Bắc Kạn: Những bất thường ở mỏ kẽm Nam Bằng Lũng

Bắc Kạn: Những bất thường ở mỏ kẽm Nam Bằng Lũng
Cuối tháng 7, có ba người Trung Quốc đến báo Tiền Phong, đưa đơn phản ánh: Tại mỏ kẽm Nam Bằng Lũng (Bắc Kạn) có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư

Họ là ông Trần Thế Vinh, nguyên Giám đốc Cty Việt Trung 100% vốn nước ngoài; ông Trương Triệu Yến và bà Kim Anh Niên - các cổ đông của Cty Việt Trung. Bước đầu, họ đã có đơn kêu cứu, gửi nhà chức trách Trung Quốc và chính quyền tỉnh Bắc Kạn, đề nghị được giúp đỡ…

Nhận được đơn, tổ PV báo Tiền Phong đã có mặt tại tỉnh Bắc Kạn, tìm hiểu những vấn đề tại mỏ kẽm Nam Bằng Lũng.

“Liên doanh” hay “100% vốn nước ngoài”?

Theo Giấy phép đầu tư UBND tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 4/2/2002, Việt Trung là Cty TNHH 100% vốn nước ngoài, được phép khai thác và chế biến khoáng sản tại tỉnh Bắc Kạn.

Đây là Cty con, còn Cty mẹ là Cty TNHH Trường Phong, có trụ sở tại Quảng Tây, Trung Quốc. Giám đốc Cty Trường Phong là bà Phùng Thái Linh, còn đại diện pháp nhân tại Việt Nam, đồng thời là Giám đốc Cty Việt Trung, chính là ông Trần Thế Vinh.

Ở bản Điều lệ đi kèm Giấy phép đầu tư, Việt Trung lại mang dáng dấp Cty liên doanh gồm phía Trung Quốc là Cty TNHH Trường Phong, và phía Việt Nam là Cty TNHH Đồng Tâm. Cơ chế lãnh đạo có HĐQT, Tổng Giám đốc phía Trung Quốc, Tổng Giám đốc phía Việt Nam.

Quan hệ “liên doanh” này được thể hiện rõ hơn ở bản Hợp đồng kinh doanh liên hợp đầu tư có 3 bên A, B, C cùng ký ngày 28/11/2001; bên A là Cty Trường Phong, bên B là Cty Đồng Tâm, và bên C là “Công an tỉnh Cao Bằng, Công an tỉnh Bắc Kạn”, do 2 cán bộ Sầm Văn Kỳ và Hoàng Văn Thái đại diện.

“Hợp đồng” này quy định vốn góp của bên A là “toàn bộ máy móc kỹ thuật và vốn lưu động”, còn bên B là “quyền sử dụng đất, mỏ và quyền kinh doanh xuất nhập khẩu”. Tỷ lệ chia lợi nhuận : A hưởng 75%; B hưởng 25%. Riêng C, được hưởng 5 nhân dân tệ từ một tấn quặng nguyên khai.   

Như vậy, mặc dù Việt Trung là Cty 100% vốn nước ngoài, được phép khai thác, chế biến khoáng sản ở Bắc Kạn, nhưng không được cấp giấy phép khai thác mỏ mà phải sử dụng quyền sử dụng đất, mỏ, và quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của Cty Đồng Tâm, và phải chia 25% lợi nhuận cho Cty này. Vấn đề đặt ra là cần làm rõ Đồng Tâm có đủ những quyền này đối với mỏ kẽm Nam Bằng Lũng không?

Giấy phép “tận thu” được “gia hạn” dài dài… 

Đi sâu tìm hiểu, được biết Cty Đồng Tâm có giấy phép khai thác mỏ, song chỉ là khai thác ở dạng tận thu. Nguyên giấy phép này được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 19/5/1999 cho “tổ hợp” khai thác khoáng sản (thực chất là tư nhân) do ông Triệu Hải Khanh làm tổ trưởng, thời hạn 2 năm. Hết hạn này, tỉnh lại gia hạn cho ông Khanh (khi này đã làm Giám đốc Cty TNHH Đồng Tâm) thêm 2 năm nữa, đến 1/5/2004.

Theo Luật khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu được gia hạn nhiều lần, song tổng cộng không quá 24 tháng. Tuy nhiên, hết thời gian gia hạn trên, ngày 11/5/2004, tỉnh lại gia hạn đến tháng 5/2005, rồi lại gia hạn tiếp đến ngày 20/7/2005 (Quyết định số 1346/QĐ-UB). Và hết thời hạn này, lại tiếp tục gia hạn cho Cty Đồng Tâm đến ngày 20/10/2005 (Công văn số 1067/UBND-CN)!

Việc gia hạn giấy phép khai thác tận thu cho Cty Đồng Tâm không chỉ vi phạm quy định của Luật Khoáng sản, mà còn trái với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/4/2005 “về tăng cường quản lý nhà nước với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản”.

Trong Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu “thu hồi ngay các giấy phép khai thác tận thu khoáng sản được cấp không đúng quy định, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cấp giấy phép khai thác chế biến khoáng sản trái quy định”.

Khi đã có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Cty Đồng Tâm vẫn được tiếp tục gia hạn khai thác tận thu trái quy định tới 2 lần! Và chính với tấm giấy phép này, không một đồng vốn, Cty Đồng Tâm vẫn có cớ để “liên doanh” với đối tác Trung Quốc, để được hưởng 25% lợi nhuận từ mỏ kẽm Nam Bằng Lũng!

Sai phạm sẽ được chấn chỉnh?

Trở lại việc ông Trần, ông Trương và bà Kim có đơn kêu cứu. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ông Trần tuy là đại diện pháp nhân duy nhất của Cty Trường Phong tại Việt Nam, song trên thực tế, ông không được biết những hoạt động tài chính, chỉ phụ trách về kỹ thuật và sản xuất.

Trong khi đó, bà Phùng Thái Linh “Chủ tịch HĐQT” và ông Triệu Hải Khanh “Tổng Giám đốc phía Việt Nam”, những người có tư cách pháp nhân không thực sự rõ ràng tại Cty Việt Trung, lại thao túng mọi hoạt động của Cty này. Bài báo này chưa đi sâu vào các hoạt động xuất nhập khẩu, tài chính, thuế của Cty Việt Trung, song cần nói ngay, hơn 3 năm qua, Cty này chưa nộp báo cáo tài chính cho cơ quan chức năng Việt Nam.

Do thấy những hoạt động không lành mạnh của Cty Việt Trung, đặc biệt là không báo cáo tài chính và không chia lợi nhuận cho các cổ đông Trung Quốc, ông Trần đã viết đơn từ chức. Tuy nhiên, ông Trần khẳng định theo Giấy phép đầu tư, ông vẫn đang là đại diện pháp nhân duy nhất, và ông sẵn sàng trở lại vị trí Giám đốc, nếu các hoạt động tại Cty Việt Trung được lành mạnh hoá.

Các PV Tiền Phong đã có buổi làm việc với ông Hà Đức Toại, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn. Ông Toại cho biết, sau khi nhận được đơn của ông Trần Thế Vinh, UBND tỉnh đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các hoạt động của Cty Việt Trung.

Ông Toại khẳng định, tỉnh Bắc Kạn sẽ chấn chỉnh hoạt động ở mỏ Nam Bằng Lũng, nếu phát hiện sai phạm sẽ cương quyết xử lý, nhằm giữ vững kỷ cương pháp luật và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, dẫu đó là nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước.

Hy vọng những sự bất thường tại mỏ kẽm Nam Bằng Lũng sẽ sớm được chấn chỉnh, mà giải pháp cần thiết là phải thu hồi giấy phép khai thác tận thu của Cty Đồng Tâm đã quá hạn và không phù hợp với quy mô thực tế, cấp giấy phép khai thác mỏ phù hợp với Giấy phép đầu tư cho Cty Việt Trung, cũng như đưa ông Trần trở lại vị trí đại diện pháp nhân của nhà đầu tư đúng như trong Giấy phép đầu tư.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.