Hoàng Sa, Trường Sa - lịch sử ghi những ngày này:

Bãi Macclesfield và lưỡi bò liếm xéo Biển Đông

Tàu ngư dân Quảng Nam đang đánh bắt cá tại bãi cạn Macclesfield Ảnh: Văn Chương
Tàu ngư dân Quảng Nam đang đánh bắt cá tại bãi cạn Macclesfield Ảnh: Văn Chương
TP - Việc Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập 2 quận Tây Sa, Nam Sa, công bố danh xưng tiêu chuẩn để tạo cớ đưa thêm vũ khí ra các bãi đá là một chuỗi hành vi thể hiện âm mưu thâm độc mà họ đã toan tính từ lâu. Khu vực biển, đảo mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền phi lý liếm trọn Biển Đông (bao gồm cả bãi cạn Macclesfield) với một tham vọng ngông cuồng. 

Macclesfield, điểm giữa 

Nhiều học giả trên thế giới, như ông Bill Hayton đã chỉ ra sự “ngớ ngẩn” của Trung Quốc trong việc xem bãi cạn Macclesfield là đảo nổi để viện cớ tuyên bố chủ quyền. Trên Biển Đông, các ngư dân đánh bắt xa bờ ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và TP Đà Nẵng thường nhắc đến bãi Macclesfield. Trong các tài liệu thì bãi ngầm Macclesfield nằm giữa Biển Đông. 

Ở các tỉnh miền Trung, ai là người đầu tiên ra bãi ngầm Macclesfield? Tôi đã phỏng vấn nhiều ngư dân có thâm niên đánh bắt cá ở nhiều tỉnh và biết rằng, Bùi Trửu, quê ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một trong rất nhiều ngư dân thường ra đây đánh bắt cá. Ông Trửu ra bãi ngầm này vào năm 1983. Bãi ngầm Macclesfield nằm ở mạn đông của quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Bom Bay khoảng 74 hải lý. Ông Trửu có lần đánh bắt cá ở Hoàng Sa bị lính Trung Quốc bắn và bị thương, sau vụ đó, ông quyết định mở hướng đánh bắt xa hơn, tìm vùng biển mới. 

Các ngư dân Việt đánh bắt nhiều năm ở đây đo được bãi cạn này dài đến 75 hải lý, rộng khoảng 33 hải lý, có vài điểm mực nước chỉ sâu hơn chục mét. Tàu chở cá từ Macclesfield vào cảng Đà Nẵng bán đã gây sự chú ý lớn cho cả làng chài, vì cá ở vùng biển này quá nhiều và to, cá lớn nhất là cá kiếm, mỗi con nặng 250-300 kg, các ngư dân phải cưa cá làm nhiều đoạn mới bỏ được xuống hầm tàu. Hình ảnh đó đã góp phần thúc đẩy ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng tìm hiểu kỹ hơn về bãi cạn này. 

Những năm đầu tiên ra Macclesfield, ngư dân rất vất vả trong việc định hướng (năm 1995, ngư dân mới bắt đầu mua được thiết bị định vị vệ tinh). Ông Nguyễn Đông (70 tuổi) ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, có lúc tàu lấy đảo Bom Bay (Hoàng Sa) làm điểm xuất phát để chạy ra, nhưng ra biển thì chạy lạc hướng, có lúc đi vào giữa bãi cạn, trúng chỗ sâu quá nên lại phải chạy vô rồi tiếp tục chạy ra lần nữa. Từ trước đến nay, chủ yếu tàu cá của ngư dân Việt Nam hiện diện tại đây. Một số tàu của Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan cũng từng đến nhưng thời gian sau ít xuất hiện.

Kinh ngạc vì lời rêu rao

Macclesfield là vùng biển rất xa xôi đất liền. Vì vậy những diễn biến và thay đổi ở vùng biển thuộc địa phận quốc tế trên Biển Đông, nếu ai ít chuyên tâm thu thập và lưu trữ thông tin thì mọi thứ sẽ khá mờ mịt. Bản thân tôi cũng tham gia thực hiện công trình nghiên cứu về Biển Đông, vì vậy những diễn biến bất thường tại bãi cạn Macclesfield đều được tôi lưu trữ làm nguồn tư liệu.

Tôi cho rằng, khi hải quân Trung Quốc mạnh dần lên, họ sẽ mở rộng vòng dồn ép từ quần đảo Hoàng Sa rồi ra tới bãi cạn. Những tư liệu này tôi tập hợp trong báo cáo khoa học “Trục quan hệ của ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”. Đề tài này đã được Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông thuộc Học Viện Ngoại giao trao giải báo cáo khoa học xuất sắc năm 2018.

Bãi Macclesfield và lưỡi bò liếm xéo Biển Đông ảnh 1 Nhà báo Lê Văn Chương người cầm máy quay cùng ngư dân tại bãi ngầm Macclesfield

Một trong những sự kiện mà tôi cho là đã có dấu hiệu bất thường. Đó là vào tháng 4 năm 2015, tàu tuần tra Trung Quốc xuất hiện tại Macclesfield. Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi xác nhận, đó là lần xuất hiện rất hiếm hoi của tàu Trung Quốc. Vì tàu Trung Quốc ở Hoàng Sa và liên tục quậy phá tàu cá của bà con ngư dân, nhiều tàu cá của Việt Nam đã phải bỏ ra tận Macclesfield đánh bắt.

