Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh:

'ASEAN rất lo ngại diễn biến trên biển Đông'

TPO - Tuyên bố riêng của các ngoại trưởng ASEAN lần này cũng nhắc lại các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc. Điều đó thể hiện đây là tiếng nói chung của ASEAN với Trung Quốc về vấn đề này

Trao đổi với báo chí ngay sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN 24, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, các nước đều phát biểu bày tỏ lo ngại mà mong các bên kiềm chế, không đe dọa sử dụng vũ lực, cùng đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố DOC…

'ASEAN rất lo ngại diễn biến trên biển Đông' ảnh 1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói:

Tại hội nghị cấp cao lần này, Việt Nam đã nêu diễn biến ở Biển Đông phức tạp, nguy hiểm, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực. Đó là việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa của Việt Nam. Chúng ta nói rõ những hành động và biện pháp của Trung Quốc đang sử dụng là đưa số lượng hơn 80 tàu, kể cả tàu có vũ trang đâm, va chạm với các tàu của Việt Nam. Khi những thông tin này được đưa ra thì các nước rất lo ngại về diễn biến trên Biển Đông. Các nước đều phát biểu bày tỏ lo ngại và mong các bên kiềm chế, không đe dọa sử dụng vũ lực, cùng đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố DOC, và càng thấy được càng phải nhanh chóng xây dựng COC để đảm bảo rằng không xảy ra vụ việc tương tự. Chính vì vậy tại hội nghị này, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã thống nhất ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông. Đây là tuyên bố riêng lần đầu tiên sau gần 20 năm qua về một vấn đề. Điều đó cho thấy, đây không phải chỉ là lo ngại của các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà cả các nước không có tuyên bố chủ quyền. Bởi, nó ảnh hưởng tới toàn bộ tình hình hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông

Ngay sau khi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ra tuyên bố riêng về Biển Đông thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng lại, vậy ASEAN và Trung Quốc sẽ làm gì để tiến tới Bộ Quy tắc ứng sử trên Biển Đông (COC)?

Giữa ASEAN và Trung Quốc có các tuyên bố như Tuyên bố DOC từ năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc. Năm 2012 nhân kỷ niệm 10 năm ra Tuyên bố DOC, tại Camphuchia các nhà lãnh đạo đã có Tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ngoài tra, trong ASEAN cũng có Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông. Tuyên bố riêng của các ngoại trưởng ASEAN lần này cũng nhắc lại các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc. Điều đó thể hiện đây là tiếng nói chung của ASEAN với Trung Quốc về vấn đề này.

Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp ngoại giao để đấu tranh với Trung Quốc, vậy bước tiếp theo sẽ là gì, thưa ông?

Chúng ta mong muốn luôn giải quyết bất đồng một cách hòa bình, thông qua luật pháp quốc tế. Chúng ta đã, đang và tiếp tục làm là tiếp tục trao đổi với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao để giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Đương nhiên, đây là vấn đề chủ quyền thiêng liêng của đất nước, nên phải thực hiện các biện pháp hòa bình thích hợp cần thiết, phù hợp luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền Việt Nam.

Trong các phiên họp, lãnh đạo các nước đều phát biểu về Biển Đông dưới hình thức này, hình thức khác. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo các nước đối với Biển Đông, làm sao phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng DOC và tiến tới thực hiện COC.

Hà Nhân (ghi)

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.