Anh Lê Quốc Phong: Sẽ có nhiều phương thức để lắng nghe trẻ em

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS HCM. Ảnh Nhật Minh
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS HCM. Ảnh Nhật Minh
TPO - "Chúng ta sẽ có rất nhiều phương thức để lắng nghe được các em một cách thiết thực, cụ thể hơn, sẽ có nhiều nội dung mà chúng ta có thể giải quyết”, anh Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS HCM chia sẻ.   

Ngày 27/5, Quốc hội đã dành cả ngày cho ý kiến việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Liên quan tới việc xây dựng các thiết chế văn hóa cho trẻ em, đại biểu Quốc hội Lê Quốc Phong (Bình Thuận), Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS HCM tán thành với quan điểm của nhiều đại biểu, cần quan tâm tới việc tăng cường các điều kiện lành mạnh để giúp trẻ em có môi trường thuận lợi phát triển.

Đây cũng là kênh để giúp cho các em có điều kiện được trang bị các kỹ năng cần thiết, trong đó hệ thống các nhà thiếu nhi, các cung thiếu nhi là một thiết chế hết sức quan trọng.

“Rất nhiều tỉnh, thành đã tiến hành sáp nhập các nhà thiếu nhi vào các trung tâm văn hóa hoặc giải thể trên cơ sở sắp xếp lại hệ thống này.

Tôi nghĩ rằng với nhà thiếu nhi, chúng ta cần phải ứng xử với nó như một thiết chế hết sức đặc biệt. Bởi đây là môi trường, điều kiện giúp trẻ em có một không gian sinh hoạt lành mạnh”, đại biểu Lê Quốc Phong nêu, đồng thời đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo tất cả các tỉnh, thành phải quan tâm, đầu tư thỏa đáng.

Vấn đề thứ hai đó là về việc thực hiện trách nhiệm tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Theo đại biểu Lê Quốc Phong, trong Điều 77, Luật Trẻ em, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được giao thực hiện là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

“Bản thân chúng tôi cũng đã tổ chức rất nhiều hoạt động và cố gắng hình thành nhiều mô hình, phương thức để lắng nghe tiếng nói trẻ em, tạo cầu nối với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Các mô hình về Hội đồng trẻ em cũng được nhiều địa phương triển khai.

Tuy nhiên, tôi rất mong muốn Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành xem việc tiếp xúc và lắng nghe tiếng nói trẻ em là một trách nhiệm của mình. Điều này trong Luật Trẻ em đã có quy định, tuy nhiên, cơ chế này không được thực hiện thường xuyên và liên tục”, đại biểu Lê Quốc Phong nêu.

Qua quá trình tiếp xúc, lắng nghe tiếng nói của trẻ em cùng với bản báo cáo của Trung ương Đoàn, đại biểu Lê Quốc Phong tin rằng “sẽ có nhiều kênh tiếp cận và chúng ta sẽ có rất nhiều phương thức để lắng nghe được các em một cách thiết thực, cụ thể hơn, sẽ có nhiều nội dung mà chúng ta có thể giải quyết, giúp cho các em có một môi trường không gian, điều kiện tốt”.

Phát biểu sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự cần thiết trong sự phối hợp, không chỉ giữa các ngành, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng mà cần đặc biệt chú ý phối hợp với các tổ chức xã hội.

“Hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đều khắp không chỉ là của các cơ quan nhà nước mà của toàn xã hội”, ông Đam nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG