Bài học gia đình

Bài học gia đình
TP - Hai bài nói chuyện của hai người đàn bà nước Mỹ đang đem lại cho thế giới nhiều tình cảm, suy nghĩ.

> Ông Romney công kích nhầm ông Obama

Một là của đương kim đệ nhất phu nhân, một là ứng viên ngôi vị này trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Một từ đảng Dân chủ, một đảng Cộng hoà, một da màu, một da trắng.

Dù từ hai “chiến tuyến”, câu chuyện của họ đưa ra để thuyết phục cử tri Mỹ bỏ phiếu cho những đức phu quân, vẫn là câu chuyện gia đình của chính họ. Hai gia đình “hạt nhân” của hàng triệu gia đình trên toàn nước Mỹ.

Về chiến thuật tranh cử, đó là sự “bạch hoá” khôn ngoan và cần thiết của những nội tướng. Nhưng không chỉ có vậy, đằng sau đó còn là những bài học nhân bản muôn thuở, không chỉ có ý nghĩa với một cuộc tranh cử hay một sự nghiệp chính trị.

Từ chuyện về gia đình nguyên thủ, phổ quát lên là câu chuyện về đất nước, với đất nước. “Cũng như bất kỳ người mẹ nào, tôi đã lo lắng rằng sẽ ảnh hưởng thế nào đối với các con gái của chúng tôi nếu anh ấy làm Tổng thống. Làm sao chúng tôi có thể giữ cho chúng khiêm tốn khi bị cả nước chú ý?”.

Đệ nhất phu nhân Michelle Obama tự trả lời “chức vụ quan trọng nhất của tôi vẫn là người mẹ thủ lĩnh (Mom in chief)... Nếu chúng ta muốn cho tất cả trẻ em của chúng ta một nền tảng ước mơ và những cơ hội xứng đáng với triển vọng của chúng, thì chúng ta phải làm việc cật lực hơn bao giờ hết”.

Với điều kiện “đừng bao giờ đi đường tắt hoặc chơi bằng cách thiết lập các quy tắc của riêng mình… Sự thành công sẽ không được tính, trừ khi bạn có được từ sự công bằng và lương thiện”.

Người Á Đông, trong đó có dân Việt ta luôn được cho rằng có truyền thống coi trọng gia đình, trái với phương Tây thuần lý tính và công việc. Nhưng nhìn kỹ lại, thì đó có vẻ chỉ là bề ngoài.

Đặc biệt giữa thời hiện đại, sự lỏng lẻo, thực dụng thấy rõ trong từng giềng mối gia đình. Tính tự lập của thế hệ sau ít được rèn giũa từ nhỏ, mà thay vào đó hầu như chỉ là sự bảo bọc, o bế của các bậc ông bà, cha mẹ, chú bác cô dì.

Bảo bọc bằng tiền, bằng quyền, bằng quan hệ. Bằng chạy chọt xin xỏ, che chắn giấu giếm, bằng cưng nựng, vỗ về… Tình thương, trách nhiệm cùng những bài dạy làm người trong gia đình bị phai nhạt quá nhiều. Thế hệ sau chỉ việc dựa vào “kỹ năng sống” của thế hệ trước.

Nên lại nghĩ, việc phải ghi tên cha mẹ lên chứng minh nhân dân của những người đã trưởng thành, liệu có đắc dụng và thuyết phục, nếu chỉ với mục đích nhằm quản lý tốt hơn vài khía cạnh mua bán, giao dịch nào đó?

Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong mọi hình thái xã hội, đều chỉ là những cá nhân công dân, chứ không phải là cả gia đình! Giềng mối gia đình xuất hiện trong tấm căn cước công dân, lần nữa lại cho thấy sự nhầm lẫn về giá trị gia đình đang hiện hữu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG