Bà đại sứ làm ngoại giao cho người nghèo

Bà đại sứ làm ngoại giao cho người nghèo
TP - Những đóng góp của bà Phan Thúy Thanh trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nhiều người đã thống kê. Trong bài viết này tôi chỉ muốn đề cập đến công việc yêu thích hàng ngày của bà: Chia sẻ khó khăn với những người tàn tật và trẻ mồ côi.
Bà đại sứ làm ngoại giao cho người nghèo ảnh 1

Niềm vui được sẻ chia

Năm 2007, sau khi hoàn tất công việc của một Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, bà Thanh về nước.

Lúc đó,  nhiều tổ chức  đã tìm đến bà và đưa ra những lời mời cộng tác với mức thu nhập đáng mơ ước. Một phần muốn nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình, bà Thanh chưa chính thức nhận lời với tổ chức nào.

Lúc đó, những người lãnh đạo của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tìm đến bà Thanh với mong muốn bà sẽ giúp đỡ họ xúc tiến công việc đối ngoại.

Bà Thanh đồng ý tiếp xúc, và sau buổi gặp gỡ ấy bà lập ngay một chương trình, trong đó liệt kê những công việc bà định làm để mở rộng hình ảnh của Hội ra bên ngoài và tăng tiếp xúc của Hội với các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các sứ quán nước ngoài đóng tại Việt Nam.

Khi trao bản kế hoạch bà cựu đại sứ cũng có ý chờ đợi xem phản ứng từ lãnh đạo Hội như thế nào rồi mới quyết định có nhận lời giúp đỡ hay không.

Những phản ứng đến nhanh ngoài cả mong đợi của bà, hơn thế, Hội còn xúc tiến những yêu cầu của bà gần như tức thì. Tất cả mọi đề nghị đều được chấp nhận. Mọi người ở Hội đều nồng nhiệt và quyến luyến người phụ nữ từng có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động ngoại giao.

Rất tự nhiên, bà có cảm giác, ở Hội này, với công việc này bà có ích cho nhiều người. Vậy là  bà  về làm việc, phụ trách công tác đối ngoại  của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận.

Song song với công việc ở Hội, bà Thanh còn là Trưởng đại diện tại Việt Nam, Lào, Campuchia của Viện hợp tác châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh.

Công việc của hai nơi được bà nỗ lực ráp nối với mục đích duy nhất: sao cho xin được nhiều tài trợ, lập được nhiều dự án giúp đỡ người nghèo ở Việt Nam.

Công việc khá vất vả, lại phải đụng chạm trực tiếp đến những vấn đề về kinh phí nhưng bà Thanh không thấy đó là khó khăn. Bà nói rằng bà rất cảm động và khâm phục những khó khăn vất vả và cả sự hy sinh của những cán bộ của Hội trong khi tiến hành các dự án nhân đạo như cấp xe lăn, xe lắc,phẫu thuật mắt, đào tạo nghề cho người tàn tật.

Đến lúc về hưu, khi công việc không còn là sức ép bà mới có dịp cảm nhận sâu sắc hơn nữa  hạnh phúc được chia sẻ khó khăn với người nghèo, làm tiếp tâm nguyện của mẹ lúc sinh thời. Bà bảo: Ở tuổi này được cho ai một cái gì hữu ích vui hơn là được nhận.

Bà cũng cho rằng: Dù thế nào, so với những người khác thì mình cũng đã được nhận nhiều. Bây giờ là lúc bà chia sẻ những may mắn ấy với những  người không may mắn.

Bà đại sứ làm ngoại giao cho người nghèo ảnh 2
Bà Phan Thúy Thanh cùng các cháu thiếu nhi đội võ thuật trong buổi biểu diễn Tết

Giúp một người là thêm một trải nghiệm

Khi còn làm Đại sứ tại Bỉ, bà Phan Thúy Thanh cũng đã rất tích cực trong những hoạt động từ thiện, tổ chức những Gala Dinner để quyên góp giúp đỡ những trẻ em nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Nhưng chỉ đến lúc tham gia Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam bà mới tận mắt chứng kiến những số phận éo le ngoài mức tưởng tượng.

