Băn khoăn phương thức đầu tư dự án đường sắt cao tốc

ĐB Phạm Thị Loan (đoàn HN) phát biểu ý kiến tại buổi họp tổ. Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Phạm Thị Loan (đoàn HN) phát biểu ý kiến tại buổi họp tổ. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội- TP HCM, đồng tình với dự án nhưng nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về phương thức đầu tư và nguồn vốn.

>> Liệu cơm gắp mắm

ĐB Phạm Thị Loan (đoàn HN) phát biểu ý kiến tại buổi họp tổ. Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Phạm Thị Loan (đoàn HN) phát biểu ý kiến tại buổi họp tổ. Ảnh: Hồng Vĩnh.


Có thể không đến 55 tỷ USD

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đặc biệt lưu ý đến việc lựa phương thức đầu tư. Dẫn chứng thực tế, bà Loan cho biết, Đài Loan cũng lập dự án đường sắt cao tốc với tổng vốn dự tính 27 tỷ USD, chiều dài hơn 300 km, dùng vốn ODA. Tuy nhiên, sau đó họ chấp nhận nộp phạt cho đối tác để chuyển sang hình thức đấu thầu PPP (chính quyền và người dân cùng làm).

Khi thực hiện PPP thì dự án hoàn thành chỉ mất 16 tỷ USD. Rẻ hơn rất nhiều so với dự tính ban đầu. Dự tính ban đầu là 35 năm hoàn vốn nhưng sau khi chuyển hình thức đầu tư thì chỉ mất 18 năm. Do vậy, bà Loan cho rằng, không nên vay ODA mà chuyển sang phương thức đầu tư PPP.

“Vay nợ nước ngoài của chúng ta cao, nếu tiếp tục vay nữa sẽ là gánh nặng. Nên chọn phương án đầu tư nhà nước và dân cùng làm, đồng thời tổ chức đấu thầu, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Chọn phương án này, có thể sẽ thu hồi vốn nhanh hơn”- Bà Loan nói.

Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) băn khoăn: “Vốn lớn, thu hồi tới 45 năm sau là cả một vấn đề phải xem xét, có thể sẽ quá sức chịu đựng đối với nền kinh tế”.

Ông Khanh cho rằng, phải tính để đầu tư sao cho hiệu quả, vì đây chỉ là tuyến chở khách, nếu cần đầu tư có lẽ nên chọn tuyến TP HCM - Nha Trang, Hà Nội-Vinh; đoạn còn lại hầu như không quá bức xúc về giao thông và đều đã có sân bay rồi. Ông Khanh đề nghị phải thẩm tra dự án; thận trọng, nhất là phương án vốn, hiệu quả của dự án; có thể đầu tư trước hai tuyến trên, còn đoạn Vinh- Nha Trang thì làm sau.

Nên lấy ý kiến nhân dân

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, phải xem xét lại hiệu quả của hệ thống vận tải, cả đường sắt, đường bộ, hàng không, đường biển hiện nay thì mới dự tính được nhu cầu đi lại. Ví như, đường Hồ Chí Minh, trước đây chúng ta cũng nêu là cần thiết, là quan trọng nhưng hiện nay lưu lượng xe cộ đi trên tuyến này rất thấp. Vậy liệu dự tính lượng hành khách trong dự án này đã đúng chưa?

Ngoài ra, đây là dự án lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế- xã hội nhưng chưa được đánh giá đầy đủ. Cụ thể, việc tái định cư thế nào khi thu hồi tới 1.500 ha đất nông nghiệp? Do vậy, cần thẩm tra tác động xã hội của dự án để Quốc hội có thêm thông tin quyết định, Đặc biệt, ông Hà đề nghị, nên lấy ý kiến nhân dân. “Đồ án quy hoạch Hà Nội đang trưng cầu ý dân trước khi quyết định, vậy tại sao dự án lớn như thế này lại không làm?”- Ông Hà nói.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) thừa nhận, việc bấm nút thông qua dự án này là một quyết định rất khó khăn. “Chúng ta quyết hôm nay là cho thế hệ sau, do vậy phải thận trọng. Sau 20 năm nữa sự thay đổi của cuộc sống rất lớn.”- Ông Lịch nói.

Ông Lịch cho rằng nhược điểm lớn nhất của dự án này là chúng ta không làm chủ được công nghệ. Các nước họ tự tạo ra công nghệ nên giá trị gia tăng thu về rất cao. Nhật Bản có công nghệ của họ, Trung Quốc thì nhập công nghệ và nội địa hóa. Còn chúng ta nhập mọi thứ, phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài. Do vậy, phải giảm thiểu tối đa nguy cơ bị chèn ép về công nghệ. Phải làm theo kiểu cuốn chiếu, xong dứt điểm từng đoạn.

MỚI - NÓNG