Dù vậy, lần này tàu Trung Quốc lại mang bộ mặt nham hiểm ra tận bãi cạn giữa Biển Đông thì hiển nhiên phải có ý đồ mới. Lần đó, tàu Trung Quốc đã áp vào gần các tàu cá của bà con ngư dân Việt, sau đó phát loa bằng tiếng Việt rằng, đây là vùng biển của Trung Quốc, các tàu cá của Việt Nam phải rời đi. 

Sau vụ việc trên, Trung Quốc không còn rêu rao trở lại. Qua tiến hành khảo sát để xây dựng báo cáo khoa học, tôi chưa ghi nhận vụ việc tàu tuần tra Trung Quốc ra bãi cạn Macclesfield đâm húc tàu cá của ngư dân. Động thái này có thể xuất phát từ việc Trung Quốc chưa dám manh động ở một vùng biển quá xa lãnh thổ. Nhìn chung, ngư dân Việt Nam vẫn yên ổn khi đánh bắt cá ở bãi cạn này. Ngư dân Việt Nam để trụ được ở bãi cạn là điều rất khó khăn, đa số ngư dân đến đây đều phải có kinh nghiệm dày dạn. Vì bãi cạn không có điểm che chắn khi trời nổi giông, xuất hiện lốc xoáy. Khi đến đây gặp thời tiết xấu, các ngư dân thường thả neo dù, cho tàu trôi tự do cho đến khi biển êm thì tiếp tục đánh cá. 

Barie phi pháp 

Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Thời gian này, lượng tàu cá đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa phải dạt ra Macclesfield nhiều hơn. Để đi từ đất liền ra Macclesfield, tàu cá phải băng qua quần đảo Hoàng Sa, nhưng Trung Quốc bắt đầu cho tàu hải cảnh cản đường, bắt tàu cá Việt Nam phải đi vòng rất xa về phía Nam rồi mới mở hướng ngược lại ra bãi cạn. Việc thiết lập barie phi pháp trên biển đã khiến ngư dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn. 

Ngư dân Nguyễn Thanh Tiến, thuyền trưởng tàu cá Quyết Tiến, ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, tàu của anh và nhiều tàu khác đã tốn kém rất nhiều nhiên liệu, vì bị tàu Trung Quốc ép chuyển hướng. Mỗi khi chở cá từ Macclesfield vào bờ, ngư dân Việt phải đi vào ban đêm để đỡ phải chạm mặt tàu Trung Quốc. Ra Macclesfield thì ngư dân đánh bắt bình thường, không gặp bất cứ một trở ngại gì.

Bãi Macclesfield và lưỡi bò liếm xéo Biển Đông ảnh 2 Hoàng Sa, bãi cạn Macclesfield và bãi cạn Scarborough - Ảnh: Tư liệu

Nhiều ngư dân cho biết: Việc Trung Quốc từng ra giữa Biển Đông rồi rêu rao đó là vùng biển của Trung Quốc thì không khác gì những kẻ coi thường pháp luật, cứ thấy chỗ nào có chút mồi mỡ thì mò đến rồi tuyên bố vùng này đã có chủ. Do đó, Chính phủ Việt Nam hết sức chú ý để hỗ trợ ngư dân, lên tiếng để cộng đồng quốc tế nắm được tâm địa của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc mới đây ngang nhiên tuyên bố thành lập 2 quận Tây Sa và Nam Sa, có thể hình dung được đường lưỡi bò phi pháp đang cố liếm một vệt dài chạy dọc theo Biển Đông. Nhưng nhìn vào sự kiện Trung Quốc tuyên bố ôm trọn cả bãi ngầm Trung Sa (Macclesfield), cái “lưỡi bò” tham lam phi lý đã liếm một vệt xéo trên Biển Đông. Đối diện bãi ngầm Macclesfield là bãi ngầm Scarborough (bãi ngầm Scarborough cách tỉnh Zambalies của Philippines 124 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc lên đến 472 hải lý).

Hoàng Sa - Macclesfield - Scarborough, nếu Trung Quốc thâu tóm cả 3 vị trí này thì coi như thâu tóm trong tay quyền tự do hàng hải của toàn bộ tàu thuyền thế giới qua đây. 

Macclesfield là một bãi ngầm nằm dưới mặt biển. Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, chỉ ra rằng, phần lớn các thực thể mà Trung Quốc đặt lại “danh xưng tiêu chuẩn” đều là thực thể chìm. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc “không thể tuyên bố chủ quyền trên đáy biển”. 

Trung tá Lê Văn Chương (Báo Biên Phòng), người dày công tìm hiểu, nghiên cứu về Biển Đông. Ông đã được Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) 2 lần trao giải thưởng “Nghiên cứu Biển Đông xuất sắc” năm 2017 và “Nghiên cứu Biển Đông đặc biệt xuất sắc” năm 2018. Lê Văn Chương cũng là tác giả một số cuốn sách gây chú ý về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.