Bán đảo Cà Mau: Nín thở nghe đất lở

Dân cư ven biển Bạc Liêu.
Dân cư ven biển Bạc Liêu.
TP - Người dân miền Tây Nam gồng mình chống chọi với xói lở bờ biển, sạt lở bờ sông, tàn phá rừng phòng hộ. Hàng chục ngàn hộ dân phải di dời do mất đất và nước biển dâng nhưng đang phải đối mặt với sinh kế tại nơi ở mới.

Bờ biển bao bọc bán đảo Cà Mau từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang mỏng manh, nham nhở và yếu đuối trước sóng biển. Ngay đầu mùa mưa, mưa to cộng gió Tây - Nam thổi mạnh đã khiến gần 100 điểm sạt lở bờ biển và sụp lở đất ven sông. Ông Nguyễn Văn On, ở thị trấn Gành Hảo (Đông Hải, Bạc Liêu) nói: “Đêm đêm, bà con ngóng nghe tiếng sóng biển, chạy thoát thân do sợ sạt lở”.

Con rạch nhỏ mà bà con gọi là Rạch Miễu ăn thông ra biển Tây, một bên thuộc khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, bên kia là ấp Đất Biển, xã Phong Điền (Trần Văn Thời, Cà Mau). Người dân quanh vùng gọi là “Xóm Trôi” với hơn 20 ngôi nhà lá tạm bợ. Nguyễn Văn Cọp, 56 tuổi, một hộ dân ở “Xóm Trôi” ngừng tay đào đất be bờ vuông tôm, nói: “Ở đây, cực nhất là nước “ùn”, ngập nhà cửa, trôi đồ đạc, bể vuông tôm. Nước làm trôi đồ đạc, heo gà, tấp vô mé rừng. Đợt nước rút, bà con lội vô rừng tìm của trôi dạt, của ai người đó lấy về”. Bà Trần Thị Thủy, 55 tuổi, vợ ông Cọp nói: “Sống riết thành quen, hễ thấy trời âm u, gió thổi mạnh, sóng lên, nước tràn, co cẳng lên giường”.

Những hộ dân sống ven biển, trong rừng phòng hộ sống bằng nghề chài lưới ven bờ. Bà Trần Thị Thơm ở ấp Đất Biển, xã Phong Điền kể: “Ở gần mé biển tiện lợi ra vào nhưng bờ biển lở nhanh quá, phải dời nhà đôi ba lần, gởi trẻ con về ngoại, về nội đi học”. Chỉ tay về hướng biển, ông Nguyễn Văn Qúi cho biết, cách đây khoảng 10 năm, biển lúc lở lúc bồi, cất nhà cách mé biển hơn 1 km. Nhưng thời gian gần đây, biển không những không bồi, không đắp mà sóng còn đánh lở. “Bây giờ, Rạch Miễu chỉ còn 15 hộ ráng bám trụ, sống bằng nghề đánh bắt ven bờ”- ông Qúi nói.

Dọc tuyến đê biển bán đảo Cà Mau bị sóng biển, triều cường đe dọa triền miên.

Tơi tả “áo giáp xanh”

Rừng phòng hộ ven biển miền Tây là chiếc “áo giáp xanh” bao bọc, bờ biển đã bị suy giảm nghiêm trọng. Chiếc áo giáp xanh ngày càng trở nên rách rưới, mỏng manh trước sóng biển. Đứng trên cầu Chiên Túp, thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu), ông Võ Hồng Ngoãn, một nông dân, nhìn về phía biển: “Vùng đất này, bờ biển không có rừng coi như sạt lở, triều cường lên cao, sóng biển mạnh, xói lở sâu vô đất liền”.

 Bờ biển Tây trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hơn 200 km, khu vực cửa sông, cửa biển đang sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Tâm-Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, qua khảo sát, đánh giá toàn tuyến bờ biển Tây, tổng chiều dài sạt lở khoảng 40 km, nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, sóng biển kết hợp với triều cường đánh trực tiếp vào chân đê gây sạt lở là do mất rừng. Ông Ngô Hoàng Sơn-Hạt trưởng Hạt quản lý rừng phòng hộ biển Tây (Cà Mau) cho biết, năm 2009, diện tích rừng do đơn vị quản lý lên tới hơn 4.100 ha thì nay còn khoảng 2.700 ha, có 635 ha đất ven biển chưa có rừng. Sở NN&PTNT Cà Mau khảo sát, từ năm 2005 đến nay, Cà Mau mất khoảng hơn 4.000 ha đất ven biển, mỗi năm mất 450 ha rừng phòng hộ. Tại Bạc Liêu còn chưa đến 4.000ha rừng phòng hộ ven biển chạy trên 30 km bờ biển thuộc địa bàn thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải.

Bế tắc, dân bỏ đi nơi khác làm ăn

Nhiều năm qua, tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa di dời hơn 900 hộ dân sống ven biển, trong rừng phòng hộ đến nơi an toàn. Tỉnh Cà Mau xây dựng 35 cụm tuyến dân cư mới tại 8 huyện, để bố trí 13.800 hộ ở vùng sạt lở, có nguy cơ cao nhưng chỉ mới bố trí được 1.200 hộ. Ông Lê Văn Sử-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: “Chúng tôi cần 1.400 tỷ đồng để di dời 4.800 hộ ở vùng dễ tổn thương cho biến đổi khí hậu, vào nơi an toàn. Chúng tôi xin điều chỉnh quy hoạch di dân, tái định cư và giải quyết những dự án dở dang”.

Vấn đề nan giải của người dân khi phải di dời đi xa biển và rừng phòng hộ là bế tắc về sinh kế. Ông Thạch Sơn, ở kinh 14, xã Vĩnh Hậu A (Hòa Bình, Bạc Liêu) nói: “Ở ven biển sợ giông bão, nước dâng nhưng còn có cái ăn. Vào khu tái định cư yên thân nhưng bụng đói thì sao chịu nổi?”. Khu dân cư Hương Mai, ở ấp 7, xã Khánh Tiến (U Minh, Cà Mau) có sức chứa 270 hộ, tiếp nhận dân cư từ năm 2011. Ông Nguyễn Châu Á, Ấp đội trưởng, kiêm Tổ tự quản khu dân cư Hương Mai cho biết, có 45 hộ di dời đến ở, mỗi hộ được nhận nền đất 7 m x 30 m, nhưng hiện nay khoảng 80% trong số đó đã bỏ đi nơi khác vì không tư liệu sản xuất, không làm ăn được.

Bộ NN&PTNT báo cáo, những năm gần đây rừng ngập mặn vùng ĐBSCL đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản, tập trung phần lớn tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

MỚI - NÓNG