Bắc Kạn : 2 trẻ em bị tiêu chảy cấp tử vong

Bắc Kạn : 2 trẻ em bị tiêu chảy cấp tử vong
Trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua, dịch tiêu chảy cấp đã xuất hiện tại xóm Nà Chảng, thôn Khuổi Khí, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) với 25 người mắc bệnh dịch, trong đó có 2 trẻ em bị tử vong.

>> Hà Nội: Thành lập ban đặc nhiệm chống dịch tiêu chảy cấp

Là thôn vùng sâu của xã Bằng Thành, xóm Nà Chảng, thôn Khuổi Khí có 57 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Lúc đầu, dịch bệnh mới xuất hiện, bà con nghĩ là việc bình thường nên chỉ dùng thuốc lá cây và tiến lễ cúng ma tà, không báo cáo với y tế thôn bản.

Chỉ sau khi gia đình ông Triệu Kiềm Bạc có tới 7 người mắc dịch và 2 cháu nhỏ là Triệu Thị Lụa 5 tuổi và Triệu Chuồng Chòi 2 tuổi bị chết do loại dịch bệnh này vào ngày 4/10, thì mọi việc mới vỡ lẽ.

Sau đó, y tế thôn bản báo cáo lên Trạm Y tế xã Bằng Thành và Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm, cán bộ y tế huyện nhanh chóng vào cuộc mới xác định được nguyên nhân dẫn đến tử vong là do mắc tiêu chảy cấp.

Các ngành chức năng đã nhanh chóng phun thuốc tiêu trùng, khử độc và khoanh vùng điều trị bệnh nhân nhằm diệt dịch tận gốc, đồng thời tổ chức chữa trị bệnh và cấp thuốc dự phòng cho bà con những thôn bản lân cận.

Ninh Bình : Sở y tế đã tăng cường giám sát chặt chẽ các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phổ biến cách phòng tránh tại 11 bệnh viện và trong cộng đồng. Sở y tế đã cấp bổ sung 30 cơ số thuốc phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm cho 8 huyện, thị xã; yêu cầu bố trí bác sỹ, y tá có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm trực 24/24.

Bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện huyện, thị xã bố trí khu cách ly, giường bệnh, thuốc men, trang thiết bị và nhân lực đầy đủ để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn về cấp cứu, khám, điều trị, cách ly, lưu giữ và tẩy uế các dụng cụ, rác thải có liên quan đến bệnh nhân lây nhiễm để tránh dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Sở y tế yêu cầu các đơn vị nếu phát hiện bệnh nhân nhiễm dịch phải điều trị kịp thời tại chỗ, trường hợp nguy cấp có thể di chuyển bằng xe chuyên dụng hoặc tăng cường tuyến trên xuống ứng cứu. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã thành lập khẩn cấp 3 đội chống dịch cơ động và tăng cường công tác giám sát, phòng dịch ở vùng vừa xảy ra lũ lụt là Gia Viễn và Nho Quan.

Hải Phòng : Đoàn kiểm tra quận Lê Chân(Hải Phòng) đã đình chỉ 5 cơ sở, quán ăn bán tiết canh, lòng lợn, nem chua, kem đá không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hải Phòng hiện có hai bệnh nhân là Trần Văn Thao, 45 tuổi ở phường Nghĩa Xá và Đặng Duy Tiến ở phường An Dương (quận Lê Chân) bị nhiễm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Hai bệnh nhân hiện đang được điều trị tại Khoa truyền nhiễm, bệnh viện Việt-Tiệp với tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định, phục hồi tốt.

Ngành y tế Hải Phòng đã chủ động tiến hành khoanh vùng, phun khử trùng xung quanh khu vực có nguy cơ cao xuất hiện các ổ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Đối với các trường hợp tiếp xúc gần với nguồn lấy, Trung tâm Y tế dự phòng đã cho uống kháng sinh dự phòng và lấy mẫu phân của những người trực tiếp tiếp xúc để tiến hành xét nghiệm; đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo chống dịch tiêu chảy từ thành phố xuống cơ sở; thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch 24/24h.

Các bệnh viện, Trung tâm y tế chuẩn bị tốt nhân lực, phương tiện, hóa chất, thuốc men, dịch truyền, sẵn sàng cấp cứu, điều trị người bệnh, tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời những người mắc bệnh, có kế hoạch ứng phó, không để dịch xảy ra trên diện rộng...

Sở Y tế Hải Phòng đề nghị Công ty Cấp nước Hải Phòng tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt tại 4 xí nghiệp sản xuất nước, bảo đảm chất lượng nước phù hợp các tiêu chuẩn vệ sinh; giám sát duy trì lượng clo dư theo tiêu chuẩn tại vòi và mạng cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

MỚI - NÓNG