Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, là một trong những cuộc hội quân lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong thời gian ngắn, chúng ta đã huy động được năm quân đoàn, một số sư đoàn bộ binh độc lập và các đơn vị binh chủng kỹ thuật, các lực lượng vũ trang địa phương với lực lượng tương đương 260 nghìn quân, 400 xe tăng, xe bọc thép, gần 500 khẩu pháo lớn và hơn nửa triệu tấn vật chất cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn – Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (ngày 20/12/1976) nêu rõ: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người viết từ tháng 5/1965, hàng năm Người viết bổ sung, đến ngày 10/5/1969, Di chúc được hoàn chỉnh.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách và khát vọng của Người về một đất nước Việt Nam tự do, hòa bình và thịnh vượng. Điều mà Người mong mỏi cuối cùng trước lúc “đi xa” là miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.

Trong Di chúc, Người viết: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải rút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.

Người dự liệu những việc sẽ làm khi miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quí của chúng ta. Kế đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe XHCN và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”.

Trong hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dùng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng và tha thiết nhất để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Tháng 7/1967, khi trả lời phóng viên báo Granma (Cuba) hỏi về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với miền Nam, Người nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”.

Người tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” cho nhân dân miền Nam, tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Người kêu gọi: “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, dồn sức người, sức của để chi viện cho quân dân miền Nam chiến đấu.

Mùa Xuân năm 1969, dù sức khỏe đã yếu, Bác vẫn dành thời gian tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Bác nói: “Trong thư chúc Tết năm nay, tôi có nói là: ‘Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn!’. Trong lúc viết như thế, tôi cũng không chắc là câu thơ đó được thực hiện sớm trong năm nay…Để hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt thì có nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được. Tôi chỉ xin nói một câu thôi: ‘Bao giờ Nam - Bắc một nhà / Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng’”. Và Bác xúc động nhắc lại điều Bác đã từng nói nhiều lần: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi…”.

Nhiều lần Bác gửi thư cho Bộ Chính trị, yêu cầu bố trí để Người đi thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu gian khổ, nhưng do tuổi Người đã cao, sức yếu nên Bô Chính trị đề nghị Người tạm lui ngày đi, đợi đến sau ngày giải phóng, đồng bào và chiến sĩ miền Nam sẽ đón Bác vào thăm.

Bác không muốn vậy, tháng 3/1968, Bác đã gửi thư cho đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Nhớ lại… chú có ý kiến khuyên Bác đi thăm miền Nam ‘sau’ ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Nhưng chỉ đổi chữ ‘sau’ thành chữ ‘trước’ ngày thắng lợi hoàn toàn… Đi thăm lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em… Có lẽ chú và đồng chí khác e sức khỏe của Bác không cho phép… Nhưng, thay đổi không khí… và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu, sẽ giúp sức khỏe tiến bộ mau hơn”.

Ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt (Hội nghị Diên Hồng thời kỳ chống đế quốc Mỹ) để biểu thị quyết tâm của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, giành hòa bình, thống nhất đất nước

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả vĩ đại được kết tinh qua một chặng đường dài hàng chục năm Người ra đi tìm đường cứu nước, tìm đường giải phóng cho dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến, đánh bại những đế quốc hùng mạnh nhất của thời đại và kế đó xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc như Người hằng mong ước.

Trong cuốn Binh thư yếu lược của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn có đề cập: “Trong việc dùng binh không có gì thần bằng cơ, cơ một ngày không trở lại, một tháng không trở lại”.

Tiền đề dẫn đến sự xuất hiện thời cơ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là việc ký Hiệp định Paris (ngày 28/1/1973). Theo hiệp định, đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 10/1974) đánh giá: “Diễn biến cơ bản của tình hình trong gần hai năm qua rõ ràng là ta ở thế thắng, thế đi lên, thế chủ động và thuận lợi. Địch đang ở thế thua, thế đi xuống, thế bị động và khó khăn”. Bộ Chính trị kết luận: “Lúc này đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác”.

