Bản anh hùng ca mùa Đông bất tử

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.
TP - Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Tinh thần, khí phách “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm năm 1946 - 1947 mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca mùa Đông bất tử. Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lịch sử vĩ đại này đang soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay”.

Bùng cháy ngọn lửa ái quốc

Diễn văn do Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trình bày tại buổi lễ đã ôn lại một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Cách đây 70 năm, chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối phó với thù trong giặc ngoài”. Chính phủ ta đã chủ động đàm phán với Chính phủ Pháp để tránh cuộc chiến tranh.

Song, chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Chúng nổ súng gây hấn nhiều nơi, cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, rồi gây ra vụ tàn sát đẫm máu đồng bào ta ở phố Hàng Bún, Yên Ninh. Nền độc lập dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tình thế đó, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc.

Sáng 18/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016). Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,  Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các Mẹ Việt Nam anh hùng và đại diện đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Đáp lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946 bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng vào các mục tiêu trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, với lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được vũ trang hiện đại nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu với tinh thần quả cảm, bất khuất, sáng tạo, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố, kiên cường giam chân địch trong suốt 60 ngày đêm, vượt gấp đôi thời gian dự kiến. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”, làm rạng rỡ thêm hùng khí đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Qua đó, góp phần làm bùng cháy lên ngọn lửa ái quốc, tạo nên sức mạnh to lớn để Thắng lợi nhất định về dân tộc ta! như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Bản anh hùng ca mùa Đông bất tử ảnh 1

Các cựu chiến binh thủ đô tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến.

Soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập

Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, khi non sông thống nhất, Tổ quốc liền một dải, đất nước ta lại nỗ lực bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển. Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra là rất nặng nề, đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức. Phát huy tinh thần Ngày Toàn quốc kháng chiến, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội nguyện chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trước hết, tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

“Tinh thần, khí phách “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm năm 1946 - 1947 mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca mùa đông bất tử. Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lịch sử vĩ đại này đang soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, trách nhiệm và sứ mệnh của chúng ta trước quá khứ lịch sử hào hùng của cha ông ta để lại, trước tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam là: Phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong ước. Đó là ý chí và khát vọng của nhân dân cả nước cũng như của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội; là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với cha ông và muôn đời sau.

Trốn gia đình, ở lại chiến đấu

Căm phẫn trước những hành động tàn bạo của thực dân Pháp, mùa đông năm 1946, chúng tôi đã nghỉ học và trốn gia đình ở lại để tham gia chiến đấu. Đúng 8 giờ 3 phút tối 19/12/1946, khi đèn điện phụt tắt, những quả đại bác đầu tiên ở pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh… nã vào thành Hà Nội. Chúng tôi xông ngay ra đường để ngả cây cối, ngả cột đèn, rải mìn, rải chướng ngại vật ở phố hàng Da, phố Đường Thành để chặn địch tấn công từ trong thành ra.

Sau 60 ngày đêm chiến đấu, lăn lộn, quần nhau với địch trong những căn nhà đổ nát, những khu phố bị bắn tan hoang, cuộc sống trong các chiến hào đầy gian khổ, thiếu thốn… nhưng với tinh thần chiến đấu đầy quả cảm, không sợ hy sinh, lại được thư động viên của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Hằng năm cứ vào dịp cuối năm, tôi đều không thể quên mùa đông 1946, mùa đông rét mướt, ác nghiệt, mùa đông có nhiều thử thách hiểm nghèo như trong thế ngàn cân treo sợi tóc, buộc quân và dân ta phải cầm súng bảo vệ chính quyền vừa mới giành được. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng đã chiến thắng vẻ vang, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm vô giá về ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền. Tôi tin là thế hệ trẻ hôm nay sẽ nối tiếp và phát huy truyền thống chiến đấu vẻ vang của các thế hệ đi trước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

(Đại tá Nguyễn Huy Du, Ủy viên Ban liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu I, Trung đoàn Thủ đô anh hùng)

Nhắc nhở, thôi thúc thế hệ trẻ

Cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân Thủ đô dù chỉ diễn ra 60 ngày đêm nhưng có ý nghĩa trọng đại. Chúng tôi cảm nhận rằng huyền thoại không chỉ đọng lại với người Hà Nội mà mãi là niềm tự hào, là biểu hiện sáng ngời, kết tinh thành giá trị vô giá cho hôm nay.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến chính là dịp để thế hệ trẻ ôn lại truyền thống hào hùng, chiến công oanh liệt của cha ông, trân trọng và biết ơn, tôn vinh sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cùng lớp lớp thế hệ cha anh và cả những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng.

Điều đó không chỉ tiếp thêm tinh thần, ý chí, sức chiến đấu, lao động, học tập cho mỗi người mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đồng thời nhắc nhở, thôi thúc tuổi trẻ chúng tôi nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

(PGS.TS Trần Xuân Bách, 32 tuổi, giảng viên ĐH Y Hà Nội)

            Văn Kiên, Luân Dũng (ghi)

MỚI - NÓNG