KỲ CUỐI:

Bài thơ hòa bình 30/4: Hoa thơm, trái ngọt

Kỷ niệm nước Mỹ với hai nhà thơ Kevin Bowen (bìa trái) và Bruce Weigl
Kỷ niệm nước Mỹ với hai nhà thơ Kevin Bowen (bìa trái) và Bruce Weigl
TP - Trong quan hệ độc đáo Việt-Mỹ, những nhân vật như Catherine Karnow, Chuck Searcy, Wayne Karlin và nhiều người khác chính là tác nhân quan trọng, khiến cơ hội hòa giải đến rất sớm, từ mấy chục năm trước. Giờ là lúc hái trái ngọt mà thôi.

NHỮNG GƯƠNG MẶT TRONG MỘT CHUYẾN ÐI

Kevin Bowen là nhà thơ, giáo sư Đại học Massachusetts,  Giám đốc Trung tâm William Joiner. (Nay đổi thành Viện W.Joiner). Trước khi gặp ở Mỹ năm 2002, tôi đã đọc nhiều bài về ông cho nên khi đến thăm “ngôi nhà của Kevin” nổi tiếng (nơi chuyên đón tiếp nhà văn Việt Nam), không thể không ngầm thẩm định những điều từng nghe, từng đọc. 

Từ một người cũng bị “hội chứng Việt Nam” làm khổ - như Chuck Searcy và Wayne Karlin, về sau sự nghiệp, danh tiếng của Kevin Bowen đều gắn chặt với cái tên Việt Nam.

Trở lại Việt Nam lần đầu năm 1987, Kevin bắt đầu đại kế hoạch, đại dự án bền bỉ giới thiệu văn học Việt ở Mỹ, thường xuyên mời các nhà văn Việt Nam danh giá  đến giao lưu hội thảo, thậm chí tá túc nhà ông hàng tháng trời cho tiện, đỡ tốn kém. Hậu quả là ông bị người Việt và cựu binh Mỹ quá khích đủ kiểu ném đá. Thế mà ông lại ca ngợi sự dũng cảm của khách mời - mấy chục năm trước đã “dám” đến với mình. “Họ cho thế giới thấy sự thật của lòng dũng cảm”.

Công lênh của Kevin được tưởng thưởng xứng đáng. Năm  2011 ông được tặng Giải thưởng Phan Châu Trinh vì nỗ lực “dùng văn chương để xóa bỏ hận thù”. Thành phố Boston nơi ông sinh sống tôn vinh ông một ngày gọi là “Ngày Kevin Bowen”. Một trong số lý do là: Làm người Mỹ hiểu sâu sắc hơn về nền văn hóa Việt Nam - kẻ thù cũ của nước Mỹ.

Kevin làm thơ Chơi bóng rổ cùng Việt Cộng, Khúc hát thành Cổ Loa - vài tập chứ không chỉ đôi bài, thì nhiều người đã viết, kể cả việc người này từng dịch thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Chí Minh… giới thiệu cho độc giả Mỹ. Nhưng lúc này tôi lại nhớ một chuyện ngoài văn học từng khiến mình ấn tượng trong lần đi Mỹ 18 năm trước.

Số là lần đó ở Đại học Massachusetts, tôi gặp Tô Diệu Linh - con gái nhà thơ Tô Nhuận Vỹ.  Linh vốn là một nữ sinh Huế xinh đẹp. Đại hạn ập đến khi kẻ bị cô từ chối tình yêu đã xuống tay tạt axit khiến gương mặt bị hủy hoại hoàn toàn. 

Khi tôi gặp, Linh đã trải qua 8 cuộc đại phẫu nhưng chắc chắn những người quen cũ khó nhận ra cô. Tô Nhuận Vỹ kể với tôi: Hồi Linh mới lâm nạn, bố mẹ chỉ lo cô nghĩ quẩn nên không dám rời nửa bước, nếu cô mệnh hệ nào chắc chắn họ cũng đi luôn.

Chính Kevin Bowen, quen Tô Nhuận Vỹ từ trước, đã vận động bạn bè quyên góp đưa Linh sang Mỹ phẫu thuật đâu chỉ một lần. Sau đó có thể có thêm nguồn khác. Một cuộc đời đã được tái sinh. Lạ lùng nữa là có một chàng trai Mỹ chỉ đi cùng bạn đến thăm Linh, không biết gì về cô, thế mà quyết định làm một thiên sứ đậu xuống đời cô. Diệu Linh mà tôi gặp năm ấy hạnh phúc lắm, tôi cũng thấy anh chồng trẻ đẹp của cô ở cuộc tiệc, âu yếm gắp thức ăn cho vợ. Về sau họ sinh được hai con đẹp như thiên thần.

Câu chuyện đó mà không là bài thơ tuyệt đẹp sao? Tô Nhuận Vỹ, tác giả nhiều đầu sách chiến tranh, chắc không bao giờ hình dung đời ông lại ngoặt theo hướng này. Kẻ thù không đội trời chung giờ là bạn hữu, người nhà. Mà không chỉ có Kevin Bowen và con rể thôi đâu.

Grace Paley nữ sĩ, ai quên ai nhớ? Người rất nổi tiếng về thơ, hai lần được vinh danh “Thi bá New York”. Và nổi tiếng với tư cách một trí thức xuống đường, với những hành động phản chiến dũng cảm. Nếu xem 10 tập phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam xôn xao diễn đàn văn nghệ thế giới năm 2017 của hai đạo diễn Mỹ Ken Burns và Lynn Novick, bạn sẽ hiểu phong trào phản chiến xoay chuyển ghê gớm thế nào đến cục diện của “The Vietnam War”.

Từng sang Việt Nam thời chiến, Grace cũng là một trong những người Mỹ đến Hà Nội để đưa các phi công tù binh Mỹ trở về sau Hiệp định Paris. Khi chúng tôi gặp, Grace đã già lắm nhưng sự nồng hậu thắm thiết không vơi cạn. Cứ nghe chuyện Việt Nam là “mắt sáng như sao chổi” - chúng tôi đùa như thế.

Bruce Weigl cũng thú vị, là nhà thơ cựu binh, có chân trong hội đồng thẩm định thơ quốc gia hẳn hoi. Chuyến đi của chúng tôi do Bộ Ngoại giao Mỹ mời có nội dung “Cái nhìn của người cầm bút đương đại đối với các vấn đề xã hội Mỹ”, cả đoàn chừng chục mống thì hai nhà báo là tôi và Đỗ Quang Hạnh - Trưởng Ban Văn nghệ báo Lao Động, còn lại đều nhà văn. Có một chị mê tít Bruce. Trên xe đâu chỉ có chàng mà một lũ cú cáo nữa nhưng chị tỏ ra mềm yếu khác thường, cứ ư ử hát hết bài nọ bài kia. Bruce tuổi trung niên nhưng điệu bộ rất lý lắc. Bị thương trong chiến tranh Việt Nam khiến một bên tai nghễnh ngãng. Nghe Trần Đăng Khoa kể Bruce đùa với Khoa về cái tai: “Ông Lê Lựu ông ấy bắn tôi đấy”. (Tác giả Thời xa vắng cũng từng đi lính. Lê Lựu và Bruce rất mê nhau).

NHỮNG LẬP NGÔN

Trong tiểu luận chân dung  Hồ Anh Thái viết về Wayne Karlin có đoạn: “Có kẻ cho rằng ông giáo sư đại học ở Maryland này sa vào cơn khủng hoảng tinh thần cường điệu. Ông ta ở Việt Nam năm rưỡi, chưa hề gây tội lỗi, cớ gì đau khổ sầu muộn trong khi những kẻ gây bao cuộc thảm sát vẫn nhởn nhơ? Nỗi đau lương tâm thì chỉ những kẻ có lương tâm mới phải gánh chịu”.

“Nỗi đau lương tâm chỉ kẻ có lương tâm mới phải gánh chịu”. Câu này lại khiến tôi nhớ Lê Minh Khuê tả George Evans -  nhà thơ chị ưa thích, bài in báo Tiền Phong: “Tôi thấy anh dường như cũng không bình tĩnh trong căn nhà của mình. Anh đưa chúng tôi đi khắp nơi, giới thiệu sách, gặp các cựu binh và bạn đọc. Nồng nhiệt, quyến rũ, chu đáo, nhưng thảng thốt. Đấy không đơn thuần là vẻ ngoài của nghệ sĩ. Bây giờ đọc Wayne Karlin viết về Evans, tôi mới hiểu chiến tranh với sự khốc liệt của nó chưa bao giờ ra khỏi tâm trí anh”.

Tả “anh dường như cũng không bình tĩnh trong căn nhà của mình”  thật sự tinh tế. Thấy hội chứng Việt Nam nó ghê gớm thế nào? Còn tôi nói: Có nhân cách mới hiểu được nhân cách. (Nhân cách Lê Minh Khuê nhìn ra nhân cách cựu thù George Evans).

Chuck Searcy, Phó Chủ tịch Hội Cựu binh Mỹ vì Hòa bình Chi nhánh Việt Nam kể Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với ông ở lần đầu gặp mặt: “Hai quốc gia không được phép đánh nhau lần nữa”.  Và Chuck nói “Tôi tin chắc điều đó, không bao giờ nữa, như Tướng Giáp khẳng định”.

“Không bao giờ nữa”, nhưng không phải là sự hòa giải bằng mọi giá, gây thiệt thòi cho Việt Nam - đó là điều Chuck muốn. 25 năm sống và làm việc ở Việt Nam khiến Chuck cảm nhận được rằng: “Người Việt chưa bao giờ đòi hỏi bất kỳ điều gì từ người Mỹ chúng tôi ngoại trừ hòa bình, hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau, kể cả sau những tàn phá nặng nề họ phải chịu đựng thời chiến”...   

Bài thơ hòa bình 30/4: Hoa thơm, trái ngọt ảnh 1

Cuộc gặp “thi bá New York” Grace Paley, 2002, Mỹ. Grace đứng ở giữa, hai bên là ba nhà văn Việt và tác giả (bìa phải)

Chúng ta vẫn nói “cho tình yêu một cơ hội”, “cho hòa bình một cơ hội”. Cũng như vậy, cần cho cuộc hòa hợp hòa giải một cơ hội, những cơ hội liên tiếp. May mà luôn có những người tiên phong làm việc đó. Câu chuyện về họ và lập ngôn của họ, lập ngôn của cựu thù Việt Nam về họ - bạn thấy đấy, đẹp như những bài thơ. Là khúc nhạc hòa bình ngân nga .

CHO SAO NHẬN VẬY

Kevin Bowen từng bộc lộ: “Việt Nam và Ireland là hai cái cột chống đỡ cuộc đời tôi. Khi Myles con tôi còn bé, thầy giáo yêu cầu học sinh trình bày gốc gác của mình. Trước lớp, Myles nói nửa gốc gác của nó người Ireland, nửa là Việt Nam”.

Với Catherine Karnow: “Việt Nam- đó là nơi tôi thấy mình được sống với phiên bản tuyệt nhất của chính mình”.

Bowen, Karnow và các nhân vật tôi điểm trong loạt bài này đều có cuộc đời mà sự thành đạt, hạnh phúc luôn gắn với cái tên Việt Nam và khiến họ luôn được chào đón ở đất nước cựu thù này. Đó cũng là minh chứng cho chân lý giản đơn rằng: Ở đời, người ta cho sao thì nhận vậy.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.