Bắc Giang: Kỳ thi tuyển cán bộ công chức có khách quan, trung thực?

Bắc Giang: Kỳ thi tuyển cán bộ công chức có khách quan, trung thực?
Kết quả của kỳ thi này có khách quan trung thực khi mà Chánh thanh tra Sở nội vụ mở lớp hướng dẫn ôn thi đặc biệt? Liệu có chuyện mở lớp bồi dưỡng “đặc biệt"?
Bắc Giang: Kỳ thi tuyển cán bộ công chức có khách quan, trung thực? ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh: "Sẽ làm rõ và xử lý nghiêm"

Đó cũng chính là băn khoăn của bạn đọc và dư luận mà Tiền Phong đã nhận được sau khi kết thúc kỳ thi tuyển cán bộ công chức hành chính sự nghiệp (HCSN) tỉnh Bắc Giang.

Kỳ thi tuyển cán bộ công chức tỉnh Bắc Giang được tổ chức ngày 20/3 vừa qua với sự tham gia của 1030 thí sinh dự thi, dự kiến sẽ tuyển dụng hơn 550 người cho các cơ quan HCSN của tỉnh và các huyện, thị xã. 

Trước kỳ thi tuyển, các thí sinh đã được hướng dẫn ôn tập 2 buổi, giảng viên do Hội đồng thi tuyển mời. Tuy nhiên, trước hôm thi vài ngày lại có chuyện một cán bộ của Sở Nội vụ - đơn vị có vai trò rất quan trọng trong kỳ thi này tổ chức một số lớp ôn thi “đặc biệt” cho hàng trăm thí sinh… Với khoản bồi dưỡng đặc biệt, các thí sinh này sẽ được hướng dẫn tỷ mỉ và có trọng tâm trọng điểm (!?)

Về những thông tin trên, ông Vũ Anh Thụ - Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi tuyển cán bộ công chức HCSN tỉnh Bắc Giang cho biết: “Khi có dư luận về vấn đề này chúng tôi đã kiểm tra và thấy rằng có chuyện cán bộ của Sở tổ chức hướng dẫn ôn thi riêng (ngoài 2 buổi được Hội đồng tổ chức) là có thực.

Đó là ông Đỗ Văn Hùng - Chánh thanh tra của Sở đã tổ chức hướng dẫn ôn thi cho một số thí sinh là con, cháu của mình và anh em bạn bè, người cùng phố. Từ ngày 12/3 đến tối 19/3 (trước ngày thi 1 ngày), ông Hùng đã tổ chức được 5 lớp khác nhau với tổng số 150 thí sinh theo học.

Cụ thể, ngày 12/3 ông Hùng có nhận lời với ông Phượng - Phó ban thường trực Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh hướng dẫn ôn thi cho khoảng hơn 10 thí sinh là cán bộ hợp đồng của BQL; ngày 16/3, ông Biên là cán bộ của Sở Nội vụ cũng hướng dẫn cho khoảng 50 thí sinh… ngày 17/3, ông Biên lại giảng tại nhà cho khoảng 20 thí sinh, tương tự như vậy ngày 18 và 19 ông Hùng đã hướng dẫn ôn thi cho 60 thí sinh nữa…

Kết quả kỳ thi có khách quan?

Việc ông Đỗ Văn Hùng - Chánh thanh tra của Sở và là Tổ trưởng tổ giám sát kỳ thi có tổ chức lớp bồi dưỡng đã được xác định là có thực. Ông Hùng giúp được các thí sinh đến đâu và có nhận tiền bồi dưỡng hay không đến nay vẫn chưa được xác định nhưng nhiều người, nhất là những thí sinh tham dự kỳ thi tuyển cán bộ công chức mà không qua lớp ôn tập đặc biệt này rất lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Sơ - Phó Giám đốc Sở nội vụ nói: “Tôi bảo với một số anh em trong cơ quan có con em cũng thi công chức vừa rồi: Mấy chục năm nay ông Hùng công tác ở đây mọi người còn lạ gì, sao có thể bày đặt giảng dạy với hướng dẫn. Và tôi nói với ông Hùng rằng: “Nếu ông có nhận tiền trọn gói của ai thì tốt nhất là đem trả lại họ, tránh phức tạp!”.

Sau khi kiểm tra lại nội dung bài giảng và những câu hỏi do ông Hùng soạn ra và hướng dẫn cách làm bài, tôi khẳng định nếu các thí sinh làm theo như vậy tỷ lệ đỗ sẽ… rất thấp! Để tránh hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong khâu chấm thi, tất cả những bài có dấu hiệu lạ thì không phải 2 người chấm mà đưa ra hội đồng để xem xét rất kỹ. Bản thân tôi cũng đã kiểm tra lại từng bài để đánh giá lại điểm và kết quả bài thi.” 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh: Sẽ làm rõ và xử lý nghiêm

Trước những ý kiến khác nhau về kết quả kỳ thi, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang , Chủ tịch Hội đồng thi tuyển cán bộ công chức HCSN.

Ông Hạnh cho biết: “Đối với việc ông Hùng tổ chức lớp bồi dưỡng ôn thi, tôi đã chỉ đạo Sở Nội vụ kiểm điểm làm rõ và sẽ xử lý nghiêm. Còn kết quả kỳ thi theo tôi cách làm của hội đồng thi tuyển bảo đảm chặt chẽ, đúng quy chế thi cử vì vậy sẽ không thể có chuyện biết trước đề thi.

Vì đối với phần thi trắc nghiệm, Hội đồng chuẩn bị hàng trăm đề, mỗi người sẽ có một đề thi khác nhau. Đối với phần thi viết cũng có ngân hàng đề thi và buổi tối hôm trước ngày thi chúng tôi mới tiến hành làm đề và thực hiện đúng quy chế thi cử. Nơi ra đề là một khu vực cách biệt, có công an canh phòng nghiêm ngặt, không ai được sử dụng điện thoại hay liên lạc ra bên ngoài trước khi bóc đề thi…”

Ông Hạnh quả quyết quá trình coi thi, chấm thi thực hiện nghiêm túc. Trước khi chấm, bài thi được rọc phách và nếu phát hiện có dấu hiệu lạ nghi ngờ thí sinh đánh dấu thì bài thi đó phải được chuyển cho cả hội đồng chấm. Với cách làm trên, ông cho rằng kết quả kỳ thi vẫn sẽ phản ánh chính xác, khách quan và trung thực khả năng làm bài của mỗi thí sinh!

MỚI - NÓNG