Bà chủ Cái bang và những chuyến đi làm từ thiện

Bà chủ Cái bang và những chuyến đi làm từ thiện
TP - Bà tên là Hà Thị Xuân Hy, tổ phó tổ dân phố ở con hẻm 473 Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM.  Đã gần 9 năm - hơn 3.000 ngày, từ khi thành lập “Nhóm tình thương Xuân Hy” với hơn 10 thành viên (vào đầu năm 1999)...
Bà chủ Cái bang và những chuyến đi làm từ thiện ảnh 1
Bà Xuân Hy và cháu nội. Gia tài bà để lại cho cháu là những bài báo, những tấm hình về những chuyến đi…

Đa số họ là những “bà già về hưu nhàn rỗi”, đã kiên trì đến với những cảnh đời kém may mắn, mang theo những món đồ “hầm bà lằng” từ: tập vở, sách cũ, quần áo cũ, bột ngọt, gạo, muối… giúp người nghèo vượt qua khó khăn.

“Bà chủ Cái bang”

Bà Xuân Hy viết trong nhật ký: “Ánh mắt ông cụ đăm đăm nhìn theo tôi, ấm áp đến lạ, đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên…”. Đó là ánh nhìn của ông già bán rễ cây nhào ở khu chợ vườn Chuối, trong kí ức thơ ấu của bà. Cô bé sớm mồ côi phải bươn chải tự lập từ bé đã luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh những con người “nghèo thật nghèo” vì “thấy mà thương thật thương”. Cho tới lúc đã lập gia đình, “phải tội thời chiến tranh, ham đẻ quá, tới 7 đứa con lận…” – Bà mỉm cười bảo.

Bà bảo: “Bốn tuổi tôi đã từng phải nằm ép bụng xuống ổ rơm kìm cơn đói, năm chị em mồ côi tự nuôi nhau…”. Thế nhưng, ngay từ lúc còn là cô bé lên mười chỉ có 5 đồng trong túi được chị dâu cho mua tập vở, cô bé ấy đã đặt vội vào tay một ông lão 80 tuổi đang rao bán bó rễ cây nhào vác nặng oằn vai áo rách tả tơi, rồi bỏ chạy để ông không thể trả lại...

Thế nhưng, trong những trang nhật kí của mình, bà còn nhớ như in: “Người đàn bà rách mướp ôm một bầy con đến quầy gạo tôi đứng bán xin chén cơm, cho họ ăn rồi, tôi còn dúi vào tay bà mẹ ít tiền, bảo: “Này chị, tôi mới lãnh được 50 đồng đây. Tôi chia cho chị một nửa, ngày mai chị ghé lại, tôi cho chị một bộ quần áo của tôi, một đôi quang gánh nữa, chị dùng mà đi mua ve chai, mua đi bán lại, ráng cho con ăn học. Tôi cũng có 7 đứa con lận, làm mẹ thì phải ráng chịu cực...” Nhưng người phụ nữ đó cầm tiền rồi không quay lại nữa, có lần tôi lại thấy chị ta lê lết ăn xin ở cổng chùa, nghĩ mà giận, chỉ muốn ra mắng cho một trận, nhưng không nỡ…”

Những ngày cả nước sống bằng tem phiếu, bà Xuân Hy làm thủ kho ở chợ Nguyễn Tri Phương, nhắc đến bà, ai cũng tức cười, họ gọi bà là “bà chủ Cái bang”. Nguyên do vì ngay trước cửa kho bà quản lí, tối tối, có những người vô gia cư tập trung ở vỉa hè, thấy bà ra là nhao nhao vây lại: “A, cô Hai ra rồi!”.

