Ba bộ bàn quản thuốc ho Recotus

Ba bộ bàn quản thuốc ho Recotus
TP - Ngày 8/11, đoàn công tác Liên Bộ GD&ĐT, Y tế, Công an bàn với Sở GD&ĐT TPHCM cách quản lý học sinh tránh lạm dụng tân dược gây nghiện, trong đó có thuốc ho Recotus.

> Học sinh cai nghiện… thuốc ho
> Tự uống thuốc gây ảo giác để né trả bài

Mới đây, tại Trường THCS Lữ Gia (quận 11), giám thị nhà trường phát hiện một một nhóm học sinh lớp 8 có gương mặt lờ đờ, nói năng lắp bắp, không kiểm soát được hành vi của mình. Nghi ngờ các em sử dụng thuốc kích thích, nhà trường kiểm tra cặp học sinh, phát hiện 2 vỉ thuốc ho Recotus.

Một số em có biểu hiện bất thường, nói không rõ lời, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 11) chưa phát hiện học sinh dùng thuốc gây nghiện, song các em truyền tai nhau về việc bị bạn rủ rê dùng thử thuốc ho gây nghiện.

Theo thống kê từ năm học 2011 đến nay, Trường THCS Bình An (quận 2), Trường THCS Khánh Hội A (quận 4), Trường THCS Tăng Bạt Hổ (quận 4), Trường THCS Trần Quốc Tuấn (quận 7)… liên tiếp phát hiện học sinh dùng thuốc gây nghiện để tìm ảo giác, trốn tránh trả bài thầy cô.

Sở GD&ĐT TPHCM đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường quản lý tại trường học, như ban hành văn bản chỉ đạo phòng, chống lạm dụng thuốc ho Recotus, tuyên truyền đầu năm học… Các cơ quan, đoàn thể phường - xã cũng phối hợp chặt chẽ quản lý trật tự trước cổng trường…

Theo đại diện các trường, nguyên nhân chính của tình trạng nghiện thuốc ho vẫn tiếp diễn là đội ngũ cán bộ y tế trong trường học thiếu và yếu. TPHCM hiện có 1.688 trường học, nhưng chỉ có 938 trường (chiếm 56%) có cán bộ chuyên trách về y tế và khoảng 51% trong số đó đạt trình độ chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Ngoài Cần Giờ đạt 100% các trường đủ cán bộ chuyên trách (nhờ chính sách vùng sâu, vùng xa), các trường còn lại khó tuyển được cán bộ y tế đủ trình độ bởi chế độ đãi ngộ không cao. Một cán bộ y tế một trường mầm non ở quận 11 nói rằng, công việc của họ hiện đã quá tải. Chăm lo sức khỏe, cung cấp thuốc thang cho trẻ đã chiếm hết thời gian. Lên cấp học cao hơn thì có hàng trăm thứ bệnh học đường phải xử lý, nhiều khi công tác tư vấn, tuyên truyền cũng không thể đi sâu đi sát được.

Ông Vũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh-Sinh viên (Bộ GD&ĐT), cho rằng, công tác quản lý các nhà thuốc tư nhân hiện vẫn chưa chặt chẽ. Những loại tân dược có khả năng gây nghiện chưa được xem là biệt dược. Nhà thuốc có bán cũng không sai, còn nhà trường muốn quản cũng không có chế tài…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG