Áp thấp nhiều khi nguy hiểm hơn bão

Áp thấp nhiều khi nguy hiểm hơn bão
TP - PGS. TS Phạm Vũ Anh, nguyên Trưởng phòng Dự báo, Cục Dự  báo Khí tượng Thủy văn (cũ), trao đổi với Tiền Phong, về sự nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) vào thời điểm một ATNĐ mới đang di chuyển vào Biển Đông và nhằm hướng bờ biển nước ta.
Áp thấp nhiều khi nguy hiểm hơn bão ảnh 1
PGS.TS Phạm Vũ Anh

Nhiều người vẫn quan niệm ATNĐ có cấp bão nhỏ nhất trong thang độ cấp bão, vì  thế không nguy hại và không cần phải đề phòng nghiêm túc như đối với bão. Quan niệm như thế là không đúng.

Theo dõi và dự báo một ATNĐ phức tạp không thua kém gì so với một cơn bão. Chẳng hạn việc xác định vị trí trung tâm của ATNĐ là rất khó khăn vì cấu trúc mây ở vùng trung tâm ATNĐ chưa ổn định.

Mặt khác, ATNĐ có hướng di chuyển phức tạp, nhiều khi ít di chuyển nên việc xác định quỹ đạo của ATNĐ rất khó chính xác.

Dù cường độ gió xoáy trong ATNĐ yếu hơn so với bão, mưa do ATNĐ nhiều khi không thua kém, thậm chí, lớn hơn mưa bão. ATNĐ thường di chuyển chậm hoặc ít di chuyển nên mưa do nó gây ra khi tiếp cận bờ biển hoặc đổ bộ lên đất liền thường kéo dài mấy ngày liền, gây lũ lớn, lở đất, ngập úng nghiêm trọng trên một khu vực rộng lớn.

ATNĐ đợt vừa rồi có thời gian tồn tại khá lâu (một tuần). Nó không mạnh lên thành bão, cũng không tan đi, mà lại luẩn quẩn.

Sự luẩn quẩn đó là do dải áp cao phía Bắc và phía Nam cân bằng nhau, gây khó khăn trong việc tính lực tác động của hai dải áp cao này. Sẽ dễ cho việc dự đoán, khi tính toán được lực dải áp cao phía Nam lớn, ATNĐ sẽ di chuyển vào trong, còn lực áp cao phía Bắc lớn, thì ATNĐ sẽ được dự báo đi ra ngoài.

Để phá vỡ thế luẩn quẩn đó, cần có yếu tố gì?

Chỉ khi nào có sự đột biến, hay còn gọi là yếu tố mới. Sự đột biến đó chính là hình thành ATNĐ hoặc bão mới, với cường độ mạnh hơn. Di chuyển gần đến nhau, chúng sẽ có tác động lẫn nhau, thế giằng co mất đi, một trong hai ATNĐ sẽ suy yếu. ATNĐ thắng thế sẽ có đường đi rõ ràng và di chuyển rất nhanh, sau đó mới ổn định.

Ngay sau bão đôi, trên Biển Đông cách đây hơn một tuần lại xuất hiện ATNĐ kép. Xin ông cho biết khi nào thì xuất hiện bão hoặc ATNĐ đôi?

Vào tháng 9, tháng 10, khi dải hội tụ nhiệt đới (HTNĐ) xuất hiện, đi ngang qua Biển Đông và bán đảo Đông Dương, trên dải HTND thường xuất hiện một số ATNĐ  và bão. Đó là điều kiện để hình thành các bão hoặc ATNĐ đôi.

Bão đôi - Cá lớn nuốt cá bé

Khi nào thì một cơn bão mạnh lên còn cơn bão kia thì suy yếu?

Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường xung quanh, hay cường độ của mỗi cơn bão. Kinh nghiệm cho thấy khi hai cơn bão xuất hiện với khoảng cách đủ gần, dưới 18 kinh độ, tức dưới 2000 km, giữa chúng có sự tương tác lẫn nhau. Khi đó cơn bão mạnh thường có quỹ đạo ổn định, còn cơn bão yếu có quỹ đạo phức tạp.

Nhưng khi khoảng cách giữa chúng quá gần, trên dưới 10 kinh độ, khoảng 1000 km, cơn bão già hơn thường chững lại, suy yếu và tan dần, năng lượng bất ổn của nó được truyền sang cơn bão trẻ hơn, khiến cho bão trẻ mạnh lên nhanh chóng.

Cơn bão trẻ có khi nào, di chuyển đến chỗ cơn bão già tan đi hay không?

Nói chung là  không. Tuy nhiên trong tự nhiên mọi khả năng đều có thể xảy ra. Cơn bão trẻ mạnh lên, lúc đầu thường di chuyển về phía bắc mấy vĩ độ rồi mới chuyển hướng đi ổn định về một phía nào đó, tùy theo mối tương quan giữa nó và môi trường xung quanh. Vì thế rất ít khi nó có cơ hội đi đến chỗ cơn bão già đã tan đi.

Kinh nghiệm của cá nhân ông về dự báo bão hoặc ATNĐ đôi là thế nào?

Phải theo dõi liên tục, từ khi nó bắt đầu hình thành để, ngoài những quy luật chung, còn sớm nhận ra được nét riêng của bão đôi thời điểm đó. Nếu tình hình đúng như kịch bản, ATNĐ phía trong suy yếu, ATNĐ phía ngoài mạnh lên thành bão, thì tình thế sẽ ổn định dần. Lúc này cần xem gió tây nam mạnh hay không để có được những dự báo sát nhất.

Cảm ơn ông. 

 Kiều Oanh
Thực hiện

MỚI - NÓNG