Bà mẹ hoảng loạn khi phát hiện con trai đồng tính

Người đồng tính đang cần được xã hội cảm thông hơn là kỳ thị.
Người đồng tính đang cần được xã hội cảm thông hơn là kỳ thị.
Tiếng nấc nghẹn của người mẹ thốt lên giữa đêm tối: "Tại sao điều này lại xảy ra với chúng tôi. Nó đã thừa nhận, nó chỉ có thể yêu đàn ông. Làm sao để có thể trở lại như trước đây, làm sao để con trai tôi trở lại thành một người đàn ông bình thường…?”

Sự thật quá khủng khiếp

Ngột ngạt, ức chế, đôi khi nghẹt thở là không khí chung của các ông bố bà mẹ lần đầu phát hiện ra con em mình là người đồng tính. Có lẽ, không nỗi đau nào lớn bằng sự thật kinh hoàng được phơi bày.

"Cuộc chiến" trên hành trình công nhận con trai độc nhất là người đồng tính của bà Lê Thị Yến L. (Bình Chánh- TP HCM) là một hành động dũng cảm, mà không phải ông bố bà mẹ nào cũng làm được. Trước khi viết bài, tôi đã gọi điện thoại hỏi ý kiến của nhân vật. Thật bất ngờ, bà L. bảo rằng: "Dám công khai thừa nhận và ủng hộ con mình là người đồng tính, đó không phải sự dũng cảm, mà là tình yêu thương con quá lớn". Câu chuyện của bà, cũng là hàng trăm ngàn câu chuyện đẫm nước mắt trong hành trình "khám phá" thế giới đồng tính, vốn đang ẩn mình ở một góc khuất nào đó của xã hội.

Năm con trai đang học lớp 11, bà L. phát hiện con là người đồng tính. Trước đó khoảng một năm, chồng bà cũng từng đề cập đến những biểu hiện khác thường của con. Ông chồng bảo rằng, thằng bé "có vấn đề". Nhưng, bà không tin, vì "thằng bé" có làm sao đâu, nó cao to vạm vỡ và mạnh mẽ thế kia.

Một mực phản đối nhưng trong lòng bà bắt đầu nhen nhóm sự hoang mang, hoài nghi. Lắm khi nghĩ đến lời nói của chồng, bà chột dạ. Từ đó, bà quan sát, để ý thằng bé nhiều hơn. Trong một lần quét dọn phòng, bà thấy có cuốn nhật ký của con trai xếp ngay ngắn trong hộc tủ, bà cầm lên, đọc ngấu nghiến. Và, tim bà chợt thắt lại, mồ hôi toát ra khi thấy thằng bé đề cập đến chuyện tình cảm với một cậu bé lớp 10. Bà vô cùng tức giận, muốn xé nát cuốn nhật ký ra, muốn hét thật to, muốn lôi thằng con về ngay để tra xét.

Bà mang chuyện này nói với chồng, nhưng ông ấy không muốn nghe. Ông nói một câu lạnh lùng: "Chuyện đó thật ghê tởm và đừng bao giờ đề cập nữa".

Từ nhỏ đến lớn, thằng bé gắn bó với mẹ như hình với bóng. Hai mẹ con đã quá quen với hình ảnh của nhau. Nhưng, từ lần đọc xong dòng hồi ký "tình yêu" của con, mối quan hệ đã sang một đường biên mới. Bà L không thể chấp nhận được cậu con trai duy nhất trong gia tộc là người đồng tính. Rồi đây, ai sẽ nối dõi tông đường, ai thờ cúng tổ tiên, ai chăm sóc cha mẹ già… Nhưng điều quan trọng là gia đình không thể chấp nhận được điều kỳ quặc như vậy.

Chồng không muốn quan tâm, bà một mình mày mò tìm cách cứu chữa cho con, nhất định sẽ kéo thằng bé trở lại thành một người đàn ông bình thường. Khoảng thời gian đó đối với bà quả thật mệt mỏi, đơn độc và đau khổ. Bà L đã tìm đủ mọi cách, từ khuyến cáo đến cấm đoán, quyết liệt ngăn cản những mối quan hệ qua mạng.

