Bài 2: Khủng hoảng nước sinh hoạt

Người dân Nghi Xuân đào sâu hơn 1m ở chân ruộng, vẫn không tìm thấy một giọt nước
Người dân Nghi Xuân đào sâu hơn 1m ở chân ruộng, vẫn không tìm thấy một giọt nước
TP - Miền Trung bây giờ không chỉ có cảnh ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết, “tất cả các dòng sông đều…cạn”, thảm kịch thiếu nước sạch nông thôn đang cận kề.

>> Bài 1: Gặt lúa nuôi… bò!

Hầu hết giếng nước tại xã Xuân Hồng (Nghi Xuân- Hà Tĩnh) cạn trơ đáy
Hầu hết giếng nước tại xã Xuân Hồng (Nghi Xuân- Hà Tĩnh) cạn trơ đáy . Ảnh: Ảnh: Q.Long - M.Thùy - Trường Long


Hàng vạn giếng khô cạn

Tại Hà Tĩnh, hiện có gần 100/262 xã thiếu nước, gần 300.000 người không đủ nước sinh hoạt. Hàng vạn giếng nước tại các xã ven biển như Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh cạn trơ đáy. Ngày 12-7, PV Tiền Phong có mặt tại xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân), nơi hạn hán khốc liệt nhất dải đất miền Trung. “Xuân Hồng nằm cạnh sông Lam, nhưng đang thiếu nước trầm trọng. Toàn xã 1.600 hộ dân, gần 1.000 hộ giếng bị cạn, không có nước sinh hoạt”, ông Trần Duy Đệ, Chủ tịch xã lo lắng.

Anh Nguyễn Phi Phượng, cán bộ xã Xuân Hồng dẫn chúng tôi vào xóm 3, để chứng kiến hàng trăm gia đình đang khốn đốn vì thiếu nước ăn uống, tắm giặt. Nắng hạn khốc liệt đốt cháy đồng ruộng, làm cạn kiệt tất cả các giếng khơi, khiến sinh hoạt của nhà nông đảo lộn.

Căn nhà anh Phượng xây trên sườn núi Hồng Lĩnh, xung quanh không có ao hồ, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào giếng nước trước cửa. Mạch nước bị triệt tiêu, giếng trơ đáy, cuộc sống của gia đình 6 nhân khẩu hết sức chật vật. “Chúng tôi phải chắt chiu, dành dụm từng ngụm nước. Mỗi ngày xin được một xô nước, chia ra từng gàu để nấu ăn, đun nước uống. Thậm chí chậu nước rửa rau cũng không dám đổ đi, dành cho đàn gia cầm và tưới cây ăn quả trong vườn!”, anh Phượng kể.

Thiếu nước nghiêm trọng, dân xóm 3 Xuân Hồng tá hỏa đi thuê thợ về làng khoan giếng. Phải khoan sâu xuống 25-30m dưới lòng đất mới bắt được mạch nước ngầm. Những khu vực xa núi, khoan thủ công, mỗi giếng khoan giá tiền công 1,5 triệu đồng, nhà nông phải chi thêm 500 ngàn tiền mua ống nước, mất hàng triệu đồng mua máy bơm, đã nghèo lại càng thêm nghèo.

Túng thiếu, nhiều gia đình đành bán lúa, bán gạo, bán đàn lợn lấy tiền khoan giếng. “Nơi đất mềm, giá khoan rẻ hơn, chứ đào được một cái giếng trên núi đá để lấy nước tốn gần 10 triệu đồng. Vụ hè thu coi như trắng tay, giờ lại phải chi khoản tiền lớn để có nước dùng, thật khốn khổ!”, một lão nông ở Xuân Hồng xót xa.

Tại thôn 14 xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), hình ảnh đập vào mắt đầu tiên là cảnh trẻ em oằn lưng cõng từng thùng nước. “Tuần trước, em còn xin được nước của những gia đình có giếng sâu, nhưng nhiều người đến múc nên nước bị cạn. Để có nước ăn uống, bốn giờ sáng cả xóm thức dậy người xách can, kẻ vác xô đi xin nước đông như trẩy hội!”, em Lê Thị Lý kể.

Sát nhà Lý, hai anh em Nguyễn Văn Ứng, Nguyễn Văn Mạnh ngồi bên bờ ao tránh nóng than thở: “Nhà cháu, nước chẳng còn một giọt, mấy bữa ni phải sang nhà bà nội tắm. Nắng như thiêu đốt, giếng của bà cũng cạn nước, phải chờ chiều tối bố đi làm về đưa đi tắm!”.

Dân Cẩm Mỹ đổ xô lên bìa rừng vét từng giọt nước tù đọng còn sót lại dọc khe suối. Mang nước về nhà, cho vào bể lọc, “gạn đục khơi trong” cả ngày trời mới chắt được một can nước để dùng.

