Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: ‘Tiếp xúc cử tri lần này đau lòng lắm!’

TPO - Sáng 10/7, thảo luận tại nghị trường kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM nói về vụ Thủ Thiêm, vụ cưỡng chế nhà xây trái phép ở huyện Bình Chánh…và chia sẻ tiếp xúc cử tri lần này bà cảm thấy rất đau lòng…

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm kiến nghị HĐND TPHCM nên tập trung giám sát công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân. Bà Tâm nói: "Hiện nay có tình trạng giải quyết khiếu nại không đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người dân. Các cơ quan giải quyết khiếu nại chỉ ra văn bản thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, không còn ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Có thông báo gửi cho dân nội dung chỉ vỏn vẹn “đang xem xét, giải quyết khiếu nại...”

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm trăn trở: Ở Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (quận 2), người dân khiếu nại nhiều vấn đề khác, thời gian khiếu nại kéo dài hàng chục năm chứ không phải chỉ khu 4,3 ha. Bà Tâm dẫn chứng: Đơn cử như vấn đề người dân khiếu nại là 5 khu phố thuộc 3 phường ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm. Đúng, sai thế nào thì phải làm rõ và trả lời cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: ‘Tiếp xúc cử tri lần này đau lòng lắm!’ ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

“Người dân Thủ Thiêm còn khiếu nại gì? Kiểm đếm, lập hồ sơ đền bù hay những vấn đề khác như tái định cư chứ không chỉ khiếu nại chính sách đền bù. HĐND TPHCM có thể giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo để giải quyết bức xúc cho người dân”, bà Tâm đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết có nhiều cử tri nhắn tin cho bà nhiều năm nay. Như trường hợp một cử tri tên Nam ở huyện Bình Chánh bị UBND TPHCM bác đơn khiếu nại nhưng kiện ra tòa thì thắng kiện. Bà chia sẻ thêm: “Tôi có trao đổi với anh Hoan (Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan – PV). Bây giờ thành phố phải giải quyết bồi thường cho người ta. Mà, dự án này đã quyết toán rồi thì lấy nguồn nào để trả”.

“Lần này tiếp xúc cử tri, đau lòng lắm. Chính quyền phải có chương trình nhà ở cho người nghèo. Đầu nậu tích trữ đất, xây nhà trái phép. Chính quyền buông lỏng quản lý. Cán bộ tiếp tay… Người dân không nắm quy định pháp luật, có thể ham rẻ vì bà con nghèo quá. Bây giờ chính quyền cưỡng chế ai? Rõ ràng là cưỡng chế nhà người dân đã mua. Người dân lãnh đủ. Không có tiền họ mới mua nhà xây trái phép để có chỗ chui ra, chui vào; bây giờ cưỡng chế, họ sẽ ở đâu”, bà Tâm trăn trở.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: ‘Tiếp xúc cử tri lần này đau lòng lắm!’ ảnh 2 Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp xúc cử tri quận 2, tiếp nhận đơn thư khiếu nại của người dân trước kỳ họp

Nói về chính sách giải quyết bồi thường, tái định cư bổ sung cho người dân khu 4,39 ha ở Thủ Thiêm, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt nói kể từ khi HĐND TPHCM có nghị quyết, UBND TPHCM đã ban hành tổng cộng 16 văn bản, UBND Quận 2 có khoảng 18 văn bản và Thường trực HĐND TPHCM đã có 3 cuộc giám sát chuyên đề.

“Tuy nhiên, Nghị quyết HĐND TPHCM đã ban hành cách đây 9 tháng. Chính sách bồi thường, tái định cư cho người dân vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị UBND TPHCM khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải quyết để người dân sớm ổn định cuộc sống”, đại biểu Nhựt kiến nghị.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm, tình trạng xây dựng trái phép ở huyện Bình Chánh, tháng 5 vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ sai phạm và đầu nậu; lập danh sách và tiến hành xử lý 38 đầu nậu thu gom đất nông nghiệp, tổ chức xây nhà trái phép.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: ‘Tiếp xúc cử tri lần này đau lòng lắm!’ ảnh 3 Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm

“Đến thời điểm này công an huyện Bình Chánh đã xử lý hình sự ai chưa?”, bà Trâm hỏi.

Trước đó, tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 40 ngày 6/10/2019 của HĐND TPHCM về chủ trương xây dựng chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất khoảng 4,39 ha thuộc khu phố 1 (phường Bình An, quận 2).

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu đất 4,39 ha nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Vì vậy, HĐND TPHCM thông qua chủ trương xây dựng chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân có nhà, đất trong khu đất nói trên.

Cụ thể: UBND TPHCM phê duyệt hệ số hoán đổi để tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đơn giá đất tại các khu tái định cư. Đây là căn cứ tính bù trừ chênh lệch diện tích hoặc giải quyết chi bằng tiền cho người dân ở khu đất 4,39 ha. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng phê duyệt chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các trường hợp bị thu hồi đất trong phần diện tích 4,39ha.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: ‘Tiếp xúc cử tri lần này đau lòng lắm!’ ảnh 4 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm

Về việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật để phân lô nền đất tái định cư, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết thành phố đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000. Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng KĐTM Thủ Thiêm đã phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ 1/500 của 23 lô đất thuộc Khu chức năng số 7 trong KĐTM Thủ Thiêm và 2 lô đất thuộc khu đô thị chỉnh trang 294,6ha nằm kế cận KĐTM Thủ Thiêm. Đây là cơ sở bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc khu đất 4.

Ông Lê Thanh Liêm khẳng định, các chính sách cũng như bảng chiết tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất đã được công khai trong tháng 6/2020. Các đơn vị liên quan đang tiếp tục tiếp xúc, vận động, hiệp thương từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 7/2020.

Dự kiến trong tháng 8/2020, TPHCM sẽ xử xử lý, hoàn tất toàn bộ hồ sơ và ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với từng trường hợp. “Trong tháng 9-2020, thành phố sẽ hoàn tất công tác bàn giao nền đất, căn hộ chung cư và chi trả bổ sung bằng tiền cho các hộ gia đình, cá nhân liên quan”, ông Liêm cam kết.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.