Toàn bộ gia sản của một gia đình gom lại không được mấy trăm ngàn là điều có thực. Những gia đình ở thời đại này nhưng vẫn không biết thế nào là tivi, là nước sạch là điều có thực.

Những cặp vợ chồng nghèo đến mức không mua nổi một cái giường phải trải bao tải nằm dưới đất cũng là điều có thực. Cho nên, những sự giúp đỡ, đối với ai đó chỉ là rất nhỏ nhưng đối với những số phận như vậy có khi lại làm thay đổi cả cuộc đời họ.

Bà đã tận mắt chứng kiến những thanh niên ở độ tuổi lao động bị tàn tật chưa từng biết thế nào là cuộc sống ngoài khung cửa. Có chiếc xe lăn họ mới tận mắt nhìn thấy bầu trời rộng lớn, mới có cơ hội tiếp xúc với cuộc sống của những người cùng trang lứa.

Bà cũng tận mắt chứng kiến những trẻ em nghèo không được đến trường vì đường sá quá xa xôi. Được tặng chiếc xe đạp chỉ có mấy trăm ngàn mà các cháu không dám tưởng tượng là sự thực. Rồi chỉ nhờ cái xe đạp ấy mà trẻ em được đến trường, học chữ và biết nuôi dưỡng những ước mơ làm thay đổi cuộc đời.

Bà đã rơi nước mắt vì những thanh niên tàn tật sau khi được dạy nghề đã kiếm được đồng tiền đầu tiên. Chỉ đến lúc ấy họ mới dám làm một điều xa xỉ là mua mấy quả táo đỏ ngoài chợ để ăn cho đã thèm.

Có việc, có thu nhập, những người thanh niên ấy dần dần tự tin hơn trong cuộc sống. Khi họ tự tin hơn, họ có thể tự lao động để kiếm sống cũng có nghĩa là gia đình, xã hội giảm được nhiều gánh nặng.

Cũng như những người bạn trong Hội, bà Thanh kiên trì theo đuổi mục đích làm từ thiện: giúp người ta cái cần câu hơn là cho họ một xâu cá.

Trong những bức thư gửi các bạn nước ngoài bao giờ bà cũng ưu tiên trình bày tương lai khả quan của những người tàn tật ở độ tuổi lao động khi được giúp đỡ về phương tiện đi lại hoặc phẫu thuật chỉnh hình.

Những buổi trao quà từ thiện bằng tiền, bằng kẹo bánh bà cũng vui nhưng luôn băn khoăn một điều: Như vậy có thực sự giúp họ được điều gì không? Những thứ ấy cho họ cũng được, mà không cho thì cuộc sống của họ cũng chẳng vì thế mà đỡ khổ hơn.

Sao không biến những thứ quà ấy bằng một cái gì đó lâu dài và thiết thực hơn như cái đài nhỏ để người dân có thể nghe tin tức, nâng cao trình độ dân trí? Có nhiều nơi, bà biết, nông dân có chế độ hỗ trợ của Chính phủ hẳn hoi nhưng bản thân họ không hề biết điều ấy. Có phương tiện truyền thông nào đến tai họ?

Bà đại sứ làm ngoại giao cho người nghèo ảnh 3
Bà Phan Thúy Thanh được Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Bỉ trao Huân chương Le O Paul Đệ nhị của Nhà vua Bỉ ban tặng. Đây là một trong số rất ít Huân chương cao quý của Bỉ dành cho người nước ngoài có thành tích đóng góp và phát triển quan hệ hai nước

Người phụ nữ của gia đình

Từ nhỏ, bà Phan Thúy Thanh đã được hưởng một nền giáo dục nghiêm cẩn của mẹ về công, dung, ngôn, hạnh đối với các cô con gái. Việc nội trợ và đối nhân xử thế của bà vì vậy vẫn mang nhiều hơi hướng của phụ nữ Hà Nội xưa.