Theo chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Trung tướng Lê Trọng Tấn, đặc biệt là sự hối thúc mãnh liệt từng ngày, từng giờ của quân và dân miền Nam, bản Dự thảo Kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam đã được “Tổ trung tâm” Cục Tác chiến hoàn thành vào ngày 26/8/1974.

Nội dung kế hoạch gồm hai bước:

- Bước 1 (thực hiện trong năm 1975): Tranh thủ bất ngờ tiến công lớn và rộng khắp.

- Bước 2 (thực hiện trong năm 1976): Thực hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đúng vào thời điểm đó, lực lượng vũ trang Quân khu V phối hợp với một trung đoàn của Sư đoàn 304, một trung đoàn của Sư đoàn 324 và Sư đoàn 711 bộ đội chủ lực tiến công giành thắng lợi lớn ở Thượng Đức (Quảng Nam). Sự kiện này khẳng định những dự kiến của Bộ Chính trị về quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc có thêm những cơ sở thực tiễn xác đáng.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 5 và Quân đoàn 2, từ ngày 29/7- 7/8/1974, lực lượng Quân đoàn 2 gồm Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 phối hợp cùng với quân và dân Quảng Đà, huyện Đại Lộc khắc phục mọi khó khăn, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương và phương châm tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch đã chiến đấu liên tục, quả cảm tiêu diệt phần lớn quân địch ở căn cứ Thượng Đức. Đến sáng ngày 7/8/1974, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà tặng cho Sư đoàn 304 tung bay trên Chi khu quân sự, quận lỵ Thượng Đức. Tiếp đó, từ tháng 8 - tháng 12 năm 1974, quân ta tiếp tục đánh bại các đợt tấn công tái chiếm của quân chủ lực ngụy gồm quân dù và thủy quân lục chiến.

“Thượng Đức là quận lị đầu tiên của miền Nam Việt Nam được giải phóng hoàn toàn sau khi Hiệp định Paris ký kết mà địch không chiếm lại được; đồng thời, gây thiệt hại nặng về lực lượng tổng dự bị của quân đội Sài Gòn”

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304

Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn chỉ rõ: “Do tính chất của cuộc chiến tranh, đô thị là nơi quyết định. Nó thua ở đâu, chứ nếu không dứt điểm được Sài Gòn thì chiến tranh sẽ còn tiếp tục. Cho nên nhất định Sài Gòn phải chuyển mạnh, nếu không thì mất thời cơ. Phải chủ động gây phong trào, chứ không phải ngồi chờ phong trào nổi lên. Khi ta đánh mạnh thì phong trào đô thị sẽ khác ngay. Phải có người dám làm, vào hẳn trong thành phố. Không xông vào thì xa rời quần chúng, xa phong trào. Phải xông vào mà nắm lấy chỗ yếu nhất của địch, để kịp thời và có biện pháp cụ thể lợi dụng, khoét sâu thêm”.

Từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/1974, Bộ Chính trị tiến hành Hội nghị để thảo luận kế hoạch giải phóng miền Nam. Hội nghị cơ bản nhất trí với nội dung bản Dự thảo kế hoạch do Cục Tác chiến soạn thảo và xác định quyết tâm chiến lược: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà. Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975, 1976”. Hội nghị cũng thống nhất lấy chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975.

Để chuẩn bị thực lực vững chắc cho thắng lợi của cách mạng, ngay sau Hiệp định Paris được ký kết, nghe theo tiếng gọi khẩn thiết của miền Nam, hầu hết thanh niên miền Bắc, dù là học sinh, sinh viên, nhà giáo, kỹ sư, công nhân... đều xung phong nhập ngũ.