Bà lén đọc tin nhắn của con, gọi điện cho mẹ của cậu bạn trai kia để hai bên gia đình phối hợp ngăn cấm. Vô tình, bà chính là người đầu tiên tiết lộ bí mật động trời về con trai của họ. Khỏi phải nói, đầu dây bên kia sửng sốt đến nhường nào. Người mẹ đã chết đứng, không nói được lời nào.

Bà đưa con đi bác sĩ tâm lý, rồi đến các chuyên gia tư vấn giới tính, tuy được cảnh báo nhưng bà vẫn không chấp nhận. Một trong những chuyên gia cho biết, 90% con bà là người đồng tính. Xu hướng "tính dục" này sẽ đóng khung ở tuổi 21. Nếu con bà vượt qua 21 tuổi, thì việc con bà là người đồng tính sẽ không thể thay đổi được.

Bấu víu vào hy vọng mong manh, bà dẫn con đi chạy chữa khắp nơi. Được người quen mách một ngôi chùa đã từng chữa khỏi cho một người đồng tính trở lại bình thường, bà mừng quá, dắt con trai đi thẳng đến ngôi chùa "chữa đồng tính". Thằng bé kịch liệt phản đối ý kiến của mẹ, không biết từ bao giờ, nó trở nên bướng bỉnh và khó dạy đến thế. Giằng co mãi, cuối cùng thằng bé cũng răm rắp theo mẹ đến chùa.

Sau khi bắt mạch, thăm khám tổng quát, thầy phán rằng, cơ thể thằng bé có quá nhiều âm khí nên cân bằng âm dương đã bị xáo trộn. Có thể do cách ăn uống hoặc do từ nhỏ thằng bé thân thiết với mẹ quá. Thầy cho mẹ con bà một toa thuốc gồm gạo lứt muối mè và vài vị thuốc khác.

Làm theo lời dặn của thầy, bà ép thằng con ăn gạo lứt muối mè trong một thời gian dài. Nhưng mọi chuyện vẫn không có gì tiến triển, không thu được kết quả gì. Thay vào đó, càng làm cho tinh thần thằng bé suy sụp, buồn phiền.

Trước đây, bà đã từng rất hiểu con, nhưng giờ thì bà không còn biết gì về đứa con nữa, ngoài sự bướng bỉnh, cáu gắt và kỳ quặc. Tất cả những gì người mẹ có lúc đó là tuyệt vọng. Đất trời tối tăm, bà L đơn độc đối diện với sự thật không thể nào chấp nhận được.

Suốt thời gian dài đằng đẵng, hầu như hai mẹ con không hề nói chuyện với nhau. Căn nhà trở nên lạnh lẽo, vắng ngắt, nếu có tiếng người thì cũng là tình trạng cãi vã căng thẳng giữa hai mẹ con. Hầu như đêm nào bà cũng khóc thật nhiều, rồi giận dữ ném những ngôn từ kinh khủng nhất về phía con. Càng giận, lại càng thương con và đau khổ tột cùng.

Dùng biện pháp mạnh không có tác dụng, bà quay sang mềm mỏng với con. Bà viết một bức thư gửi con trai: "Tại sao lại kỳ cục vậy? Con sắp thi đại học rồi, tại sao nói dối mẹ? Vé đi du lịch Singapore đó, con nói là cho bạn gái của con, nhưng hóa ra là cho cậu bạn trai. Tại sao con lại phải nói dối mẹ làm tất cả những chuyện này…?” Đáp lại bức thư là giọng đầy căm giận của con: "Tôi hận các người, tại sao các người phá đám tôi…?”

Từng lời nói của con trai như nhát dao cứa đứt từng khúc ruột bà, nó đay nghiến và hận thù người mẹ. Trong phút bốc đồng, nó cầm lăm lăm con dao, mắt trợn tròn rực lửa đổ về phía mẹ. Bà gào lên: "Bây giờ con muốn làm gì, con muốn giết mẹ phải không? Con giết mẹ đi".

