"Bác để lại cho ta tất cả: Bác Hồ”

"Bác để lại cho ta tất cả: Bác Hồ”
TP - Trong “Trường ca Bác” nhà thơ Lê Đạt viết: “Bác để lại cho ta/ “muôn vàn thân yêu” tình đồng chí/ Bác để lại cho ta/ hơn-toàn thể chúng ta...”.

Những ai có may mắn đến thăm khu di tích Đá Chông hẳn sẽ không quên được một vùng non xanh nước biếc, trước kia mang mật danh K9, sau này là K84, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc (1960 – 1969).

Sau ngày Bác đi xa, cũng tại đây từ 1969 đến 1975, các chiến sĩ bộ đội đã thay mặt nhân dân cả nước “canh giấc ngủ cho Người” trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ.

Lớp Cao cấp lý luận chính trị K14 – Bộ Xây dựng vinh dự được tới thăm khu di tích lịch sử này một ngày cuối năm 2008. Con đường nhựa mịn màng uốn quanh hồ nước dẫn đến Nhà Tưởng niệm Bác Hồ. Khắp nơi cây cối mướt xanh, không gian thanh sạch lạ lùng, lòng người bỗng trở nên trong sáng hơn.

Người chiến sĩ trẻ có khuôn mặt thanh tú hướng dẫn chúng tôi dâng hương lên bàn thờ Bác trước khi đi thăm khu nhà làm việc. Chỉ con đường, anh  giải thích: Bác yêu cầu không làm đường lát gạch mà rải đá cuội để bảo đảm an ninh, có thể dễ dàng phát hiện thú dữ hay người lạ đột nhập vào. Con đường này cũng là nơi Bác tập đi bộ rèn luyện sức khỏe, với ý định có ngày sẽ vượt núi Trường Sơn vào thăm đồng bào miền Nam…

Những viên sỏi kia, hẳn từng in dấu chân Người.

Nhà làm việc được thiết kế mô phỏng theo nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, tầng một làm phòng họp của Trung ương, tầng hai là nơi nghỉ và làm việc của Bác. Nhìn những chiếc giường đơn sơ, trong lòng chúng tôi chợt thấy rưng rưng. Khu bếp, phòng ăn vẫn được bày biện như mấy mươi năm trước, ghế mây đan, bàn gỗ, sạch sẽ và vô cùng giản dị.

Chúng tôi nối bước quanh những hòn Đá Chông rêu phủ xanh mờ - địa danh đã đi vào lịch sử. Hơn 50 năm trước, trong một lần đi kiểm tra bộ đội diễn tập, Bác Hồ đã nghỉ chân ăn cơm trưa gần ba hòn đá nhọn như những cây chông, lưỡi mác hướng lên trời xanh. Nhận ra vị trí chiến lược của vùng đất nằm ngay dưới chân núi Ba Vì, một bên là dòng sông Đà, Bác đã chọn đây làm căn cứ của Trung ương trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh.

Cách hòn Đá Chông không xa là khu nhà để 3 chiếc xe đặc biệt. Một chiếc xe UAZ cứu thương biển số FH-1468, một xe ZIL 130 biển số 470-189 và một xe PAZ được cải tiến thành xe lội nước. Từ tháng 12/1969 di hài của Bác được đưa lên căn cứ Đá Chông. Những chiếc xe này đã nhiều lần vận chuyển an toàn di hài của Bác từ Hà Nội lên đây và ngược lại trong điều kiện chiến tranh và thời tiết đặc biệt. Riêng chiếc xe lội nước từng một lần được dùng để thực hiện nhiệm vụ vượt sông. Chiến sĩ hướng dẫn cho biết: Hiện cả ba xe vẫn được bảo dưỡng thường xuyên và ở tình trạng hoạt động tốt!

Chúng tôi đứng lặng trước khu nhà bên trên có hàng số 1969. “Ngôi nhà kính” được xây để bảo quản di hài của Bác. Tại nơi này, các viện sĩ, nhà khoa học nổi tiếng của Liên Xô đã miệt mài làm việc cùng các bạn Việt Nam để gìn giữ di hài của Bác cho các thế hệ mai sau. Họ đã có những đóng góp quan trọng về chuyên môn, giúp các chuyên gia của ta tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị phục vụ cho việc viếng Bác thường xuyên khi đưa Người về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ ngoài hành lang, có thể quan sát thấy chiếc hòm kính ngày xưa Bác nằm. Nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Khu di tích Đá Chông rộng 234 ha, có hai hồ nước rộng, phần lớn diện tích là đồi rừng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 70 km, nằm ở huyện Ba Vì (Hà Tây cũ), thuộc sự quản lý của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 2000 khu di tích này bắt đầu mở cửa cho khách tham quan với sự cho phép và quản lý của Bộ Tư lệnh Lăng.

Đá Chông là khu di tích có ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt. Đây là nơi Bác từng nhiều năm làm việc, cũng là nơi gìn giữ những gì Bác để lại cho chúng ta trước lúc đi xa.

“BÁC để lại/ cho ta/ một canh cánh thiết tha thống nhất/ Một quyết tâm/ “to đẹp đàng hoàng”

Bác để lại/ cho ta/ tất cả

BÁC HỒ/ Ôi! Đến cả hình hài

BÁC/ cũng chẳng mang đi…” (1)

Ở khu di tích Đá Chông các điều kiện kỹ thuật, hậu cần, bảo vệ vẫn được duy trì như ngày trước để sẵn sàng nhận nhiệm vụ là nơi dự bị bảo quản di hài của Bác.

Đây cũng là một khu thắng cảnh đẹp, một địa chỉ để du khách và người dân bày tỏ lòng thành kính và biết ơn Bác Hồ kính yêu:

“Người
hiện đại
ca dao
lịch sự
đi
vào
lịch sử
“Nào… Kết đoàn…các chú”…

Mục
HỒ CHÍ MINH
tập Đại toàn thư lịch sử
Chỉ cần ghi hai chữ
“BÁC HỒ”.

Một mùa xuân mới sắp về. Sinh thời, Bác thường có thơ Xuân chúc mừng và giao nhiệm vụ cho đồng bào và chiến sĩ cả nước. Hình ảnh:

“Ông già Giao thừa
râu phơ phất 
ngưỡng xuân…
Túi kẹo
túi vần tươi
 Mừng tuổi”

Như ngày nào vẫn mang lại cho chúng ta một niềm tin vững vàng, một chỗ dựa và một chí hướng kiên định sẵn sàng đón nhận và vượt qua mọi thử thách bằng bản lĩnh đã được tôi luyện trong suốt chiều dài lịch sự của dân tộc: bản lĩnh Việt Nam. 

(1) Những câu thơ  in nghiêng trong bài viết này trích từ “Trường ca Bác” của nhà thơ Lê Đạt. 

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.