Quân số bổ sung cho chiến trường từ miền Bắc: năm 1973 là 129.311 người; năm 1974 là 117.545 người; đầu năm 1975 tăng lên 238.646 người. Tại các vùng giải phóng miền Nam, trong năm 1973, 1974 ta đã huy động được 12.000 thanh niên gia nhập quân đội và phát triển bộ đội địa phương, dân quân du kích: năm 1973 được 117.128; năm 1974 được 145.475 người; năm 1975 lên tới 296.184 người.

Vật chất chiến tranh: lúc này viện trợ của các nước bắt đầu giảm dần từ 66% năm 1973, chỉ còn 29,6% năm 1974 đến năm 1975 bị cắt hoàn toàn. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hậu phương miền Bắc đã đáp ứng kịp thời, đầy đủ số lượng vật chất phục vụ chiến đấu cho chiến trường miền Nam: năm 1973 đạt hơn 1 triệu tấn, năm 1974 là 683.089 tấn và đầu năm 1975 là 672.097 tấn; riêng về lương thực, thực phẩm: năm 1973 và 1974 - mỗi năm là 210.000 tấn năm 1975 là 265.000 tấn.

Vận tải hàng hóa: ngoài 6.670 ôtô vận tải chuyên trách của quân đội, Nhà nước còn huy động hơn 60% tổng số phương tiện vận tải của các ngành, bộ tham gia phục vụ chiến trường. Đặc biệt, hệ thống đường ống từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) xuyên dọc chiều dài đất nước đến Bù Gia Mập (Thủ Dầu Một) và nhiều trục ngang vào tận các chiến trường với độ dài hơn 5.00 km, với 316 trạm bơm hút và đẩy, đã vận chuyển khối lượng xăng dầu năm 1973 - 1974 đạt 303.000 tấn (gấp 2 đến 3 lần so với những năm 1965-1972...).

Ngày 4/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên chính thức mở màn và nhanh chóng giành thắng lợi to lớn, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên.

Ngay từ khi Quân giải phóng Tây Nguyên còn đang truy kích quân địch rút lui trên đường 7, ngày 25/3, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt và nhận định: Trên thực tế, với Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu. Thời cơ chiến lược đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này; do đó “phải nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt”.

Chỉ sau năm ngày (từ 26 đến 30/3) quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi các chiến dịch này, giải phóng hai thành phố, hai căn cứ quân sự trọng yếu của địch là Huế và Đà Nẵng.

Ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị chỉ thị: “Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng Tư không thể để chậm”.

Ngày 8/4, tại căn cứ Dương Minh Châu, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Đoàn A75 và cơ quan Bộ tăng cường đã họp thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Tại đây, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị về quyết tâm giải phóng miền Nam trong tháng Tư, không thể để chậm, công bố quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định và thông qua phương án tác chiến chiến dịch. Bộ Chỉ huy chiến dịch đề nghị Bộ Chính trị lấy tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 8/4/1975, tại Lộc Ninh, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được thành lập với thành phần: Tư lệnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng, Chính uỷ: Phạm Hùng, các Phó Tư lệnh: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Quyền Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, sau đó bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Phó Tư lệnh và Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị.

Lực lượng chủ lực ta đã tập trung được khoảng 250.000 quân với 15 sư đoàn, 14 trung đoàn bộ binh (được tổ chức thành 5 quân đoàn và tương đương) cùng với một khối lượng vũ khí, trang bị, phương tiện rất lớn như: pháo binh 516 khẩu (pháo 130/122/105mm), pháo cao xạ 550 khẩu (gồm các loại súng máy 12,7mm, pháo 37/57mm) , 320 xe tăng (các loại T-54, T-59, PT-85), thiết giáp (BTR-60PB, K63) và một khối lượng vật chất bảo đảm tới gần 60.000 tấn...

Ngày 14/4/1975, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị ký bức điện thượng khẩn số 37/TK gửi Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định: “Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức diễn ra lúc 17 giờ ngày 26/4, liên tiếp trong hai ngày 27 và 28/4, các đòn tiến công quân sự đã đánh thiệt hại nặng: Sư đoàn 22, cắt Đường 4 ở Tân An – Bến Lức; Sư đoàn 18 và Thiết đoàn 3 quân Việt Nam cộng hòa ở Trảng Bom – Biên Hòa; sư đoàn thủy quân lực chiến ở Long Bình và Lữ dù 1 ở Bà Rịa.

