Bạc Liêu : Những số phận không mảnh đất cắm dùi

Bạc Liêu : Những số phận không mảnh đất cắm dùi
Như một hệ quả tất yếu, lãnh đạo vui vẻ với khu hoàng gia, người dân sẽ chịu khổ. Những số phận không mảnh đất cắm dùi, có cả gia đình chính sách bị cán bộ công quyền "cướp đất" giữa ban ngày.

Ông Sơn Suôl là thương binh hạng 3/4, kháng chiến 2 thời kỳ, 2 lần ở tù Côn Đảo. Lần ở tù sau cùng, giặc Mỹ kêu án 15 năm tù giam, ở được 10 năm thì giải phóng miền Nam.

Hòa bình vợ chồng ông Sơn Suôl ở tại xã Hiệp Thành (TX Bạc Liêu) với hàng chục người con cháu, trong căn nhà nhỏ được đặt tên mới 37A.

Ngày 31/1/1993, ông Lê Quốc Bửu - Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Thành chủ trì cuộc họp xét cấp đất cho cán bộ và ông đã “chủ động” lấy 120m2 đất ông Sơn Suôl để cấp… cho mình mà không đền bù.

Danh sách cấp nền nhà cho cán bộ khu Nhà Mát đề ngày 15/7/1995 của UBND xã Hiệp Thành, mảnh đất “tự cấp” của ông Lê Quốc Bửu ở mặt tiền đường Cao Văn Lầu, sau đó ông đã bán cho người khác kiếm món tiền lớn.

Ông Lê Quốc Bửu còn được UBND thị xã Bạc Liêu cấp 20.000m2 đất nuôi trồng thủy sản tại ấp Chòm Xoài (xã Hiệp Thành) do vợ ông-bà Nguyễn Kim Nhiễn đứng tên.

Hiện nay ông Bửu là Chánh thanh tra thị xã Bạc Liêu. Khi lên thị xã ông lại được hóa giá căn nhà ở Trung tâm thị xã và đã bán lấy hàng trăm cây vàng.

Ông Huỳnh Văn Phương là cán bộ của ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu, người có vai trò chủ chốt gây ra “vụ án Trần Tuyết Dung”.

Bạc Liêu : Những số phận không mảnh đất cắm dùi ảnh 1
Phần đất của bà Lý Thu Phượng trong khu “hoàng gia” để cỏ mọc hoang

Năm 1992, ông Huỳnh Văn Phương làm Chủ tịch UBND xã Hiệp Thành, xin san lấp mặt bằng khu dân cư ấp Nhà Mát và được UBND TX Bạc Liêu đồng ý.

Ông Phương thông báo thu hồi đất của ông Huỳnh Văn Tuân-bộ đội phục viên - để xây dựng trụ sở cơ quan mà không đền bù. Ông Tuân chấp hành để góp phần với chính quyền xây dựng quê hương.

Không ngờ, ông Huỳnh Văn Phương chiếm luôn lô đất số 1 khu A ấy làm của riêng, chỉ nộp 800 ngàn đồng tiền san lấp mặt bằng. Sau đó, ông Phương đã bán lô đất cho người khác để thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Ông Huỳnh Văn Phương còn cạo sửa hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Ban quản lý dự án khu du lịch từ 12,6m2 thành 126m2 để chiếm đất công, không đóng tiền sử dụng đất.

Sau này lên tỉnh, ông Phương lại được hóa giá nhà mặt tiền đường phố lớn ở thị xã và còn có đất để nuôi tôm ở vùng ven biển.

Về gia đình ông Sơn Suôl, khi mất đất vợ ông Sơn Suôl dắt 3 người con với hàng chục đứa cháu chiếm đất rừng phòng hộ để dựng túp lều sát mé biển.

Ông Sơn Suôl lâm bệnh nặng, đến năn nỉ Ban quản lý dự án cho ông xin một nền nhà tái định cư bên bờ sông vì nền nhà của ông đã bị Bí thư Lê Quốc Bửu chiếm đoạt, không được đền bù, không được tái định cư.

Ông thương binh già người dân tộc, chất phác, ngay thẳng nói: “Tôi bệnh nặng quá, không sống được lâu, cho tôi miếng đất để bán mua thuốc uống !”.

Không thể thờ ơ trước sự bất công đến mức tàn nhẫn được nữa, ông Sơn Suôl được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, cấp một nền tái định cư để bán lấy 500 ngàn đồng thuốc thang chữa bệnh. Ông Sơn Suôl qua đời chưa đầy một năm nay.

Bà Thạch Thị Soi- vợ ông đã 67 tuổi, vác bó củi khô vừa bẻ ngoài rừng chạy vào. Bà thắp nén nhang lên bàn thờ chồng, chiếc bàn thờ xiêu vẹo nhưng bên trên có đến 6 tấm Huân chương của hai vợ chồng bà.

Cơn mưa đầu mùa đổ xuống mái thiếc cũ thấp tè và dột nát. Bà ngồi trong mưa dột kể :

 “Ông Sơn Suôl gan lì, đánh giặc giỏi, nổi tiếng vùng Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Hồi đó, lính ngụy cứ nhắc đến tên Sơn Suôl là sợ. Còn tôi vừa nuôi cha mẹ chồng, nuôi con và làm giao liên, tải đạn, cứu thương. Ông Sơn Suôl biết nói tiếng Việt, biết viết nên làm được thẻ thương binh. Còn tôi không biết chữ, mang thương tật mà không được thẻ thương binh”.

Các con lớn của ông Sơn Suôl phải tha phương cầu thực. Căn lều của bà với vợ chồng cậu con trai út ở cuối đường đê, mù xa phía biển, chơi vơi. Không biết căn lều nhỏ có qua mùa mưa bão năm nay ?

Bà không thể lùi ra biển, còn phía đất liền thì đất đai đã bị cán bộ “quy hoạch”, chia nhau hết rồi.

Ý kiến bạn đọc

ĐÀO LY, Email: seaandsun@hopthu.com

Tại sao ???

Tôi không biết nói gì hơn. Khi nhìn hình ảnh bà Soi vác bó củi tôi đã khóc .Tại sao còn nhiều bất công thế ,bất công với những con người đã có công với đất nước .Chúng ta phải làm gì chứ ? Hay là đến khi không còn một người có công nào còn sống nữa ,mọi việc mới được mổ xẻ .Tôi đang nghĩ về "ngôi nhà" của những người như bà cụ ấy ...và cả những kẻ nhẫn tâm kia .

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.