Bài học đắt giá sau vụ chìm tàu tang thương tại cửa biển Gành Hào

Thầy cô giáo, bạn bè thương tiếc cô học trò Trần Tú Trân.
Thầy cô giáo, bạn bè thương tiếc cô học trò Trần Tú Trân.
TP - Vụ lật tàu cá mang số hiệu BL 93322 trong khi đi tham gia lễ hội Nghinh Ông sáng 6/4 tại cửa biển Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) khiến 3 người chết và mất tích.

Bài học đắt giá

Báo cáo cập nhật ngày 7/4 của UBND huyện Đông Hải cho biết, số người có mặt trên tàu đánh cá BL 93322, bị lật ở cửa biển Gành Hào là 41 người. Trong đó, đã xác định được 2 người bị chết, 12 người bị thương do đuối nước và một người được cho là mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy xác.

Ông Tô Minh Đương- Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban tổ chức Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải cho biết, Ban tổ chức đã huy động hơn hai trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an, quân đội, biên phòng, kiểm ngư… của tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ tổ chức lễ hội nhưng vẫn xảy ra tai nạn thương tâm là điều thật đáng tiếc.

Ông Đương nói, “tai nạn quá bất ngờ, lực lượng bảo vệ không kịp trở tay” và “Đây là bài học quá đắt cho chúng tôi”. Theo ông Đương, trong tuần tới, Ban tổ chức sẽ họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Khi tàu bị lật, ông Huỳnh Phú Khương, một người làm công cho cơ sở thu mua hải sản gần nơi xảy ra tai nạn đã cùng người bạn là Huỳnh Trường Giang dùng xuồng máy lao ra ứng cứu. Ông Khương cho biết: “Tàu của Biên phòng đã quăng phao cứu sinh cho bà con đeo bám và anh em chạy đò dọc quanh đây túa ra cứu vớt”.

Ông Dương Thành Trung-Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tàu lật ở vị trí còn nằm trong sông và tại thời điểm tàu lật, nước biển đang lên và chảy ngược vào sông.

“Nếu tàu ra ngoài biển thì hậu quả khôn lường” – ông Trung nói. Ông cho biết đã chỉ đạo cho Sở VH- TT- DL soạn thảo qui chế quản lý lễ hội Nghinh Ông trong thời gian tới. Có thể, các cơ quan tham gia bảo vệ an toàn cho lễ hội có thẩm quyền không cho tàu ra khơi tự phát, chở quá tải và chạy tốc độ cao trên biển.

Trong khi đó, theo ông Tô Minh Đương, lễ hội Nghinh Ông trở thành nét văn hóa truyền thống, tâm linh cần được giữ gìn. Do vậy tổ chức lễ hội Nghinh Ông để đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con nhưng phải an toàn. “Các năm tiếp theo sẽ quản lý chặt chẽ lượng tàu và người ra khơi để làm sao an toàn tuyệt đối ngay từ trong bờ”- ông Đương cho hay.

Bỏ lại ước mơ

Khu chợ Long Điền thuộc ấp Cây Giang, xã Long Điền (Đông Hải) chìm trong không khí ảm đạm, tang thương trước sự ra đi của em Trần Tú Trân, lớp 11 C1, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Giá Rai, Bạc Liêu). Thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Văn Hậu nói về học trò của mình: “Tú Trân là học sinh khá giỏi, học lớp chọn, ước mơ vào đại học theo truyền thống gia đình”. Cha của Tú Trân, thầy giáo Trần Đức Hiển cho biết, vợ chồng có 2 người con gái, đứa lớn đang học năm thứ 2 Đại học y dược Cần Thơ. Còn Tú Trân học giỏi từ nhỏ và ước mơ vào giảng đường đại học.

Căn nhà của ông giáo Trần Đức Hiển không ngớt người đến thăm viếng, chia sẻ và thương tiếc cô học trò ngoan hiền, học giỏi. Em Nguyễn Thị Nga, bạn học Tú Trân kể: “Hôm đó, đúng vào ngày nghỉ giỗ tổ Vua Hùng nên cả nhóm 12 bạn cùng lớp rủ nhau đi lễ hội Nghinh Ông. Các bạn đi trên các con tàu khác, riêng Tú Trân đi trên tàu BL93322”.

Ở khu chợ Gành Hào, chính quyền và bà con quanh vùng kéo đến viếng thiếu nữ xấu số Lê Ngọc Hân rất đông. Ông Lê Văn Tài, cha của Ngọc Hân kể: “Nhà nghèo, ông nội bị bệnh thận, phải chạy thận 3 lần/tuần nên Ngọc Hân nghỉ học từ lớp 8 để giúp gia đình”.

Bà Khưu Thị Kim Chi nói về đứa con gái đầu lòng: “Ngọc Hân chăm chỉ làm việc, phụ giúp cha mẹ, nuôi dưỡng ông bà. Dù đã 17 tuổi, Ngọc Hân không dám sửa soạn, ham chơi như bạn bè…”.

Chiều 7/4, lãnh đạo huyện Đông Hải cũng đến chia buồn, động viên ông bà ngoại già yếu của nạn nhân mất tích Trần Thị Mỹ Duyên, 19 tuổi. Ông Tô Minh Đương-Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, từ hôm qua đến nay, lực lượng chức năng tiến hành tìm kiếm suốt ngày đêm nhưng vẫn chưa thấy xác nạn nhân.

Trong đêm nay (7/4), các lực lượng biên phòng, kiểm ngư… tiếp tục tìm kiếm Mỹ Duyên. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ và thanh niên trai tráng tại địa phương xuống tàu lớn, xuồng máy tỏa các nơi kiếm tìm nạn nhân.

Thạc sĩ Trần Hiếu Hùng-GĐ Sở VH-TT-DL Cà Mau: “Lễ hội Nghinh Ông là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đặc trưng ngư dân ven biển cần được bảo tồn, phát triển. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phải quản lý, bảo vệ người dân tham gia lễ hội, nhất là khi lễ hội diễn ra trên biển”.

MỚI - NÓNG