Băn khoăn quanh đề xuất tăng phí xử lý rác

Thu gom rác ở TPHCM.
Thu gom rác ở TPHCM.
TP - Rác thải sinh hoạt trong các khu dân cư ở TPHCM được xử lý chủ yếu dựa vào các đường dây thu gom rác dân lập với cách thu phí tuỳ tiện, gây nhiều bức xúc cho người dân, nhất là mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đề xuất UBND TPHCM tăng phí xử lý rác lên 7-8 lần.

Lấy rác, thu tiền tùy hứng

Bà Xuân (45 tuổi, ngụ phường 7, quận Phú Nhuận) kể, gia đình bà có 4 nhân khẩu gồm 2 người lớn, 2 trẻ em sinh hoạt trong căn nhà 20m2 nhưng nộp tiền xử lý rác hằng tháng ngang bằng với nhà hàng xóm có gần 20 nhân khẩu gồm nhiều hộ ghép, đang sinh hoạt trong căn nhà 4 tầng. “Mỗi ngày, nhà tôi chỉ có bịch rác nhỏ xíu, có hôm còn không có rác để đổ. Nhà hàng xóm mỗi ngày 3-4 bao rác to tướng, vậy mà đóng tiền như nhau 40.000 đồng/tháng”, bà Xuân bức xúc.

Bà Hoa (57 tuổi, ngụ phường 16, quận Gò Vấp) cho biết, việc thu gom rác tại địa phương rất tuỳ tiện. Trước đây, cứ cách một ngày người dân đổ rác một lần. Từ ba năm nay, cách 3-4 ngày mới có người đến thu gom rác. Mỗi tháng, người dân phải đóng 30 nghìn đồng/hộ, tháng cận tết là 60 nghìn đồng/hộ. Người thu gom giải thích là nộp tháng 13, tức tiền thưởng tết.

“Chúng tôi đi làm cả ngày, đến 8 -9 giờ tối mới về rác ở đâu mà có, mỗi ngày chỉ có bịch rác nhỏ. Nếu tiền rác tăng 7-8 lần là quá cao”, bà Hoa nói.

Tại hội nghị chuyên đề về bảo vệ môi trường do Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM tổ chức diễn ra ngày 5/5, ông Trương Trung Kiên, trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM cho biết, lực lượng thu gom rác dân lập (cá nhân, tập thể, hợp tác xã) ở TPHCM chiếm tỉ lệ 60%, có quận - huyện lên đến 80%. Có nhiều trường hợp chủ đường dây thu gom rác thuê mướn lao động hoặc khoán cho người lao động.

Theo ông Kiên, hiện công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập được phân cấp cho quận, huyện quản lý theo Quyết định của UBND TPHCM không còn phù hợp. Nhiều quận, huyện chưa quản lý được lực lượng này.

Một số chuyên gia đô thị cho rằng, hiện nay thu nhập của đại bộ phận người dân còn hạn chế nhưng có quá nhiều chi phí phát sinh, nếu tiếp tục tăng tiền xử lý rác thì đời sống người dân sẽ càng khó khăn. Khi đó, không loại trừ khả năng nhiều người chuyển sang “tự xử” để giảm chi phí, gây hệ quả xấu đến môi trường và mỹ quan đô thị.

Tính đúng, tính đủ

Theo tờ trình của Sở TNMT TPHCM về việc xây dựng giá tối đa cho dịch vụ thu gom rác cũng như giá cho dịch vụ vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt, hiện nay người dân chỉ mới trả tiền thu gom rác với giá 15 – 20 nghìn đồng/hộ/tháng. Thực tế, nhiều đơn vị gom rác lấy phí cao hơn. Vì vậy, Sở TNMT đã nhiều lần xây dựng dự thảo điều chỉnh tăng mức thu phí rác lên cho phù hợp với thực tế cũng như phù hợp với việc “tính đúng, tính đủ” khi Luật Phí và lệ phí có hiệu lực (từ tháng 1/2017).

Theo đó, dựa vào mức phát sinh rác sinh hoạt khoảng 120 kg/hộ/tháng (trung bình một hộ năm nhân khẩu, một nhân khẩu phát sinh 0,8 kg rác/ngày), lộ trình tăng phí xử lý rác đối với hộ dân như sau: Trong năm 2017, người dân phải trả một phần phí vận chuyển rác khoảng 9.480 đồng/tháng/hộ; Đến năm 2018, phải trả toàn bộ phí vận chuyển này, gần 50.000 đồng/tháng/hộ; đến năm 2020 phải trả luôn chi phí xử lý rác 57.000 đồng/tháng/hộ. Theo đó, từ năm 2020 trở đi, số tiền rác hằng tháng người dân phải trả theo cách “tính đúng, tính đủ” là hơn 142.000 đồng/tháng/hộ.

Đại diện Sở TNMT cho biết, đề xuất trên mới là khung giá chung do sở tính toán. Khung giá chính thức sẽ do UBND TPHCM ban hành căn cứ vào đề xuất và ý kiến góp ý, thẩm định của Sở Tài chính và các sở ban ngành liên quan. Việc tính phí xử lý rác có thể căn cứ vào từng địa bàn cụ thể như các quận trung tâm, ngoại thành, vùng ven theo hướng nếu thu gom nhiều nộp nhiều, thu gom ít nộp ít.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một số chuyên gia cho rằng, thay vì tăng phí, việc cần làm ngay là khảo sát, tính toán lượng rác sinh hoạt phát sinh hằng ngày, cho thật chính xác, tăng cường quản lý để loại bớt các chất thải rắn không phải là rác sinh hoạt để buộc chủ nguồn thải này phải chịu trách nhiệm chi trả. Quan trọng không kém là phải kiểm soát chặt các đường dây rác dân lập cũng như hoạt động dịch vụ công ích về thu gom và vận chuyển rác. Khi làm tốt những việc này mới có cơ sở xây dựng khung giá “tính đúng, tính đủ” cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, giải pháp làm chuyển biến nhanh nhất về ô nhiễm môi trường là cần tập trung xử lý rác thải. Rác thải là vấn đề nhức nhối, gây ô nhiễm, ngập nước, mất mỹ quan và văn minh đô thị. Hiện nay, chỉ cần làm tốt công đoạn thu gom, vận chuyển và xử lý rác là sẽ giảm thiểu ô nhiễm.

Từ năm 2020 trở đi, số tiền rác hằng tháng người dân phải trả theo cách “tính đúng, tính đủ” là hơn 142.000 đồng/tháng/hộ.

MỚI - NÓNG