Ban Pháp chế TP Đà Nẵng giải trình về '100% công dân không hài lòng thái độ công vụ'

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.
TPO - Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Đà Nẵng được yêu cầu giải trình liên quan đến báo cáo nêu số liệu "100% công dân không hài lòng với thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận của Sở Công thương thành phố Đà Nẵng".

Sáng ngày 8/7, mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng khoá IX, chủ tọa kỳ họp đã yêu cầu ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng giải trình liên quan đến Báo cáo thẩm tra số 629 ngày 2/7/2020 của Ban Pháp chế HĐND có nêu số liệu gây tranh cãi.

Như Tiền Phong đưa tin, ngày 7/7, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng có công văn đề nghị điều chỉnh thông tin tại Báo cáo thẩm tra số 629 ngày 2/7/2020 của Ban Pháp chế HĐND thành phố.

Theo báo cáo này, có nội dung “Lý do không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức: Cục Thuế: 33,33%; Sở Y tế: 1,41%, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất 7,32%; Do thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận: Sở Công Thương 100% không hài lòng”.

Theo Sở Công thương, số liệu tỷ lệ 100% không hài lòng về thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận của sở như báo cáo của Ban Pháp chế là chưa chính xác. Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng sử dụng kết quả tại phần mềm khảo sát trực tuyến từ ngày 1/1 đến 25/6/2020, giai đoạn này Sở Công thương chỉ có 1 công dân tiến hành đánh giá mức độ hài lòng vào ngày 3/3 và đánh giá kết quả là “chưa hài lòng”.

Việc chỉ căn cứ vào 1 đánh giá của công dân trên phần mềm khảo sát để xác định tỷ lệ 1 đánh giá chưa hài lòng/tổng số 1 đánh giá (tương đương với 100% đánh giá) là số liệu chưa đảm bảo yêu cầu về tính khoa học, chưa khách quan, chưa mang tính đại diện và chưa phản ánh thực tế.

Giải trình vấn đề trên tại phiên chất vấn của kỳ họp vào sáng nay, ông Phan Thanh Long cho biết: Quy trình và thủ tục, Ban Pháp chế đã tiến hành họp, thảo luận, xây dựng dự thảo, gửi ý kiến đến các thành viên của Ban. Trên cơ sở ý kiến đa số đã đi đến thống nhất nhất về nhận định đánh giá nội dung liên quan đến báo cáo trình HĐND thành phố trong kỳ họp lần này.

“Báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế là ý kiến tập thể của Ban pháp chế không phải là ý kiến của một cá nhân nào”, ông Long khẳng định.

Theo ông Long, ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng thực hiện đúng Quy chế phối hợp thực hiện giữa 4 cơ quan gồm Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND và UBMTTQ VN để chuẩn nội dung cho kỳ họp. Sau khi hoàn thành báo cáo đã gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan và đăng tải trên trang điện tử của HĐND TP Đà Nẵng.

Liên quan đến số liệu, ông Long cho hay: Ghi chú trích dẫn trong trang 3 của báo cáo thẩm tra chỉ nêu tỷ lệ không hài lòng diễn đạt theo con số % chứ không theo con số cụ thể. Cơ sở tham chiếu trong báo cáo có dẫn 3 nguồn, gồm: từ báo cáo của UBND TP và của các sở, ngành, qua hoạt động giám sát của ban và tham chiếu từ các nguồn tham khảo. Ban tham khảo trên chuyên mục về tham khảo mức độ hài lòng của tổ chức công dân việc thực hiện hành chính công của các sở, ngành. Thông tin này, đăng tải trên cổng thông tin điện tử thành phố. Việc sử dụng có giá trị tham khảo để các ngành có được thông tin, nêu ra các bất cập để từ đó đề ra các giải pháp. Mục tiêu là để phục vụ tổ chức công dân được tốt hơn.

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng đây không phải là nội dung lớn. Tuy nhiên dư luận, báo chí có đưa nội dung này lên nên cần làm rõ. Thẩm quyền trình tự thủ tục Ban pháp chế đã làm đúng Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Giám sát Quốc hội và HĐND. Ban pháp chế đã làm đúng quy chế phối hợp và có gửi báo cáo thẩm tra cho UBND TP đúng thời gian quy định, đăng tải lên trang điện tử HĐND TP để rộng đường dư luận. Đây là số liệu tham khảo ở kênh chính thống.

“Nếu nội dung đánh giá mức độ hài lòng trên trang trang thông tin điện tử thành phố bất cập, đây là lúc cần kiểm tra lại. Vấn đề ở đây là làm rõ chứ không phải để chỉ trích nhau”, ông Trung cho biết.

“Qua vấn đề này, tôi thấy đáng mừng nhất đó là có lòng tự trọng và tính xấu mà đúng hơn là văn hóa xấu hổ. Nếu như chúng ta thấy rằng đây là lòng tự trọng và văn hóa xấu hổ thì chắc chắc trong những phát biểu từ Thành ủy, đến HĐND, UBND sẽ giảm tải đi câu: "một bộ phận hiện nay chưa tâm huyết, chưa hoàn thành, còn đùn đẩy trách nhiệm". Chắc chắn, những nội dung thảo luận tại kỳ họp các sở, ngành sẽ triển khai nghiêm túc, nhất là những vấn đề bức xúc, đang phải tập trung giải quyết để đáp ứng lại niềm tin nguyện vọng của cử tri”, ông Trung nói.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ có ý kiến thêm, việc đánh giá có 3 phương pháp: khảo sát qua điều tra, phỏng vấn sâu qua điện thoại ghi âm (Tổng đài 1022) và khảo sát trực tuyến. Kết quả, khảo sát phải tổng hợp lấy cả 3 phương pháp, nếu lấy một phương pháp khảo sát trực tuyến thì không thể đánh giá khách quan, khoa học về mức độ hài lòng của người dân. Ban pháp chế nên trao đổi nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá khách quan hơn.

MỚI - NÓNG