Ngày 29/4, đòn quân sự đã chặn đánh và tiêu diệt các sư đoàn 22, 25, 5, 18, thủy quân lục chiến, các lữ dù, Lữ 3 kỵ binh ở tuyến ngoài của địch. Cùng ngày, các binh đoàn cơ giới hóa thọc sâu đã tiêu diệt sư đoàn biệt động quân mới thành lập, các liên đoàn bảo an của tuyến giữa phòng ngự vùng ven và nhanh chóng vào vùng sát thành phố như Vĩnh Lộc, Bà Hom, Bà Quẹo, Lái Thiêu, cầu Đồng Nai...

Ngày 30/4, các đơn vị chủ lực tiếp tục đập tan các đơn vị còn lại của địch ở ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Thủ Đức, cổng số 1 Bộ Tổng Tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Bình Phước, Bình Triệu, cầu Sài Gòn, Rạch Chiếc…

Khi những chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch, Tổng thống Dương Văn Minh vội vàng lên Đài Phát thanh Sài Gòn đề nghị ngừng bắn để thảo luận và bàn giao chính quyền, thì Bộ Chính trị đã điện chỉ thị cho toàn mặt trận: “Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến công với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan mọi sự chống cự của chúng”.

Các mũi tiến công của Quân giải phóng đã nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu theo phân công và đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, thành phố Sài Gòn-Gia Định đã hoàn toàn giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc thắng lợi.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch quân sự lớn nhất trong lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam, huy động một số lượng trang bị vũ khí hạng nặng lớn nhất từ trước đến nay, nhưng cũng là chiến dịch có thời gian diễn ra nhanh nhất, chỉ trong vòng 4 ngày từ ngày 26-30/4/1975.

Năm 1963, Quốc hội quyết định trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng, Bác đã cảm ơn Quốc hội và đề nghị cho phép chưa nhận phần thưởng cao quý, “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân sẽ sung sướng, vui mừng”.

Cũng trong năm đó, trong bữa cơm với Thượng tướng Trần Văn Trà trước khi vào Nam chiến đấu, Bác gửi hộp xì-gà quà quý của Chủ tịch Fidel Castro tặng và nói: “Bác gửi chú món quà này mang về cho anh em trong đó hút để nhớ Bác và nhớ đến Cu Ba anh em. Cố gắng giải phóng nhanh để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam”.

Năm 1964

- Ngày 2/5, tàu sân bay hộ tống USS Card (trọng tải 16.500 tấn) neo đậu ở cảng Sài Gòn bị chiến sỹ biệt động Lâm Sơn Náo đặt thuốc nổ đánh chìm, nhiều máy bay trực thăng cùng khí tài quân sự bị chìm theo con tàu. 55 lính Mỹ chết và bị thương. Tạp chí History and Headlines đánh giá đây là “một trong những kỳ công cá nhân tuyệt vời trong Lịch sử chiến tranh Hải quân”.

- Ngày 25/8, khách sạn Caravelle bị các chiến sĩ biệt động đặt bom làm sập nhiều tầng. Hơn 100 lính và sĩ quan Mỹ chết và bị thương.

- Ngày 31/10, sân bay Biên Hòa bị pháo kích, 5 chiếc B-57 Canberra bị phá hủy, 15 chiếc B-57 khác hư hại nặng. 4 trực thăng và 3 chiếc A-1 Skyraiders cũng bị phá hủy. 5 sĩ quan Mỹ chết và 76 lính Mỹ bị thương.

Năm 1965

- Ngày 25/6, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn, nơi lính Mỹ tới ăn tiệc bị đặt bom làm hơn 40 người thiệt mạng, trong đó có 9 sĩ quan và lính Mỹ.

