Áp thấp nhiệt đới thành bão Bebinca

Áp thấp nhiệt đới thành bão Bebinca
TP - Tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay, sáng sớm mùng 3/10, một áp thấp nhiệt đới ở Tây Thái Bình Dương mạnh lên thành  bão và có tên quốc tế là Bebinca.

Hồi 7 giờ ngày 3/10, vị trí tâm bão Bebinca ở vào khoảng 14-15 độ vĩ bắc, 131,3-132,3 độ kinh đông với sức gió mạnh nhất cấp 8, cấp 9 (tức là từ 63 đến 88 km/giờ), giật trên cấp 9.

Trong vài ngày tới, cơn bão này di chuyển chủ yếu theo hướng giữa bắc và bắc tây bắc, đi lên vĩ độ cao của Thái Bình Dương. Như vậy bão hầu như không có khả năng vào Biển Đông và đương nhiên cũng không ảnh hưởng đến nước ta.

Mưa to, lũ lớn ở Nghệ An và Hà Tĩnh

Tuy nhiên, sau khi bão Xangsane đổ bộ vào nước ta sáng mùng 2/10, tình hình mưa lớn vẫn tiếp diễn phức tạp ở các tỉnh bắc Trung Bộ, tập trung ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Do mưa lớn, mực nước các sông lên nhanh. Lũ trên sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,55 m, dưới báo động II là 0,35m; sông La tại Linh Cảm 5,09 m , dưới báo động II là 0,41m;  sông Ngàn Phố 12,66 m, dưới báo động III là 0,34 m; Ngàn Sâu 10,46 m, trên báo động III là 0,46 m.

Ngày và đêm qua, thứ Ba, Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn tiếp tục có mưa to đến rất to, lũ các sông tiếp tục lên nhanh. Chiều và đêm nay, 4/9, thượng nguồn sông La lũ lên trên báo động III từ 0,5-1 m, hạ nguồn tại Linh Cảm lên mức 6 m, trên báo động II khoảng 0,5 m; lũ sông Cả tại Nam Đàn lên mức báo động III (7,9 m).

Nguyên nhân mưa to ở bắc Trung Bộ là do ảnh hưởng của rãnh thấp đi qua Trung Bộ nối với áp thấp ở phía đông Philippines tiếp tục duy trì và có xu hướng nâng trục dần lên phía bắc. Bởi vậy, các tỉnh bắc Trung Bộ hai, ba ngày tới còn mưa. Và đến khoảng ngày 10/10, Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh yếu ở phía bắc.

Nam Bộ và Tây Nguyên từ nay đến cuối tuần chịu ảnh hưởng của đới gió tây nam có cường độ khá mạnh, sau hoạt động giảm dần. 

MỚI - NÓNG