Bác sĩ không khoác áo blouse

Lấy mẫu BN để xét nghiệm COVID-19
Lấy mẫu BN để xét nghiệm COVID-19
TP - Các bác sĩ khối dự phòng, xét nghiệm chẳng “hot”, cũng không nhiều người biết đến như bác sĩ điều trị. Thầm lặng, hy sinh, họ chính là những “người hùng giấu mặt” ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Kỳ 1: Những người “đi trước, về sau”

Khi biết có trường hợp mắc COVID-19, y bác sĩ ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) gác mọi công việc, lập tức lên đường gặp bệnh nhân (BN).
Bóng hồng kiên cường

Vừa nghe báo có ca mới mắc COVID-19, Trương Thị Thanh Lan (29 tuổi), cử nhân Y tế công cộng khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm của HCDC vội bỏ hộp cơm trưa, cẩn thận kiểm tra lại bộ đồ phòng dịch, chiếc khẩu trang N95 đã chuẩn bị sẵn và tức tốc lên đường.

Công việc của Lan là điều tra dịch tễ, xác định hành trình, những người mà BN gặp gỡ, giao tiếp trong 14 ngày gần nhất. “Chúng tôi thường đến gặp trực tiếp BN chứ ít khi trò chuyện qua điện thoại. Bởi, chỉ có đến tận nơi thì mới biết BN có nói thật hay không, có hoảng loạn không để mình còn kịp thời hỗ trợ tâm lý. BN nhớ chính xác bao nhiêu, cung cấp thông tin chính xác bao nhiêu thì nguy cơ chặn dịch lây lan trong cộng đồng càng hạn chế bấy nhiêu” - Lan chia sẻ.

7 năm trong công tác phòng dịch, cô cử nhân trẻ cho hay, chưa bao giờ căng thẳng như lúc này. Toàn bộ anh em các khoa phòng đều được tăng cường vào đội xác minh, điều tra dịch tễ. Bất kể nắng mưa, ngày đêm, xa gần… chỉ cần nghe có BN mắc COVID-19 mọi người phân công nhau đến tận nơi.

Huỳnh Thị Hoài Thương (27 tuổi), bác sĩ Y học dự phòng của khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe cũng trở thành “tân binh” của đội giám sát chống dịch, trực chiến ở sân bay Tân Sơn Nhất thời điểm hàng ngàn người ở nước ngoài về nước. Vừa hoàn thành đợt cao điểm, cô liền trở thành lính mới đội điều tra dịch tễ.
“Mình chủ yếu làm công tác truyền thông, tuyên truyền, nay được điều động thêm nhiệm vụ mới, nhất là công việc có nguy cơ cao nên có phần lo lắng. Sau khi được tập huấn và ra “chiến trường”, mình dần quen việc, sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu” - Thương, khẳng định.

Trên từng cây số

BS Đặng Văn Tài, Phó trưởng khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe khoe vừa có thêm “chức” Tổ trưởng Tổ giám sát chống dịch. “HCDC có 10 tổ giám sát chống dịch, 3 người/tổ. Chúng tôi gần như có mặt trên từng cây số, đến tất cả những nơi BN mắc COVID-19 đi qua, gặp gỡ những người từng tiếp xúc với BN. Sau đó tùy theo trường hợp mà phân loại F2, F3… cần cách ly tập trung hay tại nhà” - BS Tài cho biết.

Nhớ lại BN số 150 mà mình tham gia điều tra, BS Tài cho biết, quá trình tìm hiểu, xác minh lịch sử đi lại của BN này cực kỳ gian nan. Do BN có mối quan hệ rộng, tiếp xúc nhiều người, đi lại nhiều nơi nên tổ điều tra mất khá nhiều thời gian mới hoàn thành.

Bác sĩ không khoác áo blouse ảnh 1 Tổ điều tra dịch tễ của CDC chuẩn bị tác chiến
Còn Hoài Thương không thể quên ổ dịch ở bar Buddha (quận 2-TPHCM). Khách đến đây đa số người nước ngoài, nhiều khi tra được tên, số điện thoại nhưng không liên lạc được. Đến tận chung cư thì ban quản lý nói không có… Thương tâm sự: “Thông thường, nếu BN ở phường xã nào có anh em trung tâm y tế nơi đó phụ trách điều tra, nhưng đây là dịch lớn nên mình phải đi cùng họ. Dù ở bất cứ nơi đâu trong thành phố này, chúng tôi cũng phải tìm cho ra họ. Vì vậy, nhiều đêm về tới nhà đã mệt phờ, chỉ muốn đặt lưng ngủ ngay lấy sức cho ngày mai tiếp tục hành trình”.