- Ngày 18/8, Tổng Nha Cảnh sát Sài Gòn bị đánh bom làm 6 người chết và 15 người bị thương.

- Ngày 4/10, Sân vận động Cộng Hòa bị đặt bom khi đang lính Mỹ tổ chức trưng bày làm 11 người thiệt mạng, 42 người khác bị thương.

Năm 1966

- Ngày 13/4, sân bay Tân Sơn Nhất bị tấn công. Có 120 nhân viên quân sự của Mỹ bị thương vong, 62 máy bay các loại bị bắn hỏng.

- Ngày 23/8, tàu USS Baton Rouge Victory bị đặt mìn và chìm trên sông Lòng Tàu làm chết 7 lính Mỹ.

Năm 1967

- Sáng ngày 13/1, nữ biệt động Nguyễn Thị Bích Nga cùng đồng đội nã hàng loạt quả pháo vào khuôn viên Sở chỉ huy của tướng William Westmoreland, chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam.

- Ngày 27/2, sân bay Đà Nẵng bị pháo kích. 112 máy bay và 270 xe quân sự của địch bị phá hủy. 150 lính Mỹ chết và bị thương, 13 máy bay bị bắn cháy...

Năm 1968

- Ngày 11/3, 30 chiến sỹ đặc công cùng 9 lính công binh tấn công căn cứ radar Lima 85 của Mỹ đặt tại Lào trên độ cao 1.700m, được bao quanh bởi các vách đá. Chỉ huy căn cứ là thiếu tá Clarence Barton và 42 lính chư hầu, nhân viên của không lực Mỹ bị tiêu diệt. 1 chiến sỹ đặc công hy sinh. Chỉ có 6 trong 18 nhân viên CIA và phi công Mỹ tại căn cứ sống sót. Sự kiện này quân đội Mỹ giấu kín suốt 3 thập kỷ.

Rạng ngày 30/1, các du kích thuộc Mặt trận dân tộc giải phóng cùng quân chính quy Quân đội Nhân dân Việt Nam và các lực lượng tại chỗ đã đồng loạt tấn công các khu đô thị cùng các căn cứ quân sự tại Miền Nam Việt Nam. Chiến sự kéo dài trong suốt nhiều tuần.

Trung tâm đầu não của địch tại Sài Gòn là một trong những nơi bị tấn công đầu tiên: Các mục tiêu quan trọng như Sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Độc lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng Tham mưu... Các căn cứ quân sự như Long Bình, Phù Đổng, Cổ Loa, Hạnh Thông Tây, Đồng Dù (Củ Chi) bị quân ta tấn công.

Tại phi trường Tân Sơn Nhất, chiến sự ác liệt đã diễn ra giữa quân ta và địch. Hàng trăm chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Cuộc tiến công đã tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm sỹ quan và binh lính Mỹ cùng ngụy quyền Sài Gòn. Ngày 2/3, quân ta phục kích tiêu diệt 48 lính Mỹ gần sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuy quân số ít ỏi, lực lượng Biệt động Sài Gòn (biệt động thành) luôn là nỗi khiếp sợ của giới chóp bu của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn bởi sự gan dạ, anh dũng.

Chuẩn bị cuộc tấn công Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động thành do ông Tư Chu (Đại tá Nguyễn Đức Hùng - Anh hùng lực lượng vũ trang, là nguyên mẫu của nhân vật Tư Chung trong bộ phim Biệt động Sài Gòn) tổ chức mạng lưới có hơn 300 người, trong đó có khoảng 100 tay súng tinh nhuệ và dũng cảm. Ông Tư Chu lúc đó ông giữ vị trí Phó tư lệnh quân khu Sài Gòn – Gia Định kiêm chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động.