Họ là những ông bà già, trẻ con mồ côi tha phương cầu thực, tối lại về co ro ở vỉa hè ngủ nhờ và đợi “cô Hai” ra để gửi những đồng tiền nhàu nát sau một ngày kiếm được. Tiền của má Mười, má Hứa, vợ chồng em mù, chị Ba Quê, anh gù, cháu bị tật co giật… cô Hai Hy đón những bọc nilon tiền nho nhỏ, lèo nhèo từ tay họ vào kho giở ra, đếm kĩ, vuốt thẳng nếp rồi xếp lại, đổi thành tiền lớn giữ dùm họ. Xong xuôi, cô Hai Hy ra vỉa hè ngồi nói chuyện, hóng gió với họ. Những câu chuyện bụi bặm trong hành trình một ngày đi kiếm tiền của họ còn kèm theo những trái ổi, trái táo rất sạch sẽ mang về cho cô Hai.

Người thương binh cố lết đến trước ngôi nhà ở hẻm 473, Tô Hiến Thành, quận 10. Đó là những ngày cuối năm 1990. Anh đi tìm một người tên là cô Hai, trước bán gạo cho nhà nước ở chợ Nguyễn Tri Phương, bị bệnh nên nghỉ việc và chuyển nhà. Anh đã tìm cả năm mới tới được địa chỉ này. Ở quê, anh có gia đình nhưng nghèo quá, phải vào Nam hành khất, kiếm được ít tiền dành dụm về mua bò, sửa nhà nhưng lại sợ bị côn đồ cướp mất.

Nghe mấy người “cùng nghề” mách nước tới gửi cô Hai Hy, anh lặn lội đi tìm bà, còn vì nghe họ bảo, cô rất hay giúp đỡ người nghèo. Cứ mỗi tuần, anh thương binh lại mang những cọc tiền lèo nhèo tới, bà Hai Hy cất rồi cho thuốc tra cho cái chân tróc lở đỏ lói vì ghẻ của anh. Được 5 chỉ vàng, bà khuyên anh về quê…

Nhật ký hành trình

Ốm thập tử nhất sinh, qua 5 lần phẫu thuật, ra vào viện như cơm bữa, nhưng khỏe một chút, bà lại lạch cạch đạp xe đến những nơi người ta nhắn tới lấy đồ làm từ thiện…

Sau mỗi chuyến đi, bà trở về nhà viết vào “nhật kí hành trình” cho cả nhóm. Viết rồi học cách gõ vi tính. Từ khi bắt đầu lập nhóm tới giờ, “gia tài” bà để dành cho con cháu là 10 tập thơ và nhật kí về những chuyến đi.

“24/08/2000. Hôm nay mở ti vi, nhìn cảnh nước lũ cuồn cuộn, cuốn trôi nhà cửa, thóc lúa của người dân ở Hồng Ngự - Đồng Tháp sao mà thương quá. Những nhánh lúa còn xanh non chìm trong biển nước và những mái đầu nhấp nhô, lặn hụp cố gắng gặt được nắm nào hay nắm đấy…những đứa trẻ còi cọc chỉ có cái quần đùi, các cụ già còng lưng, đôi mắt hắt hiu, cặm cụi lựa từng bông lúa chín bằng tất cả sự nâng niu…

“Chị tôi”

Tình cờ quen và nhận nhau là chị em kết nghĩa ở Buôn Mê Thuột, đồng cảm với tâm nguyện của bà Xuân Hy, cô Bạch Tuyết, một Việt kiều Mỹ cùng góp sức với nhóm tình thương Xuân Hy, mỗi tháng gửi về 100USD hỗ trợ nhóm “Cho và nhận”.

Cô Bạch Tuyết còn vận động bạn bè qua những tập nhật ký mà bà Xuân Hy gửi tặng để góp tiền giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, từ lúc nhóm mới thành lập cho tới nay.

Trong hành trình của mình, không bao giờ bà Xuân Hy cảm thấy đơn độc vì luôn có những người bạn trong nhóm, có “chị tôi và những người bạn” và những đứa con trong nhà cũng luôn ủng hộ mẹ.

