'Ba ngày vui Tết, khổ vạn ngày'

Công nhân trở lại Bình Dương sau kỳ nghỉ tết
Công nhân trở lại Bình Dương sau kỳ nghỉ tết
TP - Sau những ngày về quê nghỉ Tết, nhiều công nhân thuộc các khu công nghiệp ở Bình Dương lại tất tả trở lại nơi làm việc. Họ mang theo những nỗi lo cơm áo gạo tiền chưa từng thôi đeo bám. 

Vừa bước xuống xe sau kỳ nghỉ Tết ở quê, với vẻ mệt mỏi anh Nguyễn Tiến Linh (30 tuổi, quê Nghệ An) làm việc tại một công ty đóng trên địa bàn TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) chia sẻ, trước tết anh tính ở lại chứ không về quê. Thế nhưng, thấy mọi người đua nhau về, người thân liên tục gọi điện hỏi tết có về không, khiến anh thay đổi ý định. “Về thì vui lắm. Đến ngày chuẩn bị rời quê, hàng loạt buồn phiền, lo âu kéo đến. Nào là công việc năm mới thế nào, tiền lương ra sao, tiền đâu để trả nhà trọ tháng đầu năm, tiền ăn tới đây thế nào… khiến đầu óc cứ rối lên”, anh Linh thở dài.

Chị Bùi Tuyết Mai (27 tuổi, quê Nam Định) làm việc tại KCN Sóng Thần (Bình Dương) nói: “Tiết kiệm lương tháng cuối của năm, em mua vé xe và mang về quê tiêu tết. Với số tiền ít ỏi, em không dám mua sắm gì, phải dành tiền mua vé xe vào làm trở lại. Bước lên xe rời quê với vỏn vẹn vài trăm ngàn trong túi. Em đang nghĩ đến việc vào đến nơi sẽ vay mượn bạn bè trả tiền nhà trọ và để ăn uống chờ lương. Tết vào đây, tụi em hay nói vui “vui 3 ngày, khổ vạn ngày”.

Tâm sự người ở lại

Tết đến, người lao động xa quê ai cũng muốn được về với gia đình. Thế nhưng, cũng vì “cơm áo gạo tiền” mà không ít người chọn ở lại làm thêm.

“Thấy mọi người đua nhau về quê, tôi thích lắm chứ. Có lúc tôi chợt rơi nước mắt vì thấy tủi thân và nhớ cha mẹ. Thế nhưng, tôi tự trấn an mình bằng những suy nghĩ tích cực hơn. Tôi biết, nếu ở lại làm việc sẽ có thu nhập cao hơn ngày thường, trong khi chẳng lo tiền trọ, tiền ăn sau mỗi lần về quê ăn Tết trở lại. Là công nhân xa quê, ai cũng có nỗi khổ riêng. Người về quê ăn Tết, người ở lại đất khách được cái này sẽ mất cái khác, chẳng ai vẹn toàn cả”, anh Trần Văn Sơn (quê Thái Bình) làm việc tại Bình Dương chia sẻ.

'Ba ngày vui Tết, khổ vạn ngày' ảnh 1 Anh Trần Văn  Sơn tâm sự về hoàn cảnh của mình

Theo lời anh Sơn, một số đồng nghiệp ở lại làm việc không về quê ăn Tết đều mong muốn tăng ca để kiếm tiền. Dù vậy, do sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân nên lãnh đạo công ty không chấp thuận. Anh Nguyễn Minh (quê Đắk Lắk) làm việc tại Bình Dương nói: “Mấy năm nay tôi không về quê ăn tết. Tôi ở lại làm việc vì không muốn rơi vào cảnh bế tắc tiền bạc sau Tết. Tôi còn nhớ cách đây 4 năm, sau Tết, tôi rời quê với 2 bàn tay trắng. Lúc đó, tôi phải đi vay tín dụng đen để trả tiền trọ và tiêu xài. Lương nhận được sau đó phải trả nợ mãi rồi cứ âm lương cho đến hết năm”.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2019 có khoảng 100.000 lao động ở lại Bình Dương ăn Tết và làm việc. Do đó, cơ quan chức năng đã yêu cầu các cấp công đoàn tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, tất niên… để chăm sóc tinh thần cho công nhân, người lao động xa quê. Trong khi đó, khoảng 20.000 công nhân, người lao động đươc doanh nghiệp tổ chức xe đưa đón về quê ăn Tết. Ngoài ra, vào ngày 26 tết, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ xuất phát “Chuyến xe xuân nghĩa tình” tặng 5.000 vé xe cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).