Cuộc đột kích của lực lượng biệt động thành vào các cơ quan đầu não của chế độ cũ là một trong những trận đánh táo bạo và dũng cảm nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Bởi vì đánh vào các địa điểm trọng yếu, nhưng mỗi đơn vị biệt động chỉ có khoảng vài chục chiến sĩ với vũ khí loại nhẹ. Mặc dù dịp Tết, lực lượng lính gác tại các điểm trọng yếu không nhiều như ngày thường, nhưng xung quanh các địa điểm này luôn có nhiều đơn vị cấp trung đoàn, tiểu đoàn của địch với nhiều lực lượng khác nhau phối hợp đóng giữ với quân số trực chiến áp đảo.

Trước thực tế chênh lệch lực lượng quá lớn, nên trước trận đánh, nhiều mũi tấn công xin bộc phá với quyết tâm: “Nếu không thắng được thì đánh bộc phá cảm tử, phá hỏng cơ sở của địch chứ không để địch bắt, không đầu hàng”. Ông Tư Chu đồng ý với phương án “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Một việc hy hữu đã xảy ra ngay trong đêm giao thừa. Đó là liên lạc đột nhiên mất hoàn toàn giữa biệt động thành với các lực lượng hợp đồng tác chiến. Giao thừa sắp điểm, giờ nổ súng đang đến gần, nhưng biệt động thành không liên lạc được với bất cứ một lực lượng nào. Những câu hỏi được đặt ra đó là: “Liệu có thay đổi gì trong kế hoạch phối hợp tổng tấn công và nổi dậy?”, thậm chí “đánh hay không đánh?”.

Ông Tư Chu và các đồng chí đợi liên lạc, chờ mệnh lệnh tấn công, nhưng hoàn toàn không nhận được một sự chỉ đạo nào, do các đường dây liên lạc đều bị đứt.

Sau khi nghe lời chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”, chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động xem bài thơ của Bác Hồ như là hiệu lệnh tối cao. Sau khi bài thơ kết thúc, chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động hạ mệnh lệnh “Tấn công!”

Biệt động thành rời khỏi các vị trí ẩn náu, ra đường phố. Sau đó các chiến sĩ biệt động thành làm nổ tung thành phố Sài Gòn và làm “rung chuyển” cả thế giới.

Mũi tấn công vào Dinh Độc Lập gặp sự kháng cự ác liệt. Các mũi tấn công vào đại sứ quán, Bộ tổng tham mưu… đều giành thắng lợi nhờ yếu tố bất ngờ và lòng dũng cảm. Tuy vậy, do lực lượng quá chênh lệch nên sau mấy ngày chiến đấu, biệt động thành bị tổn thất lực lượng.

Mũi tấn công vào đài phát thanh cũng chiếm được đài suốt ba ngày, rồi khi hết đạn lực lượng biệt động thành đã nổ bộc phá như kế hoạch đã thông qua.

-Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ từng làm cố vấn cho ba tổng thống chế độ Sài Gòn là Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh. Ngay tại Dinh Độc Lập, ông thiết lập nên mạng lưới tình báo A22 gồm nhiều nhân vật trọng yếu trong chính quyền Sài Gòn. Vũ Ngọc Nhạ đã lấy được các tài liệu vô cùng quan trọng như kế hoạch “Xây dựng ấp chiến lược”, “Kế hoạch Stalay Taylor”, “Kế hoạch bình định nông thôn”, “Kế hoạch Phượng Hoàng”, “Kế hoạch đổ quân của Mỹ”, “Sách lược chiến tranh đặc biệt”…

- Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo, đồng thời là một nhà báo chuyên nghiệp, làm việc cho các hãng Reuters, The New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor. Ông là một trong số rất ít ký giả người Việt được cho phép tham dự các buổi thuyết trình hạn chế của phái bộ Mỹ tại miền Nam. Ông đã cung cấp nhiều tài liệu quan trọng cho Trung ương Cục về chính sách của Mỹ tại miền Nam. Năm 1976 ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn được nhiều nhà văn nước ngoài viết sách, như nhà văn Pháp Pomonti, nhà nghiên cứu Mỹ Larry Berman…

-Đại tá Phạm Ngọc Thảo từng làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) nhưng nhiệm vụ của ông không lấy các thông tin tuyệt mật mà làm mất ổn định chế độ Ngô Đình Diệm bằng các cuộc đảo chính. Ông đã “kiến tạo” và thực sự tham gia vào nhiều cuộc đảo chính tại miền Nam và là nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”.

Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), non sông Việt Nam đã liền một dải nhưng trên thực tế lúc này vẫn còn tồn tại hai chính phủ: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 9/1975) xác định “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Hội nghị nhất trí cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung của cả nước và quyết định cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào đầu năm 1976, theo các nguyên tắc dân chủ: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Tháng 1/1976, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định: Cuộc Tổng tuyển cử tiến hành vào chủ nhật 25/4/1976. Tại kỳ họp thứ nhất (ngày 2/7/1976), Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết “về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca” của nước Việt Nam thống nhất, lấy tên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Ðịnh là Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM

“Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 2/7/1976, thành phố chính thức được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM đã có quá trình 45 năm năng động, sáng tạo, đoàn kết, nghĩa tình, phấn đấu với quyết tâm cao để xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố, xứng đáng với vinh dự thành phố mang tên Bác, thành phố Anh hùng.

“Khi Quốc hội thông qua việc đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dân thành phố rất vui mừng và tự hào. Họ đã hy sinh xương máu để giải phóng thành phố, giải phóng đất nước, nay thành phố đã được vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu là một cảm xúc đặc biệt, vui mừng tột bậc. Trong kháng chiến, cả miền Nam luôn mong muốn Bác Hồ về thăm nhưng rồi Bác đã ra đi khi nước nhà chưa thống nhất. Do vậy, việc được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là niềm vui của người dân thành phố, mà các địa phương miền Nam cũng như cả nước rất ủng hộ vì Thành phố có đóng góp rất lớn, đi đầu trong đấu tranh cách mạng, là nơi “đi trước về sau’”

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh

Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên và phát triển thành trung tâm kinh tế lớn nhất, năng suất lao động cao nhất, trung tâm sáng tạo lớn của cả nước. Cùng với phát triển kinh tế, các phong trào trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều mô hình sáng tạo hướng về nhân dân, phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình của người dân TPHCM. Các hoạt động này đã đem lại những kết quả tích cực và có sức lan tỏa, trở thành các phong trào rộng khắp cả nước.

Tuy nhiên, với vị trí, vai trò và tiềm năng, cũng như đòi hỏi về sự phát triển của cả nước, TPHCM vẫn còn nhiều điều trăn trở trước những khó khăn, hạn chế. Một số bài học được rút ra để vận dụng vào quá trình phát triển của TPHCM: Không ngừng chăm lo, tạo dựng niềm tin của nhân dân, hết lòng chăm lo đời sống nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách, phong trào cách mạng phải có sự tham gia trực tiếp của đông đảo quần chúng nhân dân. Xác định đúng vị trí, vai trò của TPHCM đối với cả nước, đối với vùng; phấn đấu phát triển vì cả nước, cùng cả nước; luôn giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - văn hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước và đối tác quốc tế…”.

Anh Lê Thanh Bình (Công ty Cấp nước Tân Hòa): “Không còn lo sợ bom đạn, chiến tranh”

“Tôi được sinh ra đúng vào thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975. Để đánh dấu ngày trọng đại này, bố mẹ đã đặt tên cho tôi là Thanh Bình. Đó cũng là niềm hạnh phúc của tôi, gia đình và hàng triệu triệu người dân kể từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Người dân cả nước được sống trong một đất nước thanh bình, không còn lo sợ bom đạn, chiến tranh… Tất cả mọi người an tâm lao động sản xuất để cải thiện kinh tế gia đình và góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, tốt đẹp hơn”.

