Ba thế hệ, một khát khao đòi lại Hoàng Sa

Hai nhân chứng Hoàng Sa gặp lại nhau. Ảnh: Nam Cường
Hai nhân chứng Hoàng Sa gặp lại nhau. Ảnh: Nam Cường
TP - Ngày 19/1, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) tổ chức gặp gỡ các nhân chứng bảo vệ Hoàng Sa một thời và những phóng viên có mặt tại hiện trường vùng biển Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tháng 5 đến 7/2014. Cách đây tròn 41 năm (19/1/1974), Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.

“41 năm, vẫn còn đó những nỗi đau mất mát, qua những gì tôi chứng kiến từ lớp trẻ, tôi tin chắc chắn rằng, chúng ta sẽ đòi lại Hoàng Sa” - ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, nói.

Ba thế hệ, một khát khao

Ông Lê Đình Rê ngồi trầm ngâm trước giờ gặp mặt. Ông đến rất sớm, như không tin được rằng, sẽ có một buổi giao lưu đầm ấm, đầy hào khí của những nhân chứng Hoàng Sa, thế hệ cũ và mới.

Cầm tập tài liệu mà báo Tiền Phong viết về mình (trong loạt phóng sự “Hoàng Sa, những ngày chưa xa”), Thiếu tá quân đội Việt Nam Cộng hòa Lê Đình Rê, thuyền trưởng tàu QV 9708. (Con tàu ra cứu hộ các tàu bị nạn sau hải chiến), xúc động nói: “Trong tâm trí tôi, ngày 19/1 của hơn 40 năm trước như vẫn còn sống động, in hằn. Cả đời này, tôi không bao giờ quên được”.

Thiếu tá Rê kể, chiều 19/1/1974, tàu QV 9708 nhận lệnh ra Hoàng Sa cứu nạn, đạp sóng hơn 6 tiếng để tiếp cận chiến hạm HQ-4 trên đường vào đất liền, vài tiếng sau, ông Rê gặp HQ-5, gần trưa, tiếp tục tiếp cận chiếc HQ-16. Các tàu đều bị dính đạn pháo, nghiêng mạn, được tàu cứu hộ, quân vận lai dắt, hộ tống vào bờ an toàn.

“Nhìn những con tàu bị thương, nhìn anh em mà lòng đau như cắt. Nỗi đau đó vẫn dai dẳng với tôi 40 năm qua. Bây giờ tuổi đã già, sức đã yếu, nhưng nếu có làm được gì hữu ích để đòi lại Hoàng Sa, tôi xin nguyện hết mình”, ông Rê nói.

Ông Nguyễn Văn Cúc (60 tuổi, ở Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng), đơn vị công binh kiến tạo thuộc quân đội Việt Nam Cộng hòa, người có mặt trên đảo Hoàng Sa ngày xảy ra hải chiến, xúc động: “Hơn 40 năm qua, cũng như tất cả các anh em, nhân chứng từng sống, chiến đấu ở Hoàng Sa, ai cũng đau đáu một nỗi niềm. Đó là khát khao được quay lại Hoàng Sa. Đứng trên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình. Với chúng tôi, Hoàng Sa chưa bao giờ mất”.

Ngày 19/1/1974 là lần thứ 3 Trung sĩ Cúc ra đảo. Kết thúc công việc lấy mẫu đất, khảo sát để xây dựng sân bay, ngày 18/1/1974, Trung sĩ Cúc lên tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ - 16 để chuẩn bị vào đất liền. Chưa kịp xuất phát, tàu bất ngờ đụng tàu chiến Trung Quốc đang cố tình vây ráp, xâm chiếm đảo.

Ông Cúc nói với Tiền Phong: “Những ngày tháng Năm vừa rồi, qua thông tin báo đài, được biết có nhiều phóng viên, nhà báo ra Hoàng Sa, tường thuật chi tiết vụ hạ đặt giàn khoan trái phép, là những người lính, chúng tôi rất tự hào và khâm phục. Thấy các phóng viên không quản ngại, xông pha, tôi tin tưởng, hào khí yêu nước, tinh thần dân tộc của chúng ta không bao giờ mất. Hoàng Sa chắc chắn sẽ đòi lại được”.