Cách đó vài kilômét, thôn 16 xã Cẩm Quan cũng có hàng trăm giếng cạn, người già trẻ nhỏ phải ra đập nước thủy lợi để tắm giặt, lấy nước sinh hoạt.

Người dân Nghi Xuân đào sâu hơn 1m ở chân ruộng, vẫn không tìm thấy một giọt nước
Người dân Nghi Xuân đào sâu hơn 1m ở chân ruộng, vẫn không tìm thấy một giọt nước.


Giá nước sạch leo thang

Tại Nghệ An, nhiều nơi sông suối trơ đáy, giếng cạn kiệt, dân phải bỏ tiền ra mua từng thùng nước về dùng. Các xã Liên Thành, Sơn Thành (huyện Yên Thành); Quỳnh Dị, Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu); Nghi Kiều, Nghi Văn, Nghi Lâm (Nghi Lộc), giá mỗi thùng nước dao động từ 20.000 đến 40.000 đồng. Xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu), người dân phải mua nước bơm từ sông Hiếu, giá là 30.000-50.000 đồng/m3.

Chị Trần Thị Huệ, một người dân trong xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc) cho biết, gần hai tháng nay, bà con trong làng Mỹ Hào phải vật lộn với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn, Nghi Mỹ- xã bán sơn địa là một trong những điểm hạn hán gay gắt nhất tỉnh Nghệ An.

Để giúp bà con dự trữ nước sinh hoạt, chính quyền sở tại hỗ trợ một khoản kinh phí xây bể chứa và khoan giếng. Ròng rã 2 tháng liền, trời không một giọt mưa, bể chứa trống trơn, thiếu nước trầm trọng. Công trình dự trữ nước nằm phơi nắng. Anh Nguyễn Văn Sơn, một người dân địa phương kể: “Cả làng trông chờ vào ao nước ngọt, nhưng nước cạn lòi đáy. Mỗi lần có người đến lấy nước, váng bùn và rêu bèo nổi lên, nom phát khiếp nhưng không thể không múc về dùng”.

Tại xã Nghi Thuận (Nghi Lộc), người dân phải đánh xe đi mua từng can nước cách hàng chục cây số. Không ít người đi làm đồng về mồ hôi nhễ nhại, chỉ dám lấy chiếc khăn mặt thấm nước lạnh lau qua một lượt, không dám tắm. Tại Bệnh viện Đa khoa Nghi Mỹ, rất nhiều người nhà bệnh nhân khi đưa người bệnh vào đây đã phải chở theo can nước ngọt.

Chiều 12-7, Sở NN&PTNT phối hợp Sở Tài chính Nghệ An họp bàn, tìm phương án hỗ trợ kinh phí nước sinh hoạt cho 400.000 nông dân trong trận đại hạn này.

Thanh Hóa - Trong những tháng qua, hệ thống các sông ở tỉnh Thanh Hóa gần như cạn kiệt nước, nhiều vùng ven biển bị nước mặn xâm thực.

Theo kế hoạch, vụ mùa này, toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ gieo cấy 118.000 ha lúa. Nhưng do đồng ruộng khô hạn, thiếu nước tưới nghiêm trọng, nên đến nay, số diện tích gieo cấy mới đạt hơn 77%. Tuy nhiên, một số diện tích lúa đã gieo cấy đang chết dần do thiếu nước hoặc nhiễm mặn. Tổng diện tích đất lúa bị hạn ở Thanh Hóa là 35.698 ha. Đặc biệt, tại huyện vùng cao, biên giới Mường Lát, hạn hán xảy ra nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ mất trắng lúa, cây màu trên diện rộng.

Một, hai ngày nữa, nắng nóng kết thúc

Về tình hình nắng nóng khô hạn ở Bắc Bộ và Trung Bộ, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiệu ứng phơn hay còn gọi là gió Lào sẽ chấm dứt trong 1-2 ngày tới.

Ở miền Bắc, mưa sẽ tăng dần cả về lượng và diện từ nay đến cuối tuần; nắng nóng về cơ bản sẽ chấm dứt từ ngày 14-7. Ở Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng trở vào, từ trưa chiều ngày 12-7 đã bắt đầu có mưa, nắng nóng không còn, hạn hán được cải thiện.

Ở Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, nắng nóng chỉ còn tiếp tục 1-2 ngày nữa; từ giữa tuần nắng nóng chấm dứt, sẽ bắt đầu có mưa nhưng phải đến những ngày cuối tuần mới có khả năng mưa khá hơn để giải tỏa hay ít nhất cũng làm dịu bớt tình trạng hạn hán.

 
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.