Trước đây, BS dịch tễ thường theo dõi, giám sát các bệnh dịch như sởi, sốt xuất huyết, bệnh dại… trên địa bàn, từ khi xuất hiện dịch COVID-19, công việc của họ tăng lên gấp nhiều lần. Những bữa cơm dang dở, những đêm thức trắng, những chuyến đi liên miên… trở nên thường xuyên đối với họ. “Nói thì đơn giản nhưng nhiều khi tìm được 1 trường hợp người tiếp xúc gần để đưa vào cách ly có khi phải mất hơn một ngày. Bởi chỉ cần sai tên họ hay năm sinh, số điện thoại là phải rà soát, đối chiếu lại từ đầu. Tìm không ra không yên tâm, vì họ có thể mang mầm bệnh, là mối nguy cho cả cộng đồng…” - một BS điều tra dịch tễ thổ lộ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ai đã được phân theo dõi BN mắc COVID-19 nào phải theo dõi, giám sát thường xuyên đến khi nào họ khỏi bệnh, lúc đó mới hoàn thành chuỗi ca để chuyển sang BN khác. “Chúng tôi không phải công an, người dân, du khách cũng không phải tội phạm, nên không thể làm như…ép cung được. Những lúc ấy chúng tôi phải mềm mỏng, khéo léo tuyên truyền, vận động, tránh gây áp lực để người dân bình tĩnh hợp tác. Thế nên mới có chuyện, có người khai báo sai, thiếu những người mình gặp, những nơi mình đi; sau khi được giải thích, vận động, họ xin khai báo lại từ đầu…” - Thanh Lan trải lòng.

Bệnh nhân phát sốt, bác sĩ phát run

Mỗi ngày qua đi, khi mọi người đã gác lại công việc và trở về với gia đình, thì BS dịch tễ vẫn lặng lẽ ở lại nơi làm việc, chờ kết quả xét nghiệm sàng lọc. Mỗi ca bệnh xuất hiện là lúc họ lại thức trắng đêm để phối hợp với các ngành, địa phương, đồng nghiệp thực hiện khoanh vùng xử lý. Họ tận dụng, giành giật từng phút, ngăn chặn không cho dịch có cơ hội lan rộng.

Theo chân những người tiếp xúc với BN để truy tìm các dấu vết lây nhiễm là công việc vất vả, yêu cầu mỗi y bác sĩ phải liên tục theo dõi, cập nhật hàng ngày. Công việc tiềm ẩn đầy nguy cơ lây nhiễm, cực kì nguy hiểm là vậy nhưng có mấy ai biết đến, hình dung được. “Tất cả mọi người đều làm hết khả năng, sẵn sàng ứng trực liên tục, không ai được phép ngừng liên lạc. Trong bất cứ tình huống nào, khi có lệnh điều động là lên đường. Chúng tôi đều xác định không sợ dịch nếu biết cách phòng chống”- Hoài Thương chia sẻ.

Luôn xác định mình thuộc nhóm có nguy cơ cao, mỗi lần về nhà Thanh Lan chạy ngay vào phòng, không dám trò chuyện, ôm ba mẹ như trước. “Ba mẹ tôi đều lớn tuổi lại có nhiều bệnh. Thế nên mình về nhà là không dám gặp ai, chỉ mong dịch mau qua…” - Thanh Lan rớm nước mắt khi nhắc về người thân.

Mở chiếc ba-lô có đủ “đồ nghề” với đủ loại khẩu trang, quần áo phòng dịch, nước rửa tay nhanh… BS Đặng Văn Tài tâm sự: “Mỗi chúng tôi đều trang bị sẵn một ba-lô như vậy khi tác nghiệp. Chúng tôi dù không điều trị trực tiếp nhưng lại có thể bảo vệ sức khỏe của rất nhiều người. Chỉ mong cộng đồng nâng cao nhận thức và khai báo trung thực”.

Từ 28 tết âm lịch đến nay, khi TPHCM ghi nhận có ca đầu tiên mắc COVID-19, các y bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thay nhau làm việc 24/24. Đi làm vài ngày không về, xuyên đêm điều tra dịch tễ… là chuyện thường ngày đối với họ.

(Còn nữa)
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.