Bà Ba Bánh tét với “tập đoàn hái lượm”

Bà Ba Bánh tét (ngồi bên phải) tươi cười mua sản vật hái lượm. Ảnh: Tiến Hưng
Bà Ba Bánh tét (ngồi bên phải) tươi cười mua sản vật hái lượm. Ảnh: Tiến Hưng
TP - Xuống bến đò dọc chợ Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân (Đầm Dơi, Cà Mau) hỏi đến nhà bà Ba Bánh tét, anh lái đò nhận và chở trúng phóc. Chiếc vỏ máy đuôi tôm vượt ra ngã ba Vàm Đầm, rẽ vào sông Đầm Chim. Xóm Rẫy hiện ra trong vòng vài chục phút như một ốc đảo với cảnh nghèo bên rừng.

Tổ trưởng tự quản Xóm Rẫy, ông Lê Hoàng Cương, giới thiệu Xóm Rẫy thuộc ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân. Cụm dân cư ven sông này hình thành từ năm 1992, với 18 hộ dân trồng rẫy, ban đầu mỗi hộ có 1.000 đến 5.000m2 đất.

Tổ trưởng Cương kể: “Sau vài năm trồng rẫy thất bát, bà con không trồng rẫy nữa nhưng vẫn mang tên Xóm Rẫy. Từ 18 hộ được cấp đất thì nay có 54 hộ sinh sống, phần lớn không đất, ở nhờ ở đậu bám lấy tán rừng mà sống. Nhờ có bà Ba Bánh tét tập hợp bà con mò cua bắt ốc, soi ba khía, đào chem chép lại tổ chức đi làm và mua sản vật hình thành nên tập đoàn hái lượm cũng sống được”.

Tập đoàn hái lượm

Nhịp điệu cuộc sống ở Xóm Rẫy theo con nước lớn ròng, xoay vòng theo quy luật thủy triều. Người dân sống bằng cách mò cua, bắt ốc, bắt ba khía. Khi con nước sông Đầm Chim vừa giựt mé, tiếng gọi nhau í ới, người mang can nhựa cắt miệng, cây đào, đèn pin lục đục kéo đến nhà bà Ba Bánh tét, chuẩn bị vào rừng hái lượm. Họ đến đây để đi chung vỏ lãi của bà.

Bà Ba Bánh tét với “tập đoàn hái lượm” ảnh 1

Vỏ lãi chở tập đoàn hái lượm về trong mưa 

Ngày trước, tôm cá, ốc len, ba khía dưới tán rừng còn nhiều, bà chỉ con bơi xuồng vào rừng ở gần là tìm bắt được, nhưng khi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, phải đi xa hàng chục cây số. Bà Ba Bánh tét đã sắm vỏ lãi chở hàng chục người, chạy máy đi xa và nhanh.

Chồng bà Ba Bánh tét là ông Nguyễn Tấn Khoa cho biết: “Chi phí mua vỏ máy khoảng 30 triệu đồng, thuê người cầm lái 3 triệu đồng/tháng. Vợ chồng tôi bao luôn cả vỏ lãi, người chạy, chỉ chia tiền xăng dầu cho người đi và mua sản vật của bà con với giá hợp lý, khỏi để bà con đi bán xa tốn kém. Máy chạy cũng hao tổn, mỗi năm phải thay một cái mới chở bà con được”.

Ông Phan Thanh Công chạy vỏ lãi cho bà Ba Bánh tét. Ngồi trên vỏ lãi chờ đón bà con, ông kể: “Tui chở bà con đến rừng, thả bà con vài người một chỗ, đậu vỏ máy nằm chờ. Khi nước bắt đầu nhảy mé thì chạy tà tà rước bà con về. Chạy vỏ máy cho bà con cũng vui buồn theo sản vật của bà con kiếm được. Có bữa người bắt được nhiều, cười tới mé tai, bữa nào thất thu thì ngồi ủ rũ như gà mắc mưa”.