Đến giờ, sau rất nhiều chức vụ cao quý cũng như vị trí VIP trong công việc,  bà vẫn luôn là người trực tiếp giữ lửa trong gia đình. Bà vẫn cùng con gái và con dâu  quán xuyến toàn bộ các bữa ăn và công việc  trong nhà.

Bà đại sứ làm ngoại giao cho người nghèo ảnh 4
Gia đình bà Thanh trong ngày con trai đầu nhận bằng MBA tại Bỉ

Ít người biết, cựu đại sứ Phan Thúy Thanh đã từng có 18 năm chung sống cùng bố mẹ, anh em chồng trong một căn nhà nhỏ ở phố Bà Triệu (Hà Nội).

Bà Phan Thúy Thanh

Sinh năm: 1952

Quê quán: Khoái Châu, Hưng Yên

1974: Công tác ở Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao

1980-1984: Thạc sĩ quan hệ ngoại giao ở Hungary

1991-1993: Học tại Học viện Hành chính quốc gia Pháp (E NA) (Pháp)

1993-1997: Tham tán Công sứ của VN ở Bỉ 

1997-2002: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao

2003-2007: Đại sứ VN tại Vương quốc Bỉ và Đại sứ Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu.

Nhiều người cùng thế hệ khâm phục bà vì bản chất công việc phải xa nhà thường xuyên nhưng lúc nào mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng tốt đẹp và hậu phương vững chắc nhất của bà lại chính là bố mẹ chồng.

Có thời gian bà phải đi công tác xa, con trai đầu của bà lớn lên dưới sự chăm sóc của ông bà nội. Lại có những chuyến công tác đột xuất, bố mẹ chồng bà khoá cửa nhà mình để đến nhà con trông nom hộ.

Kinh nghiệm giữ hòa khí trong gia đình của nhà ngoại giao Phan Thúy Thanh chỉ gói gọn trong hai chữ: yêu thương - chân thành. Đến giờ, bà cũng lấy tiêu chí đó để dạy con gái và con dâu. Con có thể vụng về một chút, có thể bận rộn một chút bố mẹ nào cũng sẵn sàng thể tất nếu con có lòng chân thành.

Những lời nói đó dù vô tình hay cố ý rồi cũng đều sẽ đến tai mẹ. Mẹ có thể bỏ qua, có thể không trách phạt nhưng trong lòng mẹ sẽ rất khó quên. Để mối quan hệ với gia đình chồng luôn được tốt đẹp, bà Thanh không bao giờ quên bày tỏ lòng biết ơn đối với những người sinh thành ra chồng mình.

Sự biết ơn chân thành đó vô tình đã kéo mẹ chồng thành đồng minh với con dâu mỗi khi gia đình nhỏ của cô “cơm không lành, canh không ngọt”.

Công việc của bà Thanh bây giờ không đòi hỏi phải đi xa nhiều và đó là điều hạnh phúc nhất cho bà và cả gia đình... Với bà, người phụ nữ dù thành công đến đâu mà không xây dựng được một gia đình êm ấm thì cũng khó để đạt được hạnh phúc. Dù đôi khi hạnh phúc ấy rất giản dị.

Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam (viết tắt là ASVHO):

- Là một tổ chức xã hội, từ thiện tập hợp mọi tổ chức cá nhân tự nguyện tham gia hoạt động Hội.

- Hội hoạt động trong phạm vi cả nước nhằm huy động mọi tiềm năng của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp sức lực, tiền của, trí tuệ, phương tiện… để tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi hòa nhập cộng đồng.

- Các hoạt động chủ yếu của Hội:

Phẫu thuật mắt

Phẫu thuật phục hồi chức năng

Cấp xe lăn, xe lắc

Cấp xe đạp

Dạy nghề

Và một số hoạt động khác: tặng nhà tình thương, cấp học bổng, cấp dụng cụ học nghề, cho vay vốn…

MỚI - NÓNG