Chỉ thốt ra được bấy nhiêu, bà đấm mạnh vào ngực mình. Mắt nhòa đi, đầu đau nhói, bà buông mình xuống đất. Trong cơn mê, bà còn nghe rõ tiếng thằng con thả con dao sắc lạnh xuống nền nhà. Nó quỳ sụp xuống, ôm lấy chân mẹ, run rẩy: "Con xin lỗi, con đã sai rồi, mẹ tha lỗi cho con…".

Khi con trai vào đại học, không khí gia đình vẫn u ám, nặng nề. Những con người sống cùng nhau cứ lặng lẽ như cái bóng, chỉ đủ để biết còn sự sống tồn tại. Bức tường ngăn cách ngày càng dày, sợi dây liên kết tình mẫu tử ngày một mỏng manh, dễ đứt.

Vượt qua sợ hãi

Những đêm trăn trở, tình thương của một người mẹ không cho phép bà buông xuôi. Bà gắng gượng, thử sức chịu đựng của mình một lần nữa, bà cặm cụi viết thư gửi con: "Nếu con thương bố mẹ thì hãy sống đúng với một người đàn ông bình thường, đừng làm điều gì khiến bố mẹ phải đau khổ. Con phải hiểu là bố mẹ chỉ có mình con, con là cháu đích tôn của dòng họ. Con như vậy, mẹ biết ăn nói sao với ông bà nội, ngoại…".

Lá thư không có hồi âm. Bà viết tiếp, viết liên tục gửi con, chưa bao giờ bà mong ngóng sự hồi âm của con đến thế. Dẫu có xa xôi là bao, mẹ con vẫn ở chung trong mái nhà, cùng ăn trong một mâm cơm, sự xa lạ đã kéo lê khoảng cách tình mẫu tử, yêu thương giờ đây như một dấu lặng xót xa. Cuối cùng thì con bà cũng hồi âm. Cầm lá thư trên tay, người mẹ chỉ biết khóc mà thôi.

Bà mẹ hoảng loạn khi phát hiện con trai đồng tính ảnh 1

Lần đầu tiên ra mắt Hội phụ huynh của người đồng tính.

Con bà cũng đang phải vật vã với nỗi khổ, phải sống trong vỏ bọc khác, phải "nén" mình trong hình hài của một người đàn ông, không được sống thật với thân phận của mình. Phải chiến đấu với kỳ thị, mỉa mai của xã hội, và cay nghiệt hơn đó là sự không thừa nhận của chính những bậc sinh thành. Con bà không hề muốn bố mẹ buồn, nó xin gia đình hãy tha tội cho nó. Nó không thể sống trái với con người thật được. Nó thương cha mẹ, và đã làm tất cả những gì người lớn muốn, kể cả phải cắn răng dùng những phương thuốc chữa "bệnh đồng tính".

Trước kia, bà L. quay cuồng trên con đường tìm lối thoát cho con trai, thì bây giờ bà bắt đầu lên mạng tìm thông tin về người đồng tính. Bà mày mò tìm hiểu những lý giải cặn kẽ về thế giới đồng tính, như: Đồng tính nam, đồng tính nữ, tại sao lại có cái gọi là xu hướng tính dục… Là người làm nghiên cứu khoa học, giúp bà có cái nhìn về khoa học và hiểu đúng về khoa học một cách nhanh chóng. Bà nhận ra, con bà vẫn là con bà, nó là người đồng tính, đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Đổ lỗi cho con cái là một điều sai trái.

Sự thật không còn là một điều gì đó quá khủng khiếp và đau đớn nữa. Và, việc thuyết phục những người trong dòng họ được bà cảm hóa bằng những lý giải về khoa học sâu sắc. Tảng băng khổng lồ án ngự trong ngôi nhà bao năm nay được đánh tan. Lần đầu tiên sau thời gian dài, bà nhìn thẳng vào mắt con trai, nó là người đồng tính. Thì đã sao, nó vẫn và sẽ mãi là con của bà.

Trong tâm sự của mình, bà L. bày tỏ mong muốn xã hội hãy cảm thông nhiều hơn là kỳ thị người đồng tính. Họ được sinh ra, không phải là cái tội. Trong cuộc đời, họ đã chịu quá nhiều thiệt thòi, thì mọi người hãy bao dung, để họ sống bình đẳng, sống tốt đẹp hơn.

Theo Ngọc Thiện
Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.