15/1/2003. Đọc báo viết về những đứa trẻ không có Tết ở vùng Cát Tiên, bởi chúng còn lăn lội mưa nắng ngoài bãi sình lầy bắt cua còng, chưa bao giờ được một đôi dép, cục kẹo…Tôi và em Huệ cứ day dứt làm sao để có tiền đi…”. Mỗi tập nhật kí viết xong, bà in ra tặng bạn bè, trong nhật kí có ghi rõ hoàn cảnh từng người cần giúp đỡ. Bà hóm hỉnh bảo: “Có “ý đồ”  đấy nhé, ai đọc sách của tôi rồi lại động lòng trắc ẩn và chia sẻ, góp sức, góp lòng giúp tiếp…”.

Nhà bà, góc thì chật những thùng mì, sách vở, quần áo, bởi “ai cho gì cũng lấy”, góc là một chồng báo cũ, nơi bà và nhóm tìm đến với những số phận cần giúp đỡ.

Những lúc ở trong bệnh viện chữa bệnh cho mình, túi của bà luôn có ít tiền. Bà có “biệt tài” nhận ra những người cực khổ. Đi mổ sỏi mật bà cũng ngó nghiêng “tìm người quen” trong bệnh viện. 16 viên sỏi sau ca phẫu thuật sỏi mật kèm theo những dòng nhật kí: “Chiều 29/1/2006, ở trong bệnh viện. Có 2 vợ chồng nọ, chồng bị tật, con gặp tai nạn, quê ở Đồng Tháp bồng bế nhau lên viện, tết rồi mà còn không biết xoay sở thế nào về quê. Tôi bàn với nhóm lấy số tiền để dành trong quỹ, cho họ tiền xe và 800.000  đồng về quê ăn Tết…”

Mỗi lần tới thăm các cụ già neo đơn, người bị tật nguyền, bà bảo: “Họ không cần mình đến chỉ để cho một vài trăm. Chỉ cần cái ôm thật chặt, tay trong tay, “má má con con”, chia sẻ với họ bằng chính những khó khăn mình đã trải qua là cảm nhận được hạnh phúc…”.

Chuyến đi dài nhất trong hành trình gần 10 năm của bà và nhóm tình thương Xuân Hy là cứu trợ đồng bào bị bão ở sông Hậu. Trên đường đi, xe phải dừng vì có tai nạn phía trước. 11g đêm, lạnh buốt, chỉ có một đám lửa đốt lên từ lốp cao su cho cảnh sát giao thông xem xét hiện trường. Chợt có một đám thanh niên nam nữ chở nhau phóng xe “đi bão” qua. Khuất tầm nhìn, một chiếc xe lao thẳng vào hông xe của đoàn. Cô gái ngồi sau xe bị hất tung lên trước kính xe bà ngồi.

Cả xe ai cũng hoảng, mình bà nhảy xuống xe xem cô gái có sao không. Trước mắt bà là cô gái trẻ chừng 18 tuổi nằm giãy đành đạch trong vũng máu. Đoàn người phải ở lại một lát làm biên bản. Xe lại đi, vun vút giữa đêm tối và gió lạnh… Ngồi trên xe bỗng bà thấy phía ghế ngồi nóng ran, bà gọi anh lái xe kiểm tra. May quá! Bố thắng bị siết, chỉ chừng vài phút nữa là có thể nổ…Ai cũng mệt mỏi, chỉ muốn quay về. Bà động viên mọi người: “Còn có bà con vùng lũ đang chờ chúng ta…”.

4g sáng hôm đó, xe đến nơi, bà con đã chờ đoàn cứu trợ từ nửa đêm. Mọi mệt mỏi, lo âu trong chuyến đi được giải toả, chỉ còn những nụ cười và những thùng đồ chuyền tay…

Sắp vào tuổi 70, người bạn đời luôn bên bà động viên, ủng hộ, giờ đang phải chiến đấu với bệnh ung thư đã di căn. Bà cũng bệnh nhiều hơn, ngày ngày vào viện chăm ông, đến tối mới có người thay ca. Nhưng trong nhật kí hành trình của bà vẫn còn những địa chỉ cần đến nhóm tình thương Xuân Hy giúp đỡ. Trong góc nhà vẫn lỉnh kỉnh đồ cứu trợ cho những chuyến đi đã lên kế hoạch.

MỚI - NÓNG