Bà Rịa-Vũng Tàu: An toàn thực phẩm bỏ ngỏ!

Bà Rịa-Vũng Tàu: An toàn thực phẩm bỏ ngỏ!
Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu đang nổi lên như một thành phố công nghiệp. Tuy nhiên năm 2005, mới chỉ tính đến đầu tháng 12/2005, Tân Thành đã xảy ra 157 ca ngộ độc thực phẩm.
Bà Rịa-Vũng Tàu: An toàn thực phẩm bỏ ngỏ! ảnh 1
Một quán cơm bình dân ở Tân Thành

Trong số các vụ ngộ độc thực phẩm, điển hình là vụ xảy ra tại bếp ăn tập thể của Cty Premer Asia (KCN Mỹ Xuân A2) làm 58 người bị ngộ độc phải cấp cứu tại bệnh viện.

Một vụ khác xảy ra tại bếp ăn tập thể nhà máy sản xuất ốc vít (KCN Mỹ Xuân A2) làm 22 người bị ngộ độc, và vụ 15 người ngộ độc tại nhà máy sản xuất giấy Mỹ Xuân. Rất may là chưa có ca nào tử vong.

Dùng cả thuốc diệt chuột phun trái cây

Hiện tại ở các chợ và ngay tại các tụ điểm dân cư trên địa bàn Tân Thành bày bán các loại trái cây rất phong phú. Thế nhưng độ an toàn của các loại trái cây này vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, nhiều loại chưa được kiểm định.

Ngay từ khi còn non, nhiều trái cây đã được nhà vườn phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột. Ngoài ra, những thứ thuốc xịt làm cho trái cây láng bóng, mịn màng, bắt mắt cũng là những thứ hoá chất độc hại.

Về rau xanh thì hiện nay, ở huyện Tân Thành mới chỉ có 13 tổ sản xuất rau an toàn tại các xã: Tân Hải, Phước Hoà, Châu Pha với diện tích 57,5 ha, sản lượng 11.500 tấn/năm, đáp ứng được 20% nhu cầu thị trường trong huyện và chưa có cửa hàng rau an toàn.

Còn lại số rau bày bán tại các chợ hầu như chưa kiểm soát được. Thực tế cho thấy, người trồng rau thường sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng có độc tính cao như Clo hữu cơ, lân hữu cơ nằm trong danh mục cấm sử dụng.

Để rau xanh tốt, tươi non có màu xanh bắt mắt, gần đến ngày thu hoạch họ thường bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu, cá biệt có hộ dân còn dùng nước thải công nghiệp để tưới rau do thiếu nước tưới và sử dụng phân rác, phân chuồng phân bắc còn tươi để bón cho rau.

Vì vậy đến nay, chưa thể thống kê hết được số ca ngộ độc rau xanh vì đa số các ca ngộ độc rau xanh mới chỉ có biểu hiện nhẹ như tiêu chảy, ăn không tiêu, đau bụng, nôn mửa, người bị ngộ độc không đến các bệnh viện, mà tự chữa trị tại nhà.

Không chỉ có trái cây, rau quả, các thực phẩm tươi sống như thịt, cá cũng rất đáng lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tân Thành hiện có khoảng 10 chợ cố định, ngoài ra còn có các chợ di động, và hàng trăm hàng quán bày bán tại các khu dân cư.

Tại các chợ, khu vực bán thực phẩm tươi sống, tôm cá, gà, vịt, thịt heo… luôn rất bẩn thỉu, không đảm bảo vệ sinh.

Không phải ngày nào những mặt hàng tươi sống ở chợ cũng đều bán hết, chuyện ế thừa là chuyện “thường ngày ở chợ”. Những con gà, vịt làm sẵn, những tảng thịt heo, thịt bò… muốn để lại ngày hôm sau, hầu như lại được xử lý bằng những hoá chất độc hại, nếu không thì cũng ôi thiu…

Trong năm 2005, đoàn kiểm tra liên ngành của Tân Thành đã tổ chức thanh kiểm tra 184 cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm và đã phát hiện 46 cơ sở vi phạm.

Ngoài những lần kiểm tra thì số ngày còn lại không ai dám chắc chắn rằng các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm ở đây không vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm?

MỚI - NÓNG