Bán biệt thự công phải được Chính phủ đồng ý

Bán biệt thự công phải được Chính phủ đồng ý
TP - UBND TP Hà Nội vừa chính thức có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp đối với việc quản lý, sử dụng và bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố. Theo đó, việc quản lý biệt thự sẽ được siết chặt hơn trong năm 2007.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội với Thủ tướng, những biệt thự đã giải quyết theo đúng quy định là những biệt thự có từ 1 đến 2 hộ ở, đối tượng hầu hết là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước được bố trí để ở, hoặc tiếp nhận sử dụng qua các thời kỳ. Những trường hợp này thành phố đề nghị được giữ nguyên trạng.

Nếu Nhà nước có nhu cầu sử dụng những biệt thự này vào mục đích khác, thì có chính sách đền bù, hỗ trợ cho người sử dụng (đã có giấy chứng nhận) theo quy định của pháp luật.

Đối với những biệt thự có từ 3 hộ sử dụng trở lên, đan xen sở hữu tư nhân và Nhà nước quản lý, không còn giữ được kiến trúc nguyên thủy, tiếp tục cho bán khi người ở thuê có nhu cầu mua.

Riêng đối với những biệt thự đã và đang giải quyết bán (trước đây bán một phần), chưa cấp “sổ đỏ” đề nghị tiếp tục được bán. Tuy nhiên, trường hợp biệt thự chỉ có 1 đến 2 hộ sử dụng, khi bán phải báo cáo từng trường hợp cụ thể để thành phố xem xét, quyết định.

Đối với những trường hợp được bán (đã nộp hồ sơ), nhưng chưa mua được nhà (tính đến 15/12/2006), thành phố sẽ lập danh sách, chia thành 2 loại: Biệt thự có từ 1đến 2 chủ sử dụng, khi bán phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng; biệt thự có 3 chủ sử dụng trở lên đề nghị Chính phủ cho bán theo quy định.

Đề xuất chính sách nhà ở cho cán bộ cao cấp

Cùng với việc đề xuất Chính phủ siết chặt quản lý biệt thự công, UBNDTP Hà Nội đang chỉ đạo các cơ quan chức năng dự thảo quy định “Về điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự giải quyết hồ sơ xin thuê nhà ở công vụ; đổi nhà ở thuê thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Đây là chính sách về nhà ở áp dụng cho cán bộ thuộc diện do Thành ủy quản lý trở lên.

Theo báo cáo, quỹ nhà ở công vụ thuộc thành phố quản lý chỉ có 8 căn hộ tầng 5 (tổng diện tích 596m2, khu nhà B7 Kim Liên, xây dựng bằng ngân sách thành phố), có 5/8 căn hộ đã bố trí cho cán bộ sử dụng.

Riêng đối với biệt thự có nhiều chủ sử dụng nhưng chưa nộp hồ sơ mua nhà, thành phố đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp, tạo điều kiện để các hộ được tiếp tục mua nhà.

Đối với biệt thự không được tư nhân hóa (nằm trong danh mục không bán), Thành phố đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có nhu cầu lập dự án giải phóng biệt thự để khai thác, sử dụng hiệu quả hơn theo đúng quy định của pháp luật; trả lại bộ mặt kiến trúc biệt thự cho Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội còn 124 biệt thự chưa bán

Tính đến thời điểm 31/12/2006, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 779 biệt thự, trong đó 200 biệt thự làm trụ sở cơ quan, đối ngoại. Theo Quyết định số 4591/QĐ-UB quy định danh mục biệt thự không bán trên địa bàn thành phố, có 43 biệt thự hiện do Trung ương và thành phố quản lý (20 biệt thự nhà công vụ, 14 biệt thự tại Trung tâm chính trị Ba Đình, 9 biệt thự có giá trị kiến trúc đặc trưng).

Trong đó, biệt thự 42 Trần Phú đã được Chính phủ cho phép bán cho cán bộ lão thành cách mạng (người sử dụng chỉ được thực hiện quyền thừa kế). Như vậy, Hà Nội chỉ còn 42 biệt thự thuộc diện không được bán.

Về tình hình bán biệt thự là nhà ở: Ngoài 42 biệt thự không bán, số biệt thự còn lại đã được tổ chức bán theo quy định trong thời gian qua. Trong đó, có 514 biệt thự do nhiều chủ sử dụng mới chỉ bán một phần. Toàn thành phố hiện còn 124 biệt thự chưa bán, đó là những trường hợp chưa nộp hồ sơ, hoặc có tranh chấp nên không bán.

Trong số 171 biệt thự có khuôn viên riêng biệt đã bán, có 117 biệt thự bán cho cán bộ lão thành cách mạng. Ngoài ra, có 83 hộ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước là lão thành cách mạng được ở, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận tại 59 biệt thự.

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng biệt thự, trước đó, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ kể từ năm 2007 không bán biệt thự, nhà mặt tiền theo Nghị định 61/CP. Bộ cũng đang lập đề án đề nghị Thủ tướng có cơ chế quản lý đặc biệt đối với dạng nhà này.

Đề xuất của Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội đều hướng đến việc siết chặt quản lý, sử dụng biệt thự công - một loại công sản bị buông lỏng, sử dụng không hiệu quả trong một thời gian dài.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.