừa đưa võng vừa chăm chú xem một tấm ảnh. Cũng đôi mắt sáng, vầng trán cao quen quen, Nhung cố hình dung ra những nét đã từng gặp ở đâu đó.

Cho đến khi chú bộ đội nói đó là hình Bác Hồ kính yêu và kể cho Nhung nghe thêm nhiều câu chuyện cảm động về Người thì ký ức tuổi thơ của cậu bé Nhung mới chợt nhớ về hình ảnh ngoại năm xưa đã ôm tấm hình mà khóc khi Bác mất. Nghe những câu chuyện chú bộ đội kể về Bác, Nhung cảm thấy có một sự yêu thương, tôn kính đến mức thiêng liêng khi nhìn lại tấm ảnh mà mọi người gọi là Bác Hồ, là Hồ Chí Minh hoặc chỉ một chữ NGƯỜI rất tôn kính.

Kể từ đó, Nhung rất hay tò mò tìm hiểu về Người, hay hỏi người lớn có biết chuyện gì về Bác không? và anh đã được nghe rất nhiều chuyện, nhiều bài hát ca ngợi về Bác. Thế là từ tháng 4/1979, trong một quyển tập học trò, không cầm được niềm cảm xúc trong lòng mình, anh đã bắt đầu viết những dòng nhật ký đầu tiên về Người :"...Mãi cho đến bây giờ tôi mới hiểu vì sao bà tôi quí tấm ảnh ấy. Bởi lòng cao cả của Người, bởi cả cuộc đời Người đã dành cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc...". Thế là ý nguyện sưu tầm ảnh bác, những bài báo, bài ca viết về Bác được nhen nhóm trong lòng anh từ đó.

Bộ sưu tập của anh bán hủ tiếu

Khi cả nước đang sôi nổi với nhiều hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Người, chúng tôi đã tìm đến nhà anh vào một ngày tháng năm đẹp trời. Trong căn nhà sàn vách lá đơn sơ bên dòng sông quê, anh Nhung cũng đang chuẩn bị cho ngày sinh của Bác. Và có lẽ ít ai ngờ được trong căn nhà nhỏ đơn sơ ấy lại là nơi lưu giữ khoảng 800 tranh, ảnh và hàng ngàn bài báo viết về Bác Hồ.

Tất cả đều là những trang tư liệu quí về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Anh Nhung kể: Ban đầu khó khăn lắm, vì ngày đó đâu có nhiều sách báo như bây giờ, đường sá đi lại khó khăn. Nhiều bức ảnh Bác được anh nâng niu, chăm chút, lồng vào khung kính, rồi ép nhựa bảo quản. Có những tấm ảnh rất quí, rất sinh động như: bức ảnh Bác đang theo dõi mặt trận Biên giới năm 1950, Bác sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, Bác vui chơi với thiếu nhi, tát nước ở Hà Tây năm 1958, Bác với các kỳ Đại hội Đảng...

Vậy mà đã trên 25 năm trời, sáng tinh mơ và khi trời bắt đầu nhá nhem tối, vợ chồng anh lại cót két đẩy chiếc xe đi bán hủ tiếu để kiếm cái sinh nhai, nuôi 5 đứa con học hành. Khi có thời gian rảnh rỗi, anh lại tìm đến UBND xã, đến trường học, thư viện... để gom nhặt những bài báo, những hình ảnh, tư liệu về Bác... để đêm về tỉ mỉ cắt, dán và phân loại.

Anh cho biết: nếu không có lòng đam mê, không có những hình ảnh của Bác trong tâm tưởng chắc anh sẽ không thực hiện được ý nguyện bình dị của mình. Đó là những lúc mưa dầm, nước lũ, vì là nhà tạm, vách xiêu, mái lá sàn hư mục... những cơn mưa dầm thấm dột, bên dưới nước sông dâng lên cao, hai vợ chồng cùng 5 đứa con "ướt như chuột lột" nhưng lại canh cánh lo cho những trang báo, những di ảnh của Bác bị thấm ướt. Những đêm khuya trở mình thức giấc nghe tiếng gián, tiếng chuột chạy là anh lại lật đật chạy ra vỗ vỗ vào nơi cất giữ sợ bị gặm nhấm...

Hàng tuần, hàng tháng anh đều dành nhiều thời gian để lau chùi, lật từng trang tư liệu, từng tấm ảnh để kiểm tra. Những lúc rảnh rỗi anh lại lấy những tấm ảnh cũ, nét nhòa theo thời gian để tô vẽ lại những đường nét, màu sắc. Đối với anh Nhung, tất cả những bài báo, từng tấm ảnh cũ, bản copy phai màu hoặc những bức vẽ đơn sơ mộc mạc về Bác đều rất đáng được trân trọng giữ gìn. Anh thuộc làu đến từng sự kiện lịch sử, nhớ như in từng mốc thời gian cũng như không quên từng chi tiết minh họa trong từng bức ảnh Bác. Và những lần khách đến nhà, anh lại hồ hởi kể chuyện, giới thiệu về Bác bằng cả tấm lòng ngưỡng mộ, thành tâm.

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến sinh nhật Bác, anh lại xem lại kho tư liệu của mình. Không cầu kỳ, tốn kém, anh trang hoàng nhà cửa sạch đẹp như ngày Tết và sắp xếp trang trí những hình ảnh tư liệu về Bác khắp gian phòng. Cảm động và trân trọng nhất là bàn thờ Bác anh đặt giữa nhà. Anh cho biết: "tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu về Bác Hồ để bổ sung thêm vào bộ sưu tập này. Và sau này, con trai tôi sẽ tiếp tục làm việc ấy..." Anh Nhung cho biết, cách đây không lâu, có người thấy gia cảnh anh còn khó khăn, muốn đặt vấn đề mua lại một số tư liệu quí nhưng anh đã từ chối.

Chuyện anh Nhung, một người dân nghèo vùng sông nước, chỉ biết Bác Hồ qua lời kể, qua những vần thơ, trang báo, vậy mà suốt 25 năm trời miệt mài tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ những tư liệu về Bác, thật cảm động và đáng trân trọng biết bao.

MỚI - NÓNG