Buổi gặp gỡ lặng phắc, nghe nhà báo Trần Tuấn, Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung, một trong nhiều nhà báo có mặt ở Hoàng Sa năm ngoái, tường thuật những điều mắt thấy tai nghe, sự hung hãn, ngang ngược bất chấp đạo lý của các tàu Trung Quốc.

Ông Đặng Công Ngữ kể về những bức thư cảm động của các em học sinh khi viết về Hoàng Sa. Ông nói không thể ngờ các em tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã có những cảm nhận sâu sắc, xúc động và hào hùng về Hoàng Sa.

“Hôm nay, kể cả các em nữa là ba thế hệ, từ các nhân chứng có mặt Hoàng Sa 40 năm trước, các nhà báo và đến những em học sinh, và triệu triệu người Việt Nam cùng chung một khát khao đòi lại những gì đã mất, đó là Hoàng Sa máu thịt”, ông Ngữ nói.

Tài liệu mới về Hoàng Sa

Ba thế hệ, một khát khao đòi lại Hoàng Sa ảnh 1

Ông Rê trên con tàu QV 9708 (tư liệu)

Ông Ngữ kể rằng, ông vô cùng bất ngờ vì trong cuộc thi học sinh viết về Hoàng Sa, Ban giám khảo đã phải thay đổi kịch bản ban đầu vì nhận được hơn 8 ngàn bức thư của các em. Mỗi bức thư là một tình cảm xúc động, thiêng liêng về Hoàng Sa.

Ông nói: “Lòng yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất các em là vô cùng đáng trân trọng. Nhìn những bức thư, tôi vô cùng tin tưởng vào tương lai, dân tộc ta sẽ đòi lại được Hoàng Sa”.

Ông Ngữ lưu ý, vấn đề là biết cách khơi gợi lòng yêu nước như thế nào. Quan trọng hơn, câu chuyện đòi lại Hoàng Sa giờ đây, ngoài tuyên truyền còn phải thu thập và đấu tranh mạnh mẽ trên phương diện pháp lý.

“Tôi nói thật, những năm làm Chủ tịch huyện Hoàng Sa, vẫn còn nhiều điều tâm huyết nhưng chưa thể làm được cho Hoàng Sa. Nhiều lúc tôi thấy thẹn với chính mình. Nhưng thế hệ chúng ta bây giờ đã khác. Nhất thiết phải đòi lại Hoàng Sa”, ông Ngữ nói.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - Xã hội Đà Nẵng), năm 2014 phải gọi là năm mà Đà Nẵng tiên phong trên mặt trận đấu tranh bảo vệ tổ quốc khi có hàng trăm nhà báo, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân… cùng xuất phát từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa.

TS Sơn, người có nhiều nghiên cứu, sưu tầm bản đồ và các chứng cứ pháp lý để đòi lại Hoàng Sa, cho biết sắp cho ra mắt một bộ phim 5 tập về lịch sử chủ quyền Hoàng Sa - biển Đông mà ông viết kịch bản, làm cố vấn, quay tại 13 nước với hàng trăm cuộc phỏng vấn.

“Đây sẽ là một tài liệu quan trọng, chưa bao giờ có để chúng ta tiến thêm một bước trong hành trình đòi lại Hoàng Sa” - TS Sơn nói. Nhắc về ngày 19/1/1974, TS James Kraska (Đại học Hải chiến Mỹ) nói rằng, theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, sau năm 1945, đánh chiếm không phải là biện pháp hợp pháp để giành được lãnh thổ. Do đó, việc chiếm đóng quân sự của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 không có hiệu lực pháp lý.

“Trung Quốc đã không hoàn thành bất kỳ một yêu sách nào thông qua 5 biện pháp tạo nên danh nghĩa pháp lý. Các tiêu chí chiếm hữu lãnh thổ bằng hòa bình, công khai và không gián đoạn đều không được Trung Quốc thực hiện”, TS Kraska nói.

UBND huyện Hoàng Sa hôm qua khen thưởng 18 cá nhân và 27 nhà báo tích cực phối hợp, hỗ trợ hoạt động của UBND huyện; tham gia tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Báo Tiền phong có 2 cá nhân được khen thưởng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.