Bán đất để... chơi

Bán đất để... chơi
Cụ Nguyễn Du đã dạy: "Nghề chơi cũng lắm công phu", chơi không phải dễ, chơi gì cũng phải học.  Hà Nội bây giờ có lắm làng chơi...

Tôi có ông bạn học từ thời phổ thông, nhưng học dở dang thì ông rẽ ngang không học tiếp nữa. Ông ở nhà làm ruộng. Bây giờ thì ông chả làm gì cả, suốt ngày chỉ chơi. Ông bảo làng ông là làng chơi.

Chữ "làng chơi" là tự ông nghĩ ra. Có thể do ông nhìn thấy những người nông dân trước kia, lúc nào cũng tất bật, lam lũ trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình, bây giờ thì suốt ngày chơi ngong ngóng? Ông gọi điện bảo tôi, lúc nào rỗi đến làng ông chơi. Tôi gật đầu đồng ý, bởi vì tôi cũng muốn đến làng chơi để xem họ chơi thế nào.

Đi qua cầu Trung Kính, dọc theo con sông Tô Lịch, hắt về phía bên kia cầu, trước kia là những làng xóm chi chít, sống bằng nghề nông, có thêm nghề phụ là làm hương trầm. Hương lúa, hương trầm tạo nên hương sắc của những xóm làng ở khu vực này. Vườn tược ở đây mênh mông lắm, nhà nào cũng có hàng trăm, hàng nghìn mét.

Từ khi làng trở thành phố, thành khu đô thị, thì dân ở đây giầu lên trông thấy. Nhà nào cũng sắt ra một trăm, vài trăm mét đất bán đi, thế là giàu. Số đất còn lại, làm mấy cái kiốt, hoặc mấy gian nhà cấp 4 cho sinh viên thuê, thành ra chả làm gì cũng không sợ đói.

Lúc đầu thì cái sự chả làm gì không ai muốn. Nhưng mấy đời làm ruộng, bây giờ có "đào tạo lại" cũng chẳng để làm gì, làm gì còn ruộng mà làm.

Cái sự chơi lúc đầu chỉ là bất đắc dĩ, nhưng chơi mãi thành quen, đến bây giờ thì chả thích làm gì, kể cả làm cỗ. Có công việc gì phải đụng đến cỗ bàn, thì cũng lại đi thuê. Cái sự chơi ở đây, là chơi mà không phải lo miếng cơm manh áo.

Ông Chức ở phường Trung Hoà bảo, mười gia đình ở làng ông trước đây, thì có đến sáu bảy gia đình có nhà cho sinh viên thuê. Nhà ông cũng có 9 gian nhà cấp 4 nhưng không khép kín, ông cho thuê mỗi gian trung bình 350.000đ/tháng.

Bây giờ ông phá đi, xây lại cũng trên diện tích ấy thành 2 tầng, 8 gian khép kín, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến cho thuê 700.000đ/tháng. Vị chi mỗi tháng ông cũng được dăm sáu triệu tiền cho thuê nhà.

Dân ở khu vực này không những có nhà, có kiốt cho thuê, mà hầu như nhà nào cũng có sổ tiết kiệm, có sổ hàng tỉ đồng, thành ra chơi mà không sợ ăn cụt vào vốn.

Không phải tất cả mọi người đều chơi, nhưng số người chơi ở đây cũng không phải ít. Hầu hết là những người trước kia là nông dân, khi không còn ruộng nữa, họ chả biết làm gì.

Khi đã có tiền, thì từ chỗ chả biết làm gì đến chỗ chả cần làm gì, cũng chỉ là gang tấc, thành ra cái sự chơi ở đây nó mênh mông lắm. Ông Chức bảo: "Sáng ra cả làng tập thể dục, xong "loăng quăng" đến 9 giờ mới về, làm mấy ván cờ thế là hết ngày".

Ông Tuỳ ở thôn bên cạnh, nay thuộc phường Yên Hoà thì bảo: "Làng chơi thì tự cổ chí kim đến bây giờ ông mới thấy, chơi mà đói thì mới sợ, chứ chơi mà no thì tội gì không chơi".

Rồi ông lại bảo: Chỗ ông có nhiều "hội chơi" lắm. Hội cờ tướng của các ông, hội tam cúc của các bà, hội lễ chùa, hội du lịch, hội v.v... Toàn những hội VLC và CLC (vui là chính và chơi là chính).

Chờ một dự án khả thi

Chơi phố nó khác chơi làng. Chơi phố thì họ đổ ra phố, ra quán bia, ra sàn nhảy, ra rạp chiếu phim... Chơi nhiều nhưng quen ít. Còn chơi làng nó bắt đầu từ sự quen đến sự chơi.

Làng Việt Nam có lịch sử từ hàng trăm, hàng ngàn năm. Mỗi người trong làng đều có quan hệ họ hàng, dòng tộc. Ra ngõ là gặp người quen, là gặp họ hàng, anh em ruột thịt. Cả làng có mối quan hệ dằng dịt, cho nên chỉ chơi suông với nhau cũng đã hết ngày.

Tôi đến nhà ông Tuỳ theo lời hẹn. Vừa bước vào sân, đã nhìn thấy con chó, tôi liền cảnh giác, nhưng ông bảo: Cứ vào tự nhiên, nó chả thèm cắn ai bao giờ. Mình chơi, nó cũng chơi...

Chưa ai thống kê xem Hà Nội bây giờ có bao nhiêu làng chơi, bao nhiêu nghìn, thậm chí bao nhiêu vạn người chơi. Nếu có được con số đó, chắc chắn chúng ta sẽ giật mình.

Hà Nội cứ phình ra tứ phía, với một tốc độ chóng mặt, chỉ riêng những khu đô thị mới đã ngốn mất bao nhiêu là làng. Nào Linh Đàm, Pháp Vân, Nam Thăng Long, Định Công, Trung Yên, v.v...

Kể cả khu Nghĩa Đô, Giáp Lục, Mai Động, v.v... trước đây cũng đều là làng, thành ra số người chơi cứ tăng dần lên, cũng đến chóng mặt, theo sự phát triển của đô thị.

Không biết cái sự chơi này nó còn diễn biến đến đâu nữa? Nó có nhàn đến mức "vi bất thiện" như người xưa thường nói? Tôi cứ nghĩ, khi làm các dự án khả thi phát triển đô thị, chẳng lẽ lại bỏ qua những điều tra xã hội học? Mỗi dự án đều sản sinh ra một lớp người mất đất, một lớp người chơi không có việc làm.

Hà Nội có lẽ đã có đến hàng trăm dự án khả thi. Nhưng hình như chưa có dự án khả thi nào cho những người mất đất? Chẳng lẽ danh sách những làng chơi lại cứ kéo dài ra mãi, nếu không có một cái guốc hãm hữu hiệu.

Tôi hỏi ông Tuỳ: "Thế bà xã đâu?". Ông bảo: "Đi chơi, chứ còn biết làm gì". Ông tuy nhiều tuổi, nhưng lại là người có tính hài hước. Khi tiễn tôi ra về, ông cười bảo: "Mình chỉ sợ chơi nhiều quá, nó thành gien chơi thì chết".

Theo Bùi Nguyên Ngọc
Lao Động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.