Ông Nguyễn Đình Đạt (cán bộ hưu trí): “Nếu chậm hơn 1 tháng, cuộc đời tôi đã khác”

“Tôi sinh năm 1956 tại Sài Gòn. Lẽ ra năm 1974 tôi đã đến tuổi phải đăng lính nhưng may mắn tôi có giấy ‘Hoãn đi lính lý do gia cảnh’ vì là con trai duy nhất còn lại. Thời hạn được hoãn quân dịch của tôi ghi rõ là chỉ đến ngày 31/5/1975. Nếu đất nước thống nhất chậm hơn vài tháng, tôi đã phải mặc áo lính Sài Gòn. Ngày 30/4, tại Sài Gòn tôi đã được chứng kiến những người lính Sài Gòn cuối cùng cởi bỏ áo lính. Những đoàn quân cách mạng tiến vào với thái độ thân thiện, hiền lành. Họ vẫy tay thân thiện với những người dân bên đường. Ngay những phút giây đầu tiên gặp những người lính cách mạng, chúng tôi đã cảm nhận được sự an bình đang đến với mọi người. Sài Gòn bình yên từ ngày đó.

NSND Kim Cương: “Ai cũng xúc động khi Nam Bắc một nhà”

“Ngày 30/4/1975 khi hay tin Sài Gòn giải phóng, đông đảo nghệ sĩ- soạn giả, ồ ạt đổ về đường Nguyễn Du, trụ sở tạm thời của ngành văn nghệ để nghe ngóng tin tức. Nhiều nghệ sĩ có tên tuổi có mặt rất sớm. NSND Bảy Nam, NSND Phùng Há là hai nghệ sĩ tiên phong cùng lãnh đạo chính quyền mới tiếp thu cơ sở vật chất, rạp hát, xưởng phim… đồng thời cũng thiết lập danh sách nghệ sĩ, tiến hành những đợt cứu trợ cần thiết cho anh em nghệ sĩ trong giới, góp phần vào hoạt động của ngành, không để sàn diễn ngơi nghỉ quá lâu sau ngày hòa bình thống nhất.

Chúng tôi rất vui mừng khi các đoàn nghệ thuật từ chiến khu như: đoàn cải lương giải phóng, đoàn ca múa nhạc quân giải phóng, đoàn Văn Công giải phóng cùng tiến về Sài Gòn. Các đoàn nghệ thuật từ phía Bắc về như: Ca múa nhạc Thủ đô, Tổng cục chính trị, Không quân, Hải quân, Ca múa nhạc Hải Phòng, đoàn cải lương Nam Bộ, đoàn Chuông vàng thủ đô… Ai ai cũng dâng trào niềm xúc động khi Nam Bắc một nhà, nghệ sĩ ở các trận tuyến đã có dịp tay bắt mặt mừng. Chúng tôi chia nhau mỗi người một việc, lo liệu điểm diễn, tiếp tế nhiên liệu, tổ chức nơi ăn ở sinh hoạt. Thành ủy TPHCM thời đó đã thổi một luồng sinh khí mới cho toàn ngành sân khấu ngày từ những ngày đầu thống nhất”.

Ngày 14/11/1975 Hội đồng Chính phủ ra Mệnh lệnh đặc biệt số 358-TTg quyết định khôi phục nhanh chóng tuyến đường sắt Thống Nhất nối lại hai miền Bắc – Nam đã bị chia cắt. Đến ngày 31/12/1976, Chính phủ quyết định tổ chức hai đoàn tàu Thống Nhất xuất phát cùng giờ, cùng ngày tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn khai thông tuyến đường sắt Bắc Nam Thống Nhất. Chuyến tàu lịch sử ấy đã mất hơn 80 tiếng để đi dọc chiều dài đất nước. Một khoảng thời gian quá dài cho một chuyến tàu nhưng lại quá ngắn cho cuộc hành trình nối liền đất nước bị chia cắt sau những năm tháng chiến tranh.