Tổ trưởng tự quản Lê Hoàng Cương cho biết thêm: “Không có ràng buộc nào hết, bà con làm ăn với chị Ba Bánh tét có trước có sau nên theo nhau hoài. Chị Ba Bánh tét còn giúp vốn, hỗ trợ tiền bạc, giúp nhau lúc khó khăn nên bà con sống thủy chung, dựa vào nhau”.

Vui chuyện, bà Ba Bánh tét cười tiếp lời: “Nói chung là hai bên đều có lợi. Bà con đi xa hái lượm, tui mua được nhiều hơn. Hợp sức nhau mà sống, có giàu có gì đâu. Tôi cũng chẳng khá gì. Tôi không biết chữ nhưng về đây thấy bà con khổ quá thì cùng chồng tính toán chụm lưng lại với bà con kiếm sống thôi”.

Trụ lại quê chồng

Hàng ngàn hộ dân nghèo đang gây áp lực cho tài nguyên rừng ven biển. Tổ chức tái định cư phải giải quyết hàng loạt chính sách về giáo dục, việc làm, an sinh xã hội rất khó khăn và tốn kém. Có những người như bà Ba Bánh tét sẽ là một trong những hướng mở để giải quyết vấn đề. 

GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử

Bà Ba Bánh tét tên thật là Trần Thị Bền, 54 tuổi, trước ở Vàm Lẽo, xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu). Sau bão số 5 (năm 1997), bà cùng chồng Nguyễn Tấn Khoa về quê chồng, ở đậu trên đất người quen đầu Xóm Rẫy, ven sông Đầm Chim. Ông Khoa làm rẫy, còn bà gói bánh tét chở đi bán dạo ven sông Đầm Chim. Cái tên bà Ba Bánh tét có như vậy, bây giờ không mấy người còn biết tên cúng cơm của bà. 

Sắm cái vỏ lãi ban đầu cũng có vợ chồng ông Nguyễn Văn Cường và bà Nguyễn Thị Hiền cùng với hai người con trai lớn của họ hùn tiền dầu. Vợ chồng ông Cường thuộc tập đoàn hái lượm, cười hề hề: “Có anh chị Ba Bánh tét đứng ra mua vỏ lãi để đi chung, tụi tui đỡ tốn chi phí, yên tâm lội sâu vào rừng. Sản vật bắt được bao nhiêu, bán cho bà Ba Bánh tét luôn, cũng lại đỡ phải đem ra chợ Vàm Đầm xa mấy cây số, tốn kém và lớ ngớ còn bị ép giá nữa”.

Ông Phan Thành Công, 32 tuổi, gà trống nuôi con vì vợ chê ông nghèo, bỏ xứ đi bước nữa. Ông Công xoa đầu con gái đầu lòng Trà My, 8 tuổi, học lớp 1: “Hồi con bé này bị sốt cao, co giật, phải cấp cứu, tôi mượn tiền một phần, phần nữa bà Ba Bánh tét cho thêm mới trị hết bệnh cho con. Tiền mượn thì theo vỏ của bà đi vào rừng, trừ dần ít lâu là hết nợ”.

Bà Ba Bánh tét với “tập đoàn hái lượm” ảnh 2

Bà con từ vỏ lãi lên bờ 

Trời chiều, nước vừa nhửng lớn, sông Đầm Chim đầy hơn, rộng lơn. Tiếng vỏ lãi nổ giòn, ghé vào cầu gỗ đước sau nhà. Bà Ba Bánh tét nói “vỏ lãi chở bà con về” rồi mang rổ rá, cân đi ra để mua chem chép, ốc len, bọp, ba khía. Bà con bắt được gì mua hết cái đó, vừa bán cho vựa ở chợ Vàm Đầm vừa gửi lên TPHCM.

Tập đoàn hái lượm người leo cầu thang, có người nhảy bờ mà lên, ai nấy lấm lem bùn đất nhưng vui cười, phấn chấn. Bà Ba lăng xăng cân kéo, ghi chép, trả tiền. Việc cân đong, mua bán nhanh chóng, không kỳ kèo thêm một bớt hai. Vợ chồng trẻ Nguyễn Chí Cường và Phan Thị Linh, ngoài 20 tuổi, cười tươi: “Thím Ba ơi, vợ chồng con vô mánh. Anh Cường vớ được con cua gạch bự và còn gần chục ký chem chép đây nè, chắc được ba trăm ngàn đồng”.

Sinh viên đại học duy nhất

Cuối ngày lao động vất vả, nhà bà Ba Bánh tét trở thành nơi tụ họp của bà con Xóm Rẫy. Người lớn đến tính tiền với bà Ba Bánh tét vì bà vừa ứng tiền chủ vựa ở chợ Vàm Đầm để chi trả bà con. Trẻ con đi theo người lớn nô đùa cười nói rộn rã.

Cơn mưa nặng hạt phủ mờ Xóm Rẫy. Bà Ba Bánh tét chỉ ra con đường xi măng trước nhà rộng gần mét, dài chừng 50m nói, do vợ chồng bà vừa làm. “Xóm này, trời nắng khô ráo, còn trời mưa trơn trượt, mấy đứa học trò lấm lem hết quần áo, sách vở. Bao giờ có tiền tráng xi măng hết con đường qua xóm”, bà Ba ao ước. 

Tổ trưởng Lê Hoàng Cương giọng hơi buồn: “Tội nghiệp, trẻ con ở đây vô tư lắm. Có ăn là vui mừng rồi, chúng đâu có thấy được tương lai cũng sẽ vào rừng bắt ốc mò cua như cha mẹ, anh chị, đói nghèo không thoát được”. Trẻ con ở đây đi học có lẽ vào hạng mau ra trường nhất nước, vì cứ biết đọc biết viết là nghỉ học, theo cha mẹ vô rừng mò cua bắt ốc. Điểm trường tiểu học Xóm Rẫy vì vậy chỉ có vài chục học sinh, càng lớp lớn càng ít học sinh. Ông Cương nói: “Biết học cao hiểu rộng sẽ thoát nghèo, nhưng miếng cơm manh áo cứ níu kéo trẻ con vào rừng thì làm sao bây giờ? Trẻ con ở đây, con đường đi học cao lên xa xôi lắm, quá sức rồi”.

Câu chuyện buồn về cuối cũng lóe sáng niềm vui nho nhỏ khi ông tổ trưởng Cương cho biết: “Năm nay, Xóm Rẫy đã có sinh viên đại học đầu tiên là Nguyễn Hoài Phong, con của anh chị Ba Bánh tét”.

Bà Ba Bánh tét ngấm cái phận khổ sở khi không biết chữ, đi giữ trâu mướn từ hồi 8 tuổi, nên bà gửi đứa con trai út về quê ngoại, học phổ thông và vừa đủ điểm vào Khoa cơ khí Đại học Công nghệ TPHCM với 16,5 điểm.

Tân sinh viên đầu tiên Xóm Rẫy, Nguyễn Hoài Phong vẫn đang chăm chỉ phụ giúp việc nhà. Bà Ba Bánh tét chợt lại thở dài: “Trường đại học đó là hệ dân lập, đóng tiền học phí cao, rồi phải thuê chỗ trọ, không biết mấy đồng kiếm được từ sản vật rừng mỗi ngày mỗi xa có nuôi nổi không?”.

Trẻ con ở đây đi học có lẽ vào hạng mau ra trường nhất nước, vì cứ biết đọc biết viết là nghỉ học, theo cha mẹ vô rừng mò cua bắt ốc. Điểm trường tiểu học Xóm Rẫy vì vậy chỉ có vài chục học sinh, càng lớp lớn càng ít học sinh.

MỚI - NÓNG