Mưa trái mùa và áp thấp đầu tiên:

Ba người chết, hàng ngàn học sinh nghỉ học

Ba người chết, hàng ngàn học sinh nghỉ học
TP - Trận áp thấp nhiệt đới được đánh giá là bất thường trong nhiều năm qua.  Áp thấp không dai dẳng nhưng cơn mưa trái mùa do nó gây ra khiến có nơi như vớ được vàng nhưng nhiều nơi trở tay không kịp.

Áp thấp làm ba người chết, hai nhà bị sóng cuốn trôi xuống biển, hàng ngàn học sinh phải nghỉ học, hàng trăm hécta muối tiêu tan, nhiều trang trại điều có nguy cơ mất trắng… Thiệt hại sơ chỉ của một huyện miền Trung đã là 4,5 tỷ đồng.

Ba người chết, hàng ngàn học sinh nghỉ học ảnh 1
Cây tùng đổ chắn ngang đường

Bình Thuận: Ba người chết, nhiều tàu thuyền chìm

Đến chiều 20-1, lực lượng cứu hộ của tỉnh đã vớt được thi thể 3 nạn nhân bị sóng cuốn trôi rạng sáng 20-1, khi đang chèo thúng vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới. Nạn nhân là anh Trần Yên (37 tuổi ở huyện Phú Quý); anh Nguyễn Minh Hậu (45 tuổi ở phường Thanh Hải- thành phố Phan Thiết) và ông Lê Văn Trung (55 tuổi ở xã Chí Công- Tuy Phong).

Từ năm 2006 đến nay thường xuất hiện áp thấp nhiệt đới sớm so với trung bình nhiều năm trước đó.

Tuy nhiên, khác với đợt áp thấp trước, đợt áp thấp đầu năm 2010 phát triển nhanh thành áp thấp nhiệt đới, không những không tan ngay ở nam Biển Đông như mọi khi mà còn di chuyển khá dài, gây mưa lớn trên đất liền.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương

Chính quyền các địa phương đã thăm và hỗ trợ chi phí mai táng cho gia đình các nạn nhân này. Lực lượng cứu hộ cứu sống hai nạn nhân khác bị sóng cuốn trôi.

Áp thấp nhiệt đới đã gây mưa to và gió giật trên cấp 7 liên tục từ chiều ngày 19 đến trưa 20-1. Toàn tỉnh có 68 tàu thuyền công suất từ 20-45CVcùng 16 thuyền thúng của ngư dân các huyện Phú Quý, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam, huyện Tuy Phong đang neo đậu bị sóng đánh chìm.

Chính quyền cùng bộ đội biên phòng đã hỗ trợ bà con trục vớt tàu thuyền bị nạn lên bờ nhưng vẫn còn một tàu 45 CV của ngư dân xã Long Hải - Phú Quý bị kẹt vào gành đá. Nhiều tàu thuyền khác đang neo đậu tại các khu tránh bão, cửa sông cũng bị hỏng do va đập vì sóng và gió lớn. Ước thiệt hại ban đầu về tàu thuyền gần 4,5 tỷ đồng.

Đến chiều cùng ngày, tỉnh Bình Thuận còn 1.089 chiếc/4.447 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 76 tàu với 801 lao động đang  đánh bắt xa bờ.

Huyện đảo Phú Quý bị cô lập từ hơn 10 ngày qua do biển động, 5 tàu vận chuyển hành khách, lương thực tuyến Phan Thiết- Phú Quý bị kẹt tại hai đầu bến.

Tại thành phố Phan thiết, từ nhiều ngày qua, hàng trăm nhà dân khu phố 5, phường Đức Long phải chống chọi với triều cường, đã có 2 nhà dân bị sóng cuốn trôi xuống biển.

TPHCM: Mưa, gia tăng người nhập viện

Chỉ hôm qua, 20-1, tại hai Bệnh viện Nhi đồng 1-2, hơn 8.000 trẻ đến thăm khám và nhập viện điều trị các bệnh do chuyển đổi thời tiết như hô hấp, tiêu chảy, cảm cúm…

Theo bác sĩ Vũ Quang Vinh- Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp- BV Nhi đồng 2, bắt đầu từ một tuần nay khi thời tiết chuyển sang lạnh và mưa, số lượng bệnh nhi bị các bệnh về tiêu chảy, viêm phế quản và cảm cúm thông thường gia tăng nhanh chóng.

Tại khoa Tiêu hóa ngày 20-1, hơn 150 trẻ nhập viện điều trị trong khi nơi đây chỉ có 100 giường. Tại hai khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1-2, hai ngày qua đã có hơn 300 trẻ nhập viện điều trị căn bệnh này.

Trong khi đó, theo báo cáo của Phòng Kế hoạch tổng hợp- BV Thống Nhất TPHCM, ngày 20-1, số bệnh nhân lớn tuổi mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, viêm phế quản và bệnh về cơ xương khớp cũng tăng mạnh. Tại BV Thống Nhất, hai ngày qua, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 200-220 bệnh nhân đến thăm khám, trong khi bình thường, chỉ 100-130 trường hợp. 

Bác sĩ Nguyễn Đại Biên - Trưởng khoa Khoa khám bệnh - BV Nhân dân 115 ngày 20-1 cho biết, mấy ngày trời mưa lạnh vừa qua, nơi đây trung bình mỗi ngày đón tiếp hơn 900 bệnh nhân đến thăm khám và nhập viện điều trị.

Để phòng bệnh mùa lạnh cho trẻ các bác sĩ khuyên phụ huynh nên mặc ấm cho trẻ, tắm cho trẻ cần đầy đủ nước ấm và tránh gió. Đối với trẻ bị tiêu chảy, nên cho cháu đi khám bệnh để biết nguyên nhân, không tự mua thuốc điều trị cho trẻ rất nguy hiểm. Ngoài ra cần có chế độ ăn thích hợp trong những ngày bị tiêu chảy như ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đủ chất dinh dưỡng. 

Lâm Đồng: Hàng ngàn học sinh nghỉ học

Tại huyện Di Linh, gió giật mạnh cấp 6, cấp 7 gây mất điện toàn xã Gia Bắc, tốc mái nhiều nhà dân ở thôn Bồ Bê... Phòng GD – ĐT huyện Di Linh đã cho hàng ngàn học sinh các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS ở Gia Bắc nghỉ học. 

Mưa lớn, gió mạnh kéo dài suốt hai ngày qua khiến hàng loạt cây xanh ngã đổ, gãy cành gây ách tắc giao thông ở nhiều tuyến đường. Tại đường Yên Thế (Đà Lạt), một cây thông cổ thụ bất ngờ đổ ập chắn ngang đường vào trụ sở của nhiều cơ quan nhà nước khiến cán bộ CNV đến công sở muộn.

Ở tuyến phố Bà Huyện Thanh Quan (Đà Lạt), một cây tùng già đường kính 80cm, cao gần 20 m cũng đổ xuống đường nên xe cộ phải chuyển hướng lưu thông sang các tuyến đường khác.

Bạc Liêu: Cấm tàu cá ra khơi, thông báo vùng nguy hiểm

Ngày 20-1, ông Lương Ngọc Lân, Phó GĐ Sở NN- PTNT Bạc Liêu cho biết, ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết, cấm tàu cá ra khơi tại thời điểm này và hướng dẫn tàu đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Chiều 20-1, tỉnh Bạc Liêu liên lạc được 400 tàu cá hoạt động trên biển, với 3.297 ngư phủ. Trong đó, có 315 tàu đánh bắt xa bờ, với 3.174 thuyền viên.

Bến Tre: Diêm dân thiệt hại nặng

Mưa không lớn nhưng kéo dài suốt từ ngày 19-1 đến chiều 20-1 đã gây  thiệt hại nặng nề, diêm dân gần như mất trắng số muối gần đến ngày thu hoạch.

Ở xã Thạnh Phước huyện Bình Đại tổng diện tích muối 350 ha bị thiệt hại sản lượng khoảng 50%. Tại xã Bảo Thuận huyện Ba Tri mất khoảng 130 tấn muối (tương đương 170 triệu đồng).

Mưa dầm làm giảm năng suất hàng nghìn ha hoa màu, vườn cây đang trổ hoa, lúa đang gieo sạ. Đặc biệt là những loại hoa chuẩn bị bán dịp Tết bị thiệt hại nặng, hàng ngàn gốc mai vàng đã trổ hoa do những cơn mưa bất thường, gây thất thu lớn.

Nghệ nhân Trần Minh Tuấn, chủ vườn hoa lan Kim Tuấn cho biết, vườn hoa lan của ông mau tàn và màu sắc của hoa bị lem, hoa xấu hẳn đi.

Ông Nguyễn Văn Thành chủ tịch hội sinh vật cảnh Bến Tre, cho biết nước mưa rả rích dội vào hoa cúc làm thối hoa. Chỉ riêng xã Long Thới (Chợ Lách, Bến Tre) có khoảng 1.000 giỏ hoa cúc bị thối (bình quân trồng 5.000 giỏ hoa thì bị nước mưa làm thối khoảng 1.000 giỏ).

Tây Nguyên: Mưa vàng

Khác với nhiều tỉnh miền biển bị thiệt hại nặng nề do áp thấp nhiệt đới, đối với các tỉnh Tây Nguyên, những cơn mưa trái mùa trong 3 ngày qua đem lại nhiều thuận lợi cho sản xuất, làm dịu cơn khát giữa mùa khô cho hầu hết các loại cây trồng.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên và Trung tâm KTTV từng tỉnh trên khu vực đều ghi nhận mưa phủ tương đối đều trên diện rộng. Lượng mưa khá nhất đo được 80-100mm ở 3 huyện phía Đông tỉnh Đăk Lăk là M’đrăk, Ea Kar, Krông Bông.

Kỹ sư Nguyễn Quyền giám đốc nhà máy điện tư nhân Krông Hin đặt trên địa bàn huyện M’Đrăk cho biết nhờ có mưa, lượng nước dồi dào nên mấy ngày qua nhà máy điện vận hành hết công suất thiết kế thay vì chỉ chạy được nửa ngày so với trước đó.

Kon Tum mưa không đáng kể nhưng vùng trung tâm tỉnh Đăk Lăk, các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, Đăk Nông và Đông Bắc tỉnh Lâm Đồng lượng mưa khá, phổ biến ở mức 20-60mm.

Đối với các doanh nghiệp và nông dân trồng cà phê khắp khu vực, đợt mưa này giúp đợt hoa cuối bung đều hứa hẹn sai quả, đỡ cho một lần tưới tổng trị giá ước hàng trăm tỉ đồng. Những con đường đất đỏ cũng đỡ lầm bụi. Tuy nhiên, tại các công ty và nông trại trồng điều, mưa trái mùa do áp thấp có thể dẫn đến mất trắng về sản lượng vụ tới vì sẽ làm thối toàn bộ hoa đã nở.

MỚI - NÓNG