Bài học từ việc tiếp xúc với một già làng người Cơ tu

Bài học từ việc tiếp xúc với một già làng người Cơ tu
TP- Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận TW Vũ Trọng Kim- nguyên Bí thư thứ nhất TW Đoàn, nhân dịp đầu năm, đã dành thời gian kể về kỷ niệm sâu sắc nhất, in dấu ấn trong quãng thời gian hoạt động Đoàn của mình.

Đã có mấy chục năm gắn bó với công tác Đoàn, ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận TW Vũ Trọng Kim- nguyên Bí thư thứ nhất TW Đoàn - cũng từng lãnh đạo Đoàn xây dựng nhiều phong trào, phần việc thiết thực như: Tháng Thanh niên, mùa hè tình nguyện, Đảo thanh niên, công trình thanh niên...

Ngày còn là cán bộ Đoàn của khu 5 (năm 1972), trong một chuyến đi công tác tới xã vùng cao Tắc Bó (huyện Trà My- Quảng Nam), đến ngày thứ 3 tôi bị lạc vào vùng rừng bố phòng. Quanh tôi toàn là những hố nguỵ trang cắm chông, gài bẫy và đặt mìn... Trong lúc nguy hiểm đó có 2 thanh niên, 1 nam, 1 nữ người dân tộc Cơ tu đã đưa tôi về làng.

Mọi người ân cần chào đón tôi và người tiếp chuyện tôi đầu tiên là Già làng. Già vui vẻ hỏi chuyện tôi và cắt đặt, phân công cho mọi người chuẩn bị bữa cơm ngon nhất đãi khách. Cơm nước xong xuôi, bà con lại gói ghém đồ ăn, thức uống và hướng dẫn tận tình cho tôi đường đi. Tất cả những công việc này được thực hiện nhanh gọn theo sự chỉ bảo của già làng.

Lần đầu tiên tiếp xúc với người dân tộc thiểu số trong hoàn cảnh được cưu mang, bảo vệ đã để lại ấn tượng tốt đẹp và rất sâu sắc đối với một người trẻ tuổi như tôi.

Tôi nhận thấy tính cố kết, gắn bó chặt chẽ của cộng đồng người Cơ tu rất cao và người cầm trịch, đại diện cho sự cố kết ấy đóng cả vai trò cai quản cộng đồng - một người có quyền lực cao nhất trong bản - đó là Già làng.

Đó là kinh nghiệm quý giá đầu tiên giúp cho tôi trong công tác vận động, tập hợp thanh niên khi làm cán bộ Đoàn. Sau khi tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu nhi (năm 1980), tôi nhận công tác Bí thư tỉnh Đoàn Gia Lai-Kon Tum. Công việc đầu tiên tôi bắt tay vào làm là vận động, tập hợp thanh niên, xây dựng mô hình làng thanh niên ngay tại khu dân cư.

Đó là thời điểm khó khăn, thậm chí phải nói là “giành giật” thanh niên vì lúc đó lực lượng phản cách mạng Fulro có vũ trang hoạt động mạnh cộng với hoạt động truyền giáo trái pháp luật của các thế lực thù địch gây nhiều khó khăn cho chính quyền cơ sở. Sẵn có kinh nghiệm quý giá của ngày trước vận động bà con dân tộc ở các buôn làng tham gia đánh giặc, nay mình vận động xây dựng phong trào cũng phải bắt đầu từ Già làng.

Tôi cùng các đồng nghiệp chuẩn bị chương trình một cách công phu từ biện pháp gây quỹ, cách tiếp cận các buôn làng... Đến các buôn, người đầu tiên chúng tôi tiếp xúc, thuyết phục và tuyên truyền là Già làng. Nhờ thế, có thông tin hay bất cứ chuyện gì mới, đêm xuống bên bếp lửa, Già lại tập hợp thanh niên rồi kể chuyện cho họ, họ tin và nghe theo răm rắp.

Vậy là bằng những tờ rơi có hình ảnh và được in bằng các thứ tiếng của từng dân tộc mang nội dung tình đoàn kết, truyền thống quý giá của dân tộc, sự đóng góp, tinh thần tình nguyện của thanh niên trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc... đã được thấm nhuần tới không những từng bạn trẻ mà tới cả người già và trẻ nhỏ trong buôn.

Có quà tặng như radio, báo chí, bánh kẹo, thuốc lá... chúng tôi cũng nhờ Già làng đứng ra nhận và phân phát cho từng người. “Nước chảy, đá mòn”, nhờ những buổi trò chuyện qua lời kể của Già làng, thanh niên ở các buôn làng đã được trang bị 2 cái biết: Biết được nhiệm vụ cách mạng; biết đánh chiêng, hiểu được lịch sử dân tộc mình.

Thanh niên được trang bị 2 cái có: Biện pháp thi đua tăng gia sản xuất và tinh thần gia nhập lực lượng dân quân tự vệ. Và 1 điều không là: không nghe và làm theo lời kẻ xấu.

Đó là những “chất bột” gột nên những Làng Thanh niên ở ngay trong buôn, bản làng. Bắt đầu từ 10 Làng thanh niên, vài tháng, vài năm sau lên tới hàng trăm làng mọc lên và bám rễ vững bền ở Gia Lai- Kon Tum. Ở đâu có Làng thanh niên, ở đó có đời sống mới đoàn kết và một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng.

Mô hình Làng thanh niên từ những năm 1980 do Đoàn Thanh niên gây dựng là một trong những cơ sở để đến năm 1995 Nhà nước ta phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa” rồi đến “Làng văn hóa”... 

Phương Hiếu (ghi)